Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy

Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy
3 giờ trướcBài gốc
Sáng 1-11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Ông Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, ông Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa bày tỏ nhất trí với nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Dự thảo Luật trình Quốc hội đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội; tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn, đại biểu cho rằng, trong phòng cháy chữa cháy thì phòng cháy giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy, mà trực tiếp là thiết kế, sử dụng điện trong cơ quan, tổ chức, gia đình.
Đại biểu cho biết, Điều 7 dự thảo Luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, điều luật này cũng chưa nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình. Đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 3 điều này nội dung: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình phải chịu trách nhiệm chính trong việc phòng cháy, trong trường hợp để xảy ra cháy tại cơ quan, tổ chức, gia đình mình.
Điều 49 và Điều 50 của dự thảo Luật có đề cập đến nguồn tài chính bảo đảm cho việc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Đại biểu cho rằng, cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, các chủ thể này trong các quan hệ phòng cháy, chữa cháy nên chịu một phần kinh phí cho công tác chữa cháy. Đại biểu cho rằng, sau khi hoàn thành công tác chữa cháy, cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, cá nhân cần chịu một phần kinh phí theo một tỷ lệ nhất định.
Tại phiên thảo luận, còn nhiều quy định trong dự thảo Luật được các đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần quan tâm, rà soát, bổ sung, làm rõ: Bổ sung cơ quan kiểm lâm là lực lượng chuyên ngành về PCCC rừng; bổ sung nguyên tắc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác PCCC, CNCH; cần có sự phân công rõ ràng trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy; bổ sung trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình thi công công trình xây dựng; làm rõ trường hợp tình nguyện PCCC, CNCH trong tình huống khẩn cấp; đề nghị bổ sung phòng cháy đối với chung cư cao tầng…
Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật do luật giao để có hiệu lực; đồng thời triển khai trong thực tiễn; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương có báo cáo tổng hợp để gửi đại biểu Quốc hội và chuyển cơ quan thẩm tra tiếp thu, giải trình, trình với Quốc hội thông qua theo đúng chương trình của kỳ họp.
TRÍ NGHĨA (Thực hiện)
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202411/quy-dinh-ro-trach-nhiem-cua-nguoi-dung-dau-co-quan-to-chuc-ho-gia-dinh-trong-viec-phong-chay-4a72224/