Tham gia thảo luận với Dự án Luật này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thể hiện đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án Luật và đề nghị xem xét một số nội dung quy định của dự thảo Luật cho phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tham gia thảo luận.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước và quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác được quy định tại khoản 8, Điều 3 và điểm a khoản 1, Điều 8 dự thảo Luật, theo đại biểu, cần rà soát, nghiên cứu quy định cụ thể mức điều tiết với tỷ lệ phù hợp để chính sách này thực sự có hiệu quả khi Luật có hiệu lực thi hành.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế: Tại khoản 1 Điều 7, Luật Ngân sách nhà nước quy định về nguyên tắc cân đối ngân sách nhà nước: “Các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện. Việc ban hành chính sách thu ngân sách phải bảo đảm nguyên tắc cân đối ngân sách trung hạn, dài hạn và thực hiện các cam kết về hội nhập quốc tế”. Từ Điều 35 đến Điều 38, Luật Ngân sách Nhà nước quy định về nguồn thu, chi của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương không có quy định về thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển KT-XH cho địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. Theo quy định hiện hành, các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí được cân đối chung cho tất cả các nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương (trừ thu từ xổ số kiến thiết và thu tiền sử dụng đất), không xác định riêng nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để chi hỗ trợ đầu tư cho địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản. Trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư cho địa bàn có hoạt động khai thác khoáng sản thì phải cân đối, bố trí từ dự toán ngân sách địa phương để thực hiện.
Mặt khác, nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật được kế thừa từ Điều 5 Luật Khoáng sản 2010. Tuy nhiên, qua thực tế thi hành cho thấy, do chưa có quy định tỷ lệ điều tiết này nên quá trình triển khai thực hiện cũng không áp dụng được để giải quyết những vấn đề rủi ro về hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản bị ảnh hưởng hậu khai thác khoáng sản tại địa phương. Bên cạnh đó cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng tại địa phương nơi có khoáng sản khai thác cũng chủ yếu dựa trên“tinh thần tự nguyện”, “hỗ trợ” của doanh nghiệp. Trên thực tế số lượng các doanh nghiệp khai thác khoáng sản quan tâm hỗ trợ người dân và địa phương nơi có khoáng sản được khai thác còn khiêm tốn do chưa có quy định pháp lý cụ thể.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm quy định về mức đóng góp của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đối với địa phương nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác (trong đó, quy định cụ thể là cấp huyện hoặc cấp xã) để địa phương có cơ sở thực hiện.
Về khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tại khoản 5 Điều 28 dự thảo Luật quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan”. Từ thực tiễn vướng mắc tại địa phương, để thuận tiện và rút ngắn thời gian thực hiện, đại biểu đề nghị cần xem xét giao thẩm quyền phê duyệt kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Như vậy sẽ góp phần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Theo chương trình, dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội biểu quyết và thông qua tại đợt họp thứ 2 của kỳ họp này./.
Triệu Tuyên