Quy định về thực hành kiểm tra và xử lý vi phạm sau kiểm tra xe quân sự

Quy định về thực hành kiểm tra và xử lý vi phạm sau kiểm tra xe quân sự
2 ngày trướcBài gốc
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra xe quân sự lưu thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Ảnh: qdnd.vn
Công tác kiểm tra xe quân sự được tiến hành bởi lực lượng, cá nhân có thẩm quyền, nhằm bảo đảm việc quản lý, sử dụng, điều khiển xe quân sự tham gia giao thông đường bộ đúng quy định pháp luật và an toàn. Lực lượng kiểm tra xe quân sự là một hệ thống thuộc ngành xe máy - vận tải Quân đội, được biên chế hoặc quyết định giao nhiệm vụ từ Cục Xe máy - Vận tải, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật đến cơ quan xe máy - vận tải cấp sư đoàn và tương đương (trừ các nhà máy, bệnh viện, các binh đoàn, doanh nghiệp Quân đội).
Cụ thể: Phòng An toàn cơ giới quân sự trực thuộc Cục Xe máy - Vận tải, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật là cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác kiểm tra xe quân sự của các cơ quan, đơn vị, các đội kiểm tra xe quân sự trong toàn quân. Cơ quan xe máy - vận tải thuộc Cục Hậu cần - Kỹ thuật các quân khu, quân đoàn và tương đương tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập đội kiểm tra xe quân sự và giao nhiệm vụ cho đội trưởng, nhân viên đội kiểm tra xe quân sự; trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra xe quân sự cho các đội kiểm tra xe quân sự thuộc quyền. Đội kiểm tra xe quân sự được thành lập theo quyết định của chỉ huy cơ quan, đơn vị từ cấp sư đoàn và tương đương trở lên, gồm 1 đồng chí đội trưởng và 2 đồng chí nhân viên.
Đối với thực hành kiểm tra xe quân sự, Thông tư số 71/2024/TT-BQP quy định về căn cứ, vị trí, thủ tục, nội dung kiểm tra xe quân sự như sau:
Về căn cứ: Đội kiểm tra xe quân sự chỉ tiến hành dừng xe quân sự để kiểm tra theo kế hoạch kiểm tra đã được thủ trưởng cơ quan, đơn vị cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về vị trí kiểm tra: Những nơi dễ quan sát, có chỗ dừng, đỗ xe, không gây cản trở giao thông; không tổ chức kiểm tra xe quân sự ở những nơi đường giao nhau, đường đèo dốc, đường cong, nơi tầm nhìn bị hạn chế.
Về thủ tục, nội dung kiểm tra: Khi phát hiện xe quân sự cần kiểm tra cách vị trí kiểm tra khoảng 50m, nhân viên đội kiểm tra xe quân sự sử dụng gậy chỉ huy giao thông (ban đêm sử dụng gậy chỉ huy giao thông phải có đèn) và còi ra hiệu lệnh cho người điều khiển xe quân sự dừng xe. Khi xe dừng hẳn, yêu cầu người điều khiển xe quân sự xuất trình các giấy tờ liên quan để kiểm tra; kiểm tra xe phải tiến hành theo thứ tự, thận trọng, tỉ mỉ, dứt điểm từng nội dung:
Một là, kiểm tra an toàn kỹ thuật xe, bao gồm: Kiểm tra hệ thống lái, hệ thống phanh; kiểm tra sự đồng bộ và hoạt động của hệ thống chiếu sáng, tín hiệu (đèn chiếu sáng phía trước, đèn báo rẽ, đèn báo phanh, đèn soi biển số, còi...); kiểm tra gương chiếu hậu, kính chắn gió, kính cánh cửa, gạt mưa; kiểm tra bánh, lốp xe theo đúng kích thước, tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe; kiểm tra bộ phận giảm thanh, giảm khói; kiểm tra ghế ngồi cố định (đối với xe huấn luyện thực hành lái xe và xe vận tải chở quân); kiểm tra việc kê xếp, chằng buộc hàng hóa trên xe (đối với xe vận tải hàng hóa).
Hai là, kiểm tra điều kiện pháp lý của xe quân sự và người điều khiển xe quân sự, bao gồm: Chứng nhận đăng ký xe, Giấy phép xe tập lái (đối với xe huấn luyện thực hành lái xe), Giấy công tác xe, Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định còn hiệu lực dán trên kính chắn gió; biển số đăng ký xe (biển số trước, sau); biển số trên thành hậu thùng xe (đối với xe vận tải); biển “xe tập lái” (đối với xe huấn luyện thực hành lái xe); hệ thống số phụ; Giấy phép lái xe quân sự; Giấy phép dạy lái xe (đối với giáo viên huấn luyện thực hành lái xe); Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng hoặc Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng chưa có Giấy phép lái xe); Chứng từ hàng hóa (đối với xe vận chuyển hàng hóa).
Ba là, kiểm tra lễ tiết, tác phong quân nhân đối với người điều khiển xe quân sự.
Bốn là, kiểm tra nồng độ cồn và các chất kích thích khác (nếu có biểu hiện).
Đối với việc xử lý vi phạm sau kiểm tra, Thông tư số 71/2024/TT-BQP quy định về trách nhiệm, thủ tục, các biện pháp xử lý tương ứng với các trường hợp vi phạm cụ thể như sau:
Một là, phê bình, nhắc nhở, ghi vào Giấy công tác xe, Sổ theo dõi kiểm tra xe đối với người điều khiển xe quân sự vi phạm thông thường.
Hai là, lập biên bản tạm giữ Giấy phép lái xe, Giấy phép dạy lái xe, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng và yêu cầu cơ quan, đơn vị đến giải quyết đối với người điều khiển xe quân sự vi phạm một trong các trường hợp sau:
- Điều khiển xe quân sự không mang Chứng nhận đăng ký xe;
- Xe không có tem kiểm định hoặc tem kiểm định đã hết hiệu lực;
- Giấy phép lái xe, Giấy phép dạy lái xe, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng tẩy xóa, nhàu nát không đọc được, không phù hợp với loại xe đang điều khiển; sử dụng Giấy phép lái xe dân sự điều khiển xe quân sự (trừ các trường hợp lái xe quân sự phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước theo quy định của Bộ Quốc phòng);
- Điều khiển xe quân sự mà trong hơi thở có nồng độ cồn hoặc sử dụng chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng;
- Xe chở hàng cấm, hàng không có chứng từ hợp lệ: Lệnh xuất kho (hóa đơn bán hàng hoặc hợp đồng mua, bán, vận chuyển); giấy tờ pháp lý liên quan đến hàng hóa, chở hàng và người ngoài nhiệm vụ;
- Xe chở hàng quá khổ, quá tải; xe siêu trường, siêu trọng mà không có Giấy phép lưu hành đặc biệt theo quy định của pháp luật;
- Không chấp hành hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra của lực lượng chức năng.
Ba là, đình chỉ hoạt động và tạm giữ xe.
Trong đó: Biện pháp đình chỉ hoạt động buộc phải trở lại đơn vị, ghi vào Giấy công tác xe, Sổ theo dõi kiểm tra khi sử dụng xe quân sự sai quy định (không đúng nội dung ghi trong Giấy công tác xe, sai nhóm xe).
Biện pháp lập biên bản tạm giữ xe, yêu cầu cơ quan, đơn vị đến giải quyết đối với người điều khiển xe quân sự vi phạm một trong các trường hợp sau:
- Xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật;
- Người điều khiển xe quân sự không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe hết hạn sử dụng, không đúng hạng xe đang điều khiển;
- Không có Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng (đối với người điều khiển xe máy chuyên dùng);
- Xe chưa đăng ký;
- Người điều khiển và xe quân sự vi phạm quy định sau: Điều khiển xe quân sự mà trong hơi thở có nồng độ cồn hoặc sử dụng chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng; xe chở hàng cấm, hàng không có chứng từ hợp lệ (hóa đơn bán hàng hoặc hợp đồng mua, bán, vận chuyển); giấy tờ pháp lý liên quan đến hàng hóa, chở hàng và người ngoài nhiệm vụ; xe chở hàng quá khổ, quá tải; xe siêu trường, siêu trọng mà không có Giấy phép lưu hành đặc biệt theo quy định của pháp luật; không chấp hành hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra của lực lượng chức năng.
Bốn là, lập biên bản tạm giữ xe; phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn (Thanh tra quốc phòng hoặc Điều tra hình sự) xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm: Biển số đăng ký, Chứng nhận đăng ký xe, tem kiểm định, Giấy phép lái xe, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng bị tẩy, xóa hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp; xe có số khung, số máy không đúng với số khung, số máy ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký xe; xe chở hàng cấm, hàng không có chứng từ hợp lệ.
Năm là, tất cả các trường hợp vi phạm nêu trên (trừ trường hợp người điều khiển xe quân sự vi phạm thông thường bị phê bình, nhắc nhở, ghi vào Giấy công tác xe, Sổ theo dõi kiểm tra xe), đội trưởng đội kiểm tra xe quân sự phải báo cáo ngay với người chỉ huy cấp trên trực tiếp và gửi các giấy tờ tạm giữ, kèm theo biên bản về cơ quan xe máy - vận tải thuộc Cục Hậu cần - Kỹ thuật cấp quân khu, quân đoàn và tương đương; chậm nhất sau 2 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản tạm giữ xe; cơ quan xe máy - vận tải phải báo cáo bằng văn bản và gửi kèm theo biên bản tạm giữ về Cục Xe máy - Vận tải, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật để thông báo đến các cơ quan, đơn vị có xe và lái xe quân sự vi phạm để xử lý theo quy định. Thời hạn hẹn lái xe đến cơ quan xe máy - vận tải thuộc Cục Hậu cần - Kỹ thuật cấp quân khu, quân đoàn và tương đương để giải quyết vi phạm không quá 7 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản tạm giữ.
Sáu là, trong thời gian tạm giữ xe và các giấy tờ liên quan, đội kiểm tra xe quân sự phải có trách nhiệm quản lý xe và các giấy tờ liên quan; không tạm giữ hàng hóa trên xe (trừ hàng cấm, hàng không có chứng từ hợp lệ).
Thực hiện đúng quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024; các quy định của Bộ Quốc phòng về kiểm soát quân sự, kiểm tra xe quân sự tham gia giao thông đường bộ là trách nhiệm của lực lượng kiểm tra xe quân sự, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan đến việc quản lý, sử dụng và điều khiển xe quân sự tham gia giao thông đường bộ. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên quán triệt người điều khiển xe quân sự trong cơ quan, đơn vị thuộc quyền chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, quy định của Bộ Quốc phòng khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông và yêu cầu kiểm tra lễ tiết, tác phong quân nhân, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật, quy định Bộ Quốc phòng khi tham gia giao thông đường bộ của lực lượng kiểm tra xe quân sự theo quy định tại Thông tư số 71/2024/TT-BQP.
Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế (Học viện Biên phòng)
-------------------------------------
[1] Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025 và thay thế các quy định trong Quyết định số 326/QĐ-TM ngày 24/6/1996 của Tổng Tham mưu trưởng ban hành quy định về công tác kiểm tra an toàn xe quân sự.
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/quy-dinh-ve-thuc-hanh-kiem-tra-va-xu-ly-vi-pham-sau-kiem-tra-xe-quan-su-post488155.html