Để hạn chế tình trạng cá nhân không có quốc tịch, Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2025 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2025) đã có quy định rất mới so với Luật Quốc tịch năm 2008 và Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2014.
Tạo điều kiện cho cá nhân có quốc tịch Việt Nam
Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân Việt Nam. Ở nước CHXHCN Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch.
Con em của người gốc Việt Nam sinh sống tại Campuchia (hiện chưa có quốc tịch Việt Nam) theo cha mẹ di cư về làng bè hồ Trị An (xã Trị An) sinh sống. Ảnh Đ.Phú
Bên cạnh đó, để mở rộng đối tượng được nhập quốc tịch Việt Nam, tại khoản 5, Điều 1 Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2025 có quy định, công dân nước ngoài và người không quốc tịch có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu đủ các điều kiện sau đây: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp là người chưa thành niên xin nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ, người chưa thành niên có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam; biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam; đang thường trú ở Việt Nam; thời gian thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam; có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Đồng thời, người xin nhập quốc tịch Việt Nam có vợ hoặc chồng hoặc có con đẻ là công dân Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải đáp ứng các điều kiện như: biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam; đang thường trú ở Việt Nam; có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Cũng tại khoản 5, Điều 1 Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2025 có quy định, người xin nhập quốc tịch Việt Nam thuộc một trong những trường hợp sau: có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội hoặc ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; có lợi cho Nhà nước CHXHCN Việt Nam; là người chưa thành niên xin nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải đáp ứng các điều kiện về: biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam; đang thường trú ở Việt Nam; thời gian thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam; có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Các quy định mới khác
Qua nghiên cứu Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2025 để tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân và hội viên, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai Dương Văn Tín cho biết: “Tại khoản 16, điều 1, Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2025 có quy định, khi có sự thay đổi về quốc tịch do nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam của cha mẹ, quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ cũng được thay đổi theo quốc tịch của họ. Khi có sự thay đổi về quốc tịch do thôi quốc tịch Việt Nam của cha mẹ thì quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ cũng được thay đổi theo quốc tịch của họ, nếu cha mẹ không có yêu cầu khác”.
Cũng theo luật gia Dương Văn Tín, để thông thoáng hơn cho việc xin trở lại quốc tịch, Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2025 đã bãi bỏ thủ tục giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 1, Điều 23 của Luật Quốc tịch năm 2008 trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
“Kể từ ngày 1-7-2025, hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam không còn phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Bởi vấn đề này đã được điểm b, khoản 12, Điều 1 Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2025 quy định” - luật sư LƯU HỒNG KHANH (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho biết.
Như vậy, kể từ ngày 1-7-2025, hồ sơ xin trở lại quốc tịch của cá nhân chỉ còn các thủ tục sau: đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam; bản sao giấy khai sinh, hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế; bản khai lý lịch; giấy tờ chứng minh thông tin lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp phù hợp với pháp luật của nước đó đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Giấy tờ chứng minh thông tin lý lịch tư pháp được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ; giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam.
Đoàn Phú