Quy định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai

Quy định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai
2 giờ trướcBài gốc
Ngày 4-10-2024, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai (gọi tắt là Nghị định 123, có hiệu lực từ ngày 4-10) với nhiều quy định mới mà người sử dụng đất (SDĐ) cần lưu ý.
Theo điểm b, khoản 5, Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, việc chuyển đổi quyền sử dụng đất mà không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với cả hai bên chuyển đổi quyền sử dụng đất. Trong ảnh: Nông dân ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) chăm sóc lúa. Ảnh minh họa: Đ.Phú
Xử lý nghiêm hành vi lấn, chiếm và hủy hoại đất
Luật gia Lương Văn Hùng (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, thời gian qua, hành vi vi phạm hành chính trong SDĐ thường gặp là: lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất. Các hành vi này không chỉ gây khó khăn cho người có quyền SDĐ bị người khác xâm phạm, mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, dân sinh, đoàn kết cộng đồng. Do đó, khoản 1, Điều 11 Luật Đất đai năm 2024 nghiêm cấm các hành vi lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất.
Tại khoản 9, Điều 3 Luật Đất đai năm 2024 quy định, chiếm đất là việc SDĐ do Nhà nước đã quản lý mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc SDĐ của người SDĐ hợp pháp khác mà chưa được người đó cho phép.
Theo Điều 3 Luật Đất đai năm 2024, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng SDĐ theo mục đích đã được xác định.
Lấn đất là việc người SDĐ chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
Điểm c, khoản 5, Điều 5 Nghị định 123 quy định, trường hợp chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền SDĐ mà không đăng ký biến động đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính đối với bên nhận chuyển quyền SDĐ.
Luật gia Lương Văn Hùng phân tích, để chế tài các hành vi: lấn đất, chiếm đất và hủy hoại đất, tại Điều 13, Điều 14 Nghị định 123 quy định rất cụ thể số tiền xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm vào ngân sách nhà nước.
Cụ thể, khoản 1, Điều 13 Nghị định 123 quy định, phạt từ 3-200 triệu đồng đối với hành vi lấn đất hoặc chiếm đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý, được thể hiện trong hồ sơ địa chính thuộc địa giới hành chính của xã hoặc các văn bản giao đất để quản lý với diện tích dưới 0,02 hécta đến từ 2 hécta trở lên. Đặc biệt, khoản 5, Điều 13 Nghị định 123 quy định phạt từ 10-500 triệu đồng đối với hành vi SDĐ mà Nhà nước đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng người được giao đất, cho thuê đất chưa được bàn giao đất trên thực địa với diện tích dưới 0,05 hécta đến 2 hécta trở lên.
Ngoài ra, khoản 1, Điều 14 Nghị định 123 chế tài đối với hành vi hủy hoại đất như sau: phạt từ 2-100 triệu đồng đối với hành vi làm suy giảm chất lượng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây: làm mất hoặc giảm độ dày tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn cát, sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây bạc màu, gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp mà dẫn đến làm mất hoặc giảm khả năng SDĐ đã được xác định…
Không đăng ký biến động cũng bị phạt
Tại khoản 3, Điều 133 Luật Đất đai năm 2024 có quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động về quyền SDĐ thì người SDĐ, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên; cũng như được thay đổi quyền SDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi mô hình tổ chức hoặc sự thỏa thuận của các thành viên hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người SDĐ chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất... Người SDĐ phải đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền.
Còn với trường hợp thi hành án thì thời hạn đăng ký biến động đất được tính từ ngày bàn giao tài sản thi hành án, tài sản bán đấu giá; trường hợp thừa kế quyền SDĐ thì thời hạn đăng ký biến động đất được tính từ ngày phân chia xong quyền SDĐ là di sản thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.
Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), cho hay tại Điều 16 Nghị định 123 quy định, phạt từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu đối với trường hợp: thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký; thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê để sử dụng; thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký.
Nghị định 123 cũng quy định, phạt từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký biến động đất đai đối với các trường hợp: người SDĐ, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền SDĐ, tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền SDĐ, tài sản gắn liền với đất; cho thuê, cho thuê lại quyền SDĐ trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng; chuyển nhượng dự án có SDĐ. Thay đổi quyền SDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi mô hình tổ chức hoặc sự thỏa thuận của các thành viên hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người SDĐ chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất...
Đoàn Phú
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202410/quy-dinh-moi-ve-xu-phat-hanh-chinh-trong-linh-vuc-dat-dai-0d60285/