Quy định về thời gian nghỉ Tết của người lao động ở doanh nghiệp tư nhân

Quy định về thời gian nghỉ Tết của người lao động ở doanh nghiệp tư nhân
2 ngày trướcBài gốc
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) tư vấn cho một người lao động về quy định thời giờ làm việc, nghỉ ngơi theo Bộ luật Lao động năm 2019. Ảnh: Đ.Phú
Tuy vậy, giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ vẫn được quyền thỏa thuận làm việc trong những ngày được nghỉ Tết.
Quy định nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Theo Thông báo 6150/TB-BLĐTBXH ngày 3-12-2024 của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, về việc nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ Ngày Chiến thắng 30-4 và Ngày quốc tế Lao động 1-5-2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ: cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là công chức, viên chức) được nghỉ dịp Tết Âm lịch năm 2025 từ thứ bảy ngày 25-1-2025 (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết chủ nhật ngày 2-2-2025 dương lịch (tức mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Đợt nghỉ này bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Âm lịch và 4 ngày nghỉ hàng tuần.
Cũng theo Thông báo 6150/TB-BLĐTBXH, đối với NLĐ trong các doanh nghiệp tư nhân, NSDLĐ quyết định lựa chọn phương án nghỉ Tết Âm lịch như sau: lựa chọn 1 ngày cuối năm Giáp Thìn và 4 ngày đầu năm Ất Tỵ hoặc 2 ngày cuối năm Giáp Thìn và 3 ngày đầu năm Ất Tỵ hoặc 3 ngày cuối năm Giáp Thìn và 2 ngày đầu năm Ất Tỵ.
“Nếu ngày nghỉ lễ, Tết rơi vào ngày nghỉ hàng tuần mà NLĐ vẫn làm việc thì NLĐ được hưởng nguyên lương ngày nghỉ lễ, Tết đó. Đồng thời, NLĐ được hưởng thêm tiền làm thêm giờ theo Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019” - luật gia PHẠM ĐÌNH ĐỨC, Hội Luật gia thành phố Biên Hòa, cho hay.
Thông báo 6150/TB-BLĐTBXH nêu rõ, nếu ngày nghỉ hàng tuần trùng với ngày nghỉ Tết Ất Tỵ thì NLĐ được nghỉ bù ngày nghỉ hàng tuần vào ngày làm việc kế tiếp theo. Nhà nước khuyến khích NSDLĐ ngoài nhà nước (tư nhân) áp dụng thời gian nghỉ Tết Âm lịch năm 2025 cho NLĐ như quy định đối với công chức, viên chức.
Thời gian làm việc, nghỉ ngơi, nghỉ lễ, Tết được Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn quy định nhằm đảm bảo quyền lợi, sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cho NLĐ trong quan hệ lao động. Dù vậy, vẫn còn NLĐ thắc mắc liên quan đến quy định nghỉ Tết.
Chẳng hạn, chị Phạm Thị Ngọc (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho biết, công ty nơi chị làm việc thông báo Tết Ất Tỵ NLĐ trong công ty được nghỉ 5 ngày, ai không có nhu cầu làm việc những ngày đó thì đăng ký với công ty. Chị Ngọc thắc mắc, công ty vẫn sản xuất vào các ngày nghỉ Tết là đúng quy định hay không?
Còn anh Trần Văn Tiết (ngụ phường An Hòa, thành phố Biên Hòa, làm công nhân tại phường Long Bình) bộc bạch, công ty nơi anh làm việc cho NLĐ nghỉ Tết Ất Tỵ 5 ngày theo phương án: 2 ngày cuối năm Giáp Thìn (28 và 29 tháng Chạp) và 3 ngày đầu năm Ất Tỵ (mùng 1 đến mùng 3 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Theo anh, thời gian nghỉ Tết như vậy không thỏa đáng với nhu cầu cá nhân nên anh muốn biết, NLĐ có được quyền đề xuất với lãnh đạo công ty cho phép nghỉ thêm từ 5-10 ngày nữa theo hình thức nghỉ không lương, nghỉ phép năm, nghỉ việc riêng hay không.
Chế độ thưởng, phạt theo quy định
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) cho biết, khi NLĐ có nhu cầu làm việc vào những ngày nghỉ Tết và nhu cầu đó phù hợp với yêu cầu, phương án sản xuất, kinh doanh của NSDLĐ thì các bên sẽ thỏa thuận bằng văn bản. Lúc đó, tiền lương, tiền công của NLĐ sẽ được tính như sau: hưởng nguyên lương những ngày được nghỉ và được tính thêm tiền công làm thêm giờ.
Tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với NLĐ hưởng lương ngày. NLĐ làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường. NLĐ làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019, NLĐ còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hàng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết.
Riêng vấn đề của NLĐ Trần Văn Tiết, luật sư Vũ Duy Nam (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, theo Bộ luật Lao động năm 2019, NLĐ được phép nghỉ hàng năm (Điều 113); nghỉ hàng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc (Điều 114); nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương (Điều 115).
“Căn cứ vào các quy định trên, ông Tiết có quyền đề nghị NSDLĐ cho phép được nghỉ thêm theo hình thức như: nghỉ phép năm, nghỉ không hưởng lương theo số ngày được nghỉ, hoặc theo thỏa thuận sau khi kết thúc những ngày được nghỉ Tết Ất Tỵ theo quy định” - luật sư Vũ Duy Nam hướng dẫn.
Cũng theo luật sư Vũ Duy Nam, NSDLĐ không được ngăn cản NLĐ nghỉ Tết Nguyên đán, cho phép nghỉ ít hơn số ngày theo quy định; không bảo đảm cho NLĐ nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật. Hành vi này của NSDLĐ có thể bị xử phạt từ 2-20 triệu đồng theo điểm a, khoản 1 và khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đoàn Phú
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/ban-doc/202501/quy-dinh-ve-thoi-gian-nghi-tet-cua-nguoi-lao-dong-o-doanh-nghiep-tu-nhan-03c432d/