Bảo đảm thận trọng, khách quan, chặt chẽ, không để xảy ra vi phạm, lạm dụng
Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư liên tịch này quy định về phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện trình tự, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt bị can, bị cáo theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 233, khoản 2 và khoản 3 Điều 243, điểm a và điểm b khoản 2 Điều 290 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với: CQĐT của Công an nhân dân, CQĐT trong Quân đội nhân dân, CQĐT của VKSND tối cao; VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp; TAND, Tòa án quân sự các cấp; người tiến hành tố tụng thuộc các cơ quan nêu trên; bị can, bị cáo; người bào chữa, người đại diện, người thân thích của bị can, bị cáo vắng mặt; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt bị can, bị cáo.
Thông tư liên tịch số 05 cũng nêu rõ các nguyên tắc thực hiện, đó là: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng XHCN Việt Nam là thành viên; tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo.
Bảo đảm thận trọng, khách quan, chặt chẽ, không để xảy ra vi phạm, lạm dụng; chỉ kết luận điều tra, quyết định truy tố, xét xử vắng mặt bị can, bị cáo khi thuộc các trường hợp và đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch này.
Bảo đảm tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật
Điều kiện ban hành bản kết luận điều tra đề nghị truy tố, bản cáo trạng và xét xử vắng mặt bị can, bị cáo
Về trường hợp, điều kiện ban hành bản kết luận điều tra đề nghị truy tố, bản cáo trạng và xét xử vắng mặt bị can, bị cáo, Điều 4, Thông tư liên tịch số 05 nêu rõ: 1. CQĐT áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 233, Viện kiểm sát áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 243, Tòa án áp dụng quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 290 của Bộ luật Tố tụng hình sự để điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt bị can, bị cáo trong các trường hợp sau:
a) Bị can, bị cáo trốn hoặc không biết bị can, bị cáo ở đâu và việc truy nã không có kết quả.
Bị can, bị cáo trốn là trường hợp bị can, bị cáo cố ý trốn tránh, vắng mặt, cơ quan tiến hành tố tụng không giao được giấy triệu tập cho bị can, bị cáo hoặc đã giao giấy triệu tập nhưng bị can, bị cáo không chấp hành, trình diện theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc che giấu tung tích, nơi cư trú, nơi làm việc, nơi học tập nhằm không chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.
Không biết bị can, bị cáo ở đâu là trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã tiến hành các hoạt động xác minh theo quy định pháp luật nhưng không xác định được bị can, bị cáo ở đâu.
Việc truy nã không có kết quả là trường hợp CQĐT đã ra quyết định truy nã bị can, bị cáo, áp dụng các biện pháp xác minh, truy bắt bị can, bị cáo nhưng đến khi hết thời hạn điều tra, hết thời hạn truy tố, hết thời hạn chuẩn bị xét xử hoặc hết thời hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Thông tư liên tịch này mà bị can, bị cáo không đầu thú hoặc không bắt được bị can, bị cáo.
Quang cảnh một Lễ ký ban hành các thông tư liên tịch quy định về quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND tối cao và TAND tối cao tháng 2/2025. (ảnh minh họa)
b) Bị can, bị cáo đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Bị can, bị cáo đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử là trường hợp có căn cứ xác định bị can, bị cáo đã xuất cảnh nhưng chưa có thông tin nhập cảnh và không xác định được nơi đang sinh sống, làm việc, học tập của bị can, bị cáo ở nước ngoài, không triệu tập, dẫn độ được bị can, bị cáo để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hoặc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ xác định nơi đang sinh sống, làm việc, học tập của bị can, bị cáo ở nước ngoài, đã triệu tập, đã yêu cầu dẫn độ nhưng không thể đưa được bị can, bị cáo trở về Việt Nam để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
2. CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án có thể ban hành bản kết luận điều tra đề nghị truy tố, bản cáo trạng, xét xử vắng mặt bị can, bị cáo trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này khi có đủ các điều kiện sau:
a) Đã thu thập đủ chứng cứ, tài liệu để làm rõ các vấn đề phải chứng minh trong vụ án theo quy định tại Điều 85 của Bộ luật Tố tụng hình sự và đủ căn cứ xác định bị can, bị cáo đã thực hiện tội phạm bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;
b) Bảo đảm quyền bào chữa cho bị can, bị cáo vắng mặt theo quy định tại các điều 16, 291, 351 và Chương V của Bộ luật Tố tụng hình sự. Cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án phải thông báo về quyền nhờ người bào chữa cho người đại diện hoặc người thân thích của bị can, bị cáo để họ nhờ người bào chữa. Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của bị can, bị cáo không nhờ người bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo vắng mặt theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Quy định cụ thể về truy tố vắng mặt bị can
Về truy tố vắng mặt bị can, Thông tư liên tịch số 05 quy định, trường hợp CQĐT kết luận điều tra đề nghị truy tố trong trường hợp vắng mặt bị can thì Viện kiểm sát phải tiến hành các hoạt động để xác định trường hợp và điều kiện ban hành bản cáo trạng truy tố trong trường hợp vắng mặt bị can theo quy định tại khoản 2 Điều 243 của Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 4 của Thông tư liên tịch này. Các tài liệu xác định bị can vắng mặt được đưa vào hồ sơ vụ án.
Trường hợp CQĐT kết thúc điều tra theo thủ tục chung nhưng trong giai đoạn truy tố thì bị can trốn hoặc không biết bị can ở đâu, Viện kiểm sát đề nghị CQĐT ra quyết định truy nã bị can. Nếu hết thời hạn truy tố mà việc truy nã không có kết quả thì Viện kiểm sát xem xét, quyết định truy tố vắng mặt bị can nếu có đủ căn cứ, điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 243 của Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 4 của Thông tư liên tịch này.
Trường hợp CQĐT kết luận điều tra đề nghị truy tố trong trường hợp vắng mặt bị can nhưng đến giai đoạn truy tố, bị can trở về, đầu thú hoặc bắt được bị can hoặc trường hợp Viện kiểm sát xác định không đủ căn cứ, điều kiện để quyết định truy tố vắng mặt bị can theo quy định tại khoản 2 Điều 243 của Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 4 của Thông tư liên tịch này thì Viện kiểm sát giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
Bản cáo trạng truy tố trong trường hợp vắng mặt bị can phải có các nội dung quy định tại Điều 243 của Bộ luật Tố tụng hình sự; lý do và căn cứ để truy tố vắng mặt bị can.
Thông tư liên tịch này gồm 3 chương, 10 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND tối cao, TAND tối cao chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này.
P.V