Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Nguồn: ITN
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung các quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” nhằm thực hiện cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Theo đó, chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân được định nghĩa là cá nhân đáp ứng một trong các tiêu chí sau: nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp; trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng hơn 25% cổ tức hoặc lợi nhuận; hoặc là cá nhân cuối cùng có quyền chi phối doanh nghiệp.
Theo cơ quan soạn thảo, khái niệm này được xây dựng dựa trên thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp, với mục tiêu minh bạch hóa thông tin sở hữu. Việc nhận diện và công bố thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi là một trong những biện pháp quan trọng để phòng, chống gian lận thương mại, trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố. Thực tế, tại Việt Nam đã phát sinh nhiều trường hợp “núp bóng sở hữu”, khi tổ chức hoặc cá nhân kiểm soát doanh nghiệp mà không công khai thông tin, từ đó lạm dụng vị thế để thực hiện hành vi tham nhũng, rửa tiền, vi phạm pháp luật. Những hành vi này không chỉ gây tổn thất cho nhà đầu tư, đối tác và cộng đồng, mà còn làm giảm niềm tin vào môi trường kinh doanh, gia tăng rủi ro và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của khu vực doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, bổ sung các quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp” là bước đi cần thiết để hoàn thiện khung khổ pháp lý, góp phần đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát tăng cường (Danh sách xám) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF). Tuy nhiên, do đây là quy định mới trong Luật Doanh nghiệp, đồng thời ràng buộc trách nhiệm cung cấp thông tin từ phía doanh nghiệp và kèm theo chế tài nếu vi phạm, nên các điều khoản trong dự thảo Luật cần bảo đảm rõ ràng, hợp lý để có tính khả thi, giảm thiểu rủi ro và chi phí tuân thủ.
VCCI dẫn chiếu khoản 7 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, theo đó, chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân có quyền sở hữu thực tế một hoặc nhiều tài sản, hoặc có quyền chi phối khách hàng trong các giao dịch liên quan đến tài sản; đồng thời, có quyền chi phối pháp nhân hoặc thỏa thuận pháp lý. Quy định này xác định chủ sở hữu hưởng lợi dựa vào yếu tố cá nhân có quyền chi phối doanh nghiệp hay không (thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản cho cá nhân này).
Từ đây, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi. Thứ nhất, theo Luật Doanh nghiệp, người sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức trong công ty cổ phần không có quyền biểu quyết, không được dự họp đại hội đồng cổ đông và không có quyền đề cử vào hội đồng quản trị hoặc ban kiểm soát (theo khoản 3 Điều 117). Vì vậy, những người này, dù được hưởng cổ tức, không có quyền chi phối doanh nghiệp. Do đó, cần loại trừ trường hợp cá nhân hưởng cổ tức từ cổ phần ưu đãi ra khỏi định nghĩa chủ sở hữu hưởng lợi.
Thứ hai, việc yêu cầu các thành viên góp vốn trong công ty hợp danh kê khai thông tin là chưa phù hợp. Bởi theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, công ty hợp danh có tư cách pháp nhân. Trong công ty hợp danh, mọi quyết định của công ty đều do thành viên hợp danh. Thành viên góp vốn không được tham gia quản lý công ty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty tức là không có quyền chi phối công ty.
Từ đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ mục tiêu xác định chủ sở hữu hưởng lợi là gì: nếu nhằm xác định những cá nhân thực tế có quyền chi phối doanh nghiệp, thì cần loại trừ những người không có quyền biểu quyết, không có ảnh hưởng thực tế đến hoạt động doanh nghiệp dù sở hữu một phần vốn hoặc được hưởng lợi nhuận. Ngoài ra, cần có nội dung giải trình rõ ràng hơn để bảo đảm tính chính xác và đầy đủ trong việc nhận diện chủ sở hữu hưởng lợi, tránh áp dụng tràn lan, gây gánh nặng tuân thủ không cần thiết cho doanh nghiệp.
Vũ Quang