Quy định mới về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt

Quy định mới về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt
4 giờ trướcBài gốc
Quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt
Nghị định này quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư, quản lý, gồm: Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.
Phạm vi, hình thức giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
Nghị định nêu rõ, toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện có được giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt là công trình, hạng mục công trình đường sắt theo quy định của pháp luật về đường sắt và đất gắn với công trình đường sắt.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được xử lý theo hình thức giao hoặc điều chuyển cho doanh nghiệp quản lý đường sắt quốc gia thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao, điều chuyển tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là kết quả của quá trình thực hiện dự án sử dụng vốn nhà nước:
- Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt có xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án và đối tượng thụ hưởng đó là doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia thì sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng, mua sắm, chủ đầu tư, chủ dự án, ban quản lý dự án có trách nhiệm bàn giao tài sản cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.
- Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt có xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án nhưng đối tượng thụ hưởng đó không phải là doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia thì xử lý như sau:
Nếu đối tượng thụ hưởng là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức chính trị - xã hội thì sau khi đối tượng thụ hưởng tiếp nhận tài sản, thực hiện việc điều chuyển tài sản từ đối tượng thụ hưởng sang Bộ Giao thông vận tải để giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia; việc điều chuyển được thực hiện theo quy định (*) dưới đây.
Nếu đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án không phải là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội thì đối tượng thụ hưởng thực hiện việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản theo quy định của pháp luật về đường sắt và pháp luật khác có liên quan. Trường hợp có nhu cầu điều chuyển tài sản sang Bộ Giao thông vận tải để giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia thì thực hiện theo quy định (*) dưới đây.
- Trường hợp trong dự án đầu tư được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt không xác định đối tượng thụ hưởng tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giao cho doanh nghiệp quản lý hoặc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia về Bộ Giao thông vận tải để giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia được thực hiện theo quy định về xử lý tài sản là kết quả của dự án sử dụng vốn nhà nước tại pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này.
Nghị định nêu rõ, đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do các đối tượng không phải là doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia quản lý mà đối tượng đang quản lý có nhu cầu điều chuyển tài sản về Bộ Giao thông vận tải để giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp pháp luật có liên quan chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản thì được áp dụng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 23 Nghị định này để quyết định và thực hiện việc điều chuyển tài sản.(*)
Hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia
Nghị định quy định cụ thể về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo Nghị định, các hình thức xử lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia bao gồm: Thu hồi tài sản; điều chuyển tài sản; chuyển giao tài sản về địa phương quản lý, xử lý; thanh lý tài sản; xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại; hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Trong đó, về thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Nghị định nêu rõ, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt bị thu hồi trong các trường hợp sau: 1- Khi có sự thay đổi về quy hoạch, phân cấp quản lý; 2- Tài sản đã được giao nhưng không còn nhu cầu sử dụng làm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt; 3- Tài sản được giao không đúng đối tượng; 4- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thuộc phạm vi quản lý. Tài sản kết cấu hạ tàng đường sắt thu hồi được xử lý theo các hình thức sau: Điều chuyển; chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý theo quy định.
Tuệ Văn
Nguồn Chính Phủ : https://baochinhphu.vn/quy-dinh-moi-ve-quan-ly-su-dung-khai-thac-tai-san-ket-cau-ha-tang-duong-sat-102250207163754584.htm