Quy định về thu, chi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP

Quy định về thu, chi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP
4 giờ trướcBài gốc
Nhà đầu tư chịu trách nhiệm hoàn trả các khoản chi phí quy định
Về nguyên tắc quản lý thu, chi trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP, Thông tư nêu rõ, các khoản thu, chi trong lựa chọn nhà đầu tư phải đúng mục đích, đúng chế độ của Nhà nước và quy định của pháp luật. Việc lập dự toán, thanh toán, quyết toán các khoản thu, chi trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công, chi thường xuyên thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính quy định việc thu, chi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Ảnh minh họa.
Đối với khoản chi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP, các khoản chi và định mức các khoản chi trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP. Đối với khoản thu trong lựa chọn nhà đầu tư, các khoản thu từ tiền bán hồ sơ mời thầu và các khoản thu khác (nếu có) sau khi thực hiện các nghĩa vụ thuế được bên mời thầu nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Nhà đầu tư được lựa chọn chịu trách nhiệm hoàn trả các khoản chi phí quy định tại Điều 4 Thông tư này và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hợp đồng PPP có hiệu lực.
Thông tư số 95/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính áp dụng cho những tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP.
Ngoài ra thông tư cũng quy định rõ, nguồn kinh phí để chi các nội dung trong lựa chọn nhà đầu tư quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP được bố trí trong kế hoạch vốn chuẩn bị dự án PPP từ nguồn vốn đầu tư công, chi thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước của cơ quan có thẩm quyền và được tính trong tổng mức đầu tư của dự án PPP. Nguồn kinh phí chi giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư do nhà đầu tư có kiến nghị nộp theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 73 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP.
Phân rõ trách nhiệm trong từng trường hợp cụ thể
Thông tư của Bộ Tài chính cũng phân rõ trách nhiệm việc quản lý và sử dụng kinh phí trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP theo từng trường hợp.
Ảnh minh họa: H.T
Cụ thể, đối với bên mời thầu là ban quản lý dự án, kinh phí phải được quản lý và quyết toán theo Thông tư số 70/2024/TT-BTC, đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Trong trường hợp các đơn vị chuyên môn, trực thuộc cơ quan có thẩm quyền thuê tư vấn để thực hiện đấu thầu, tổng mức chi phí không được vượt quá dự toán phê duyệt, và các khoản thanh toán phải thực hiện theo hợp đồng ký kết, tuân thủ quy định hiện hành về quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính bãi bỏ Thông tư số 08/2022/TT-BTC ngày 9/2/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu, chi trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.
Ngoài ra, nếu đơn vị có đủ năng lực được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép tự thực hiện một phần hoặc toàn bộ các công việc trong lựa chọn nhà đầu tư, kinh phí sử dụng sẽ phải tuân theo cơ chế tài chính được cấp thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình triển khai dự án PPP.
Theo Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, trong trường hợp nhà đầu tư có kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư phải nộp kinh phí giải quyết kiến nghị cho bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn. Nếu nhà đầu tư rút đơn kiến nghị, kinh phí đã nộp sẽ được xử lý như sau: Hoàn trả 50% nếu Hội đồng tư vấn chưa thành lập hoặc chưa tổ chức họp; không hoàn trả nếu Hội đồng tư vấn đã tổ chức họp.
Kinh phí còn lại sau khi xử lý sẽ được bộ phận thường trực giúp việc Hội đồng tư vấn nộp vào ngân sách nhà nước trong vòng 7 ngày làm việc kể từ thời điểm nhà đầu tư rút đơn kiến nghị.
Việc lập dự toán chi giải quyết kiến nghị do bộ phận thường trực giúp việc Hội đồng tư vấn thực hiện và trình Chủ tịch Hội đồng tư vấn phê duyệt. Dự toán không được vượt mức kinh phí do nhà đầu tư có kiến nghị đã nộp. Chủ tịch Hội đồng tư vấn quyết định mức khoán chi cho các thành viên tư vấn, bộ phận thường trực và các khoản chi khác, đảm bảo đúng quy định.
Chi thù lao cho thành viên Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị là công chức, viên chức thực hiện theo quy định của pháp luật. Kết thúc quá trình giải quyết kiến nghị, nếu kinh phí thu vượt thực chi, số tiền chênh lệch sẽ được hoàn trả cho nhà đầu tư có kiến nghị trong thời gian 7 ngày kể từ khi Chủ tịch Hội đồng tư vấn xác nhận phần kinh phí thực chi.
Trường hợp kiến nghị của nhà đầu tư được kết luận là đúng, văn bản giải quyết kiến nghị sẽ phải nêu rõ nhà đầu tư có kiến nghị nhận lại chi phí giải quyết kiến nghị đã nộp. Bộ phận thường trực giúp việc Hội đồng tư vấn có văn bản yêu cầu bên mời thầu hoàn trả cho nhà đầu tư mức kinh phí bằng số tiền mà nhà đầu tư có kiến nghị đã nộp trừ đi số tiền bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn đã hoàn trả theo quy định.
Nguồn kinh phí hoàn trả được bố trí từ dự toán chi thường xuyên (nếu bên mời thầu là đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập) hoặc kinh phí hoạt động của đơn vị (nếu bên mời thầu không thuộc nhóm này).
Tổ chức, cá nhân có sai phạm theo quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà đầu tư của cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm bồi thường cho bên mời thầu theo quy định của pháp luật./.
Vân Hà
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quy-dinh-ve-thu-chi-trong-lua-chon-nha-dau-tu-thuc-hien-du-an-ppp-168518.html