Quy định rõ trách nhiệm, tăng chế tài đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo

Quy định rõ trách nhiệm, tăng chế tài đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo
6 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên làm việc sáng 10-5. Ảnh: Quochoi
Dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi) lần này mang tinh thần cải cách mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc xây dựng một hệ sinh thái truyền thông lành mạnh, hiện đại và có trách nhiệm.
Quy định rõ hơn về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo
Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trên tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội về đổi mới công tác lập pháp, chỉnh lý dự thảo Luật.
Đến nay, về cơ bản, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã bảo đảm đúng mục tiêu sửa đổi Luật, không có nội dung lớn còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan.
Theo đó, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 3 điều, đã sửa đổi, bổ sung 23 điều, bãi bỏ 1 điều và 7 điểm, khoản của Luật Quảng cáo năm 2012, tăng 5 điều sửa đổi, bổ sung so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 8.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (Điều 15a); về nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng (khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 23); về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng khi thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian để cung cấp dịch vụ (điểm g khoản 5 Điều 23).
Đa số đại biểu cho rằng, thời gian qua, nhiều người đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo (đặc biệt là mạng xã hội) để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và gây bức xúc cho người dân.
Do vậy, các cơ quan, đơn vị mong muốn dự thảo luật lần này cần quy định rõ trách nhiệm cũng như tăng chế tài đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Đồng thời, cần quy định rõ hơn về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đặc biệt là người có ảnh hưởng: diễn viên, ca sĩ, hoa hậu, người mẫu…
Phải có “điểm mở” để quảng cáo trở thành một ngành kinh tế - xã hội
Đối với quảng cáo xuyên biên giới, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác lập đây là loại hình quảng cáo cần quản lý, các chủ thể liên quan phải thực hiện nghĩa vụ thuế và tuân thủ pháp luật Việt Nam, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới phải ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm. Trường hợp không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn và thực hiện biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
Song, bên cạnh việc “siết” hoạt động quảng cáo, cũng có một số ý kiến cho rằng, phải có “điểm mở” để hoàn thiện thêm dự án Luật.
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: CTV
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, quảng cáo là một ngành kinh tế, đồng thời cũng là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc đưa sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng hiệu quả không thể tách rời vai trò của hoạt động quảng cáo. Khi sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo bên cạnh việc phải quy định chặt chẽ nhằm xử lý các hành vi vi phạm, cũng cần tạo ra các “điểm mở” nhằm phát huy vai trò tích cực của quảng cáo, để quảng cáo trở thành một ngành kinh tế - xã hội, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu bày tỏ sự đồng tình với nhiều đại biểu khác trong việc sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, nhiều khoản và 1 điều mới, do đó nên tận dụng cơ hội này để sửa đổi một cách toàn diện Luật Quảng cáo thông qua việc hoàn thiện thêm những chế định pháp lý, đưa thêm nhiều chính sách vào dự thảo Luật.
Riêng đối với Điều 23, đại biểu đề xuất tách riêng thành mục Quảng cáo trên môi trường mạng để có bố cục hợp lý, đầy đủ hơn về nội dung quảng cáo trên môi trường mạng. Trong đó, nhấn mạnh sự đồng tình việc đưa khái niệm "người truyền tải quảng cáo là người có ảnh hưởng".
Đại biểu Trịnh Xuân An nêu rõ, người có ảnh hưởng đã có quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 55/2024/NĐ-CP của Chính phủ, nêu một loạt các tiêu chí về người có ảnh hưởng, nhưng với những sự kiện vừa xảy ra trong thời gian qua thì vướng nhất trong quảng cáo đó là người có ảnh hưởng tác động lên quảng cáo.
Người có ảnh hưởng theo Nghị định 55/2024 và theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngoài người có trình độ chuyên môn, có năng lực còn có nhóm đối tượng nữa đó là người “gây sự chú ý”. Mà “gây sự chú ý” bên cạnh hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, diễn viên thì người tạo ra scandal trên môi trường mạng để “gây sự chú ý” vẫn chưa xử lý được.
“Tôi đề nghị cần phải siết lại đối với người chuyển tải, những người có ảnh hưởng này. Chỉ những người nào có liên quan hoặc có trình độ năng lực liên quan đến sản phẩm mới được quảng cáo. Như vậy, chúng ta mới siết được việc quảng cáo sai, quảng cáo một cách tràn lan, thiếu kiểm soát như thời gian qua” - đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Hà Lê (lược ghi)
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202505/quy-dinh-ro-trach-nhiem-tang-che-tai-doi-voi-cac-hanh-vi-vi-pham-trong-hoat-dong-quang-cao-6785336/