Quy định về dạy thêm: Trường học ôn thi ra sao khi không được thu tiền?

Quy định về dạy thêm: Trường học ôn thi ra sao khi không được thu tiền?
5 giờ trướcBài gốc
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 29/2024 quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 17 từ năm 2012. Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 14-2-2025.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Phú Thọ, quận 11 trong 1 giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Khoản 1, Điều 5 của Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường nêu không được thu tiền của học sinh. Việc dạy thêm học thêm chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học. Cụ thể:
Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ 1 liền kề ở mức chưa đạt.
Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi.
Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Quy định này tác động không nhỏ tới học sinh, giáo viên các trường. Nếu không được thu tiền, các trường sẽ xoay sở ra sao để tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp và chi trả kinh phí cho giáo viên.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Ngọc Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thọ, quận 11 cho biết, theo hướng dẫn của Thông tư 29, thời lượng dạy thêm ở trường rất ít, chỉ 2 tiết/tuần/môn thi.
Thực hiện quy định về dạy thêm, trường đã cho học sinh đăng ký ôn thi tự nguyện 3 môn Văn, Toán, Anh từ trước tết.
Phụ trách dạy các lớp này sẽ là giáo viên dạy lớp 9 đang thiếu tiết nghĩa vụ (quy định giáo viên phải đảm bảo 19 tiết/tuần) và không thu tiền học sinh. Việc ôn thi sẽ được tổ chức 2 tiết/tuần/môn. Ngoài ra, trường cũng trích từ kinh phí của nhà trường để hỗ trợ thêm cho giáo viên. Sau khi cho học sinh đăng ký, qua thống kê, học sinh môn Văn 3 lớp, học sinh môn Toán 3 lớp.
Để thuận tiện trong công tác ôn thi, trường phân chia thành lớp nâng cao và lớp cơ bản. Đối với các lớp nâng cao, học sinh phải có điểm trung bình từ 6,5 trở lên. Từ 1-3 học sinh bắt đầu học ôn thi.
Tại Trường THCS Cát Lái, TP Thủ Đức, bà Lê Thị Thảo, Hiệu trưởng nhà trường cho hay từ trước giờ trường không thu tiền ôn thi vào lớp 10.
Kinh phí do nhà trường cân đối trả cho giáo viên, chi phí mỗi tiết ôn tập khá thấp chỉ vài chục nghìn.
“Trường chỉ có 3 lớp 9. Đầu tháng 6 học sinh sẽ thi vào lớp 10. Trong khoảng thời gian tháng 5, những môn nào đã thi xong, kết thúc chương trình, trường tận dụng thời gian để ôn 3 môn thi tuyển. Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải dạy ôn để đảm bảo số tiết nghĩa vụ theo quy định nên khoản kinh phí chi cho hoạt động này cũng không nhiều” - bà Thảo nói.
Tương tự, Hiệu trưởng một trường THCS ở Hóc Môn cho biết, trước khi có Thông tư 29, trường đã không thu tiền ôn thi vào lớp 10. Kinh phí lấy từ ngân sách của trường, một tiết học như vậy sẽ thỏa thuận với giáo viên là 50.000 đồng/tiết.
Kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM sẽ diễn ra trong 2 ngày 6 và 7-6.
Tham dự kỳ thi vào lớp 10, thí sinh sẽ dự thi 3 môn gồm Toán, Văn (120 phút/ môn), Ngoại ngữ (90 phút).
Thí sinh đăng ký dự thi vào các trường THPT chuyên của TP phải dự thi môn thứ tư (môn chuyên) với thời gian 150 phút/môn.
Mỗi môn chuyên có một đề thi riêng theo chương trình môn học cấp THCS, nội dung thi bảo đảm tuyển chọn được học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.
NGUYỄN QUYÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/quy-dinh-ve-day-them-truong-hoc-on-thi-ra-sao-khi-khong-duoc-thu-tien-post833340.html