Quy định về tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng

Quy định về tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng
2 giờ trướcBài gốc
Chiều 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về dự án luật này. Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Bắt buộc có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, công chứng là dịch vụ công, đồng thời có tính rủi ro nghề nghiệp cao, cần phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi của công chứng viên trong hành nghề công chứng.
Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu bên hành lang Quốc hội.
Việc quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc có tính chặt chẽ, an toàn cao hơn cho hoạt động nghề nghiệp của công chứng viên. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, trên cơ sở kế thừa Luật Công chứng hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung quy định: Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc; đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, quy tắc bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên. Việc bổ sung quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của đối tượng này là phù hợp với quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Bắt buộc công chứng đối với một số giao dịch quan trọng
Về quy định các loại giao dịch phải công chứng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, pháp luật nước ta cũng quy định công chứng bắt buộc đối với một số giao dịch quan trọng liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, một số loại tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng và một số giao dịch quan trọng khác. Các giao dịch phải công chứng hiện được quy định trong các luật có liên quan như: Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và một số văn bản dưới luật…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 7 kế thừa quy định của Luật Công chứng hiện hành, không quy định các loại giao dịch phải công chứng mà tập trung điều chỉnh các vấn đề về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật cho biết, quá trình thảo luận, tiếp thu chỉnh lý nội dung này còn có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành quan điểm của Chính phủ, không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng trong Luật Công chứng để tránh trùng lặp với quy định của pháp luật chuyên ngành. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị quy định cụ thể danh mục các giao dịch phải công chứng trong Luật Công chứng nhằm bảo đảm minh bạch, thuận lợi trong áp dụng pháp luật của người dân, doanh nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, cả 2 luồng ý kiến trên đều có ưu điểm và hạn chế. Cơ quan này đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo hướng kết hợp các điểm tích cực của cả 2 để chỉnh lý nội dung này.
Theo đó, bổ sung khoản 2 Điều 1 quy định về tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng, cụ thể là: "Giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được pháp luật quy định phải công chứng".
Đồng thời, cũng giao Chính phủ chỉ đạo rà soát các giao dịch phải công chứng đang được quy định trong các luật, nghị định, thông tư hiện hành để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung trong thời hạn một năm, kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, bảo đảm phù hợp với tiêu chí quy định tại Luật Công chứng.
Không quy định chứng thực bản dịch mà chứng thực chữ ký người dịch
Thảo luận tại phiên họp, nói về trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên quy định trong dự án luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, không nên bắt buộc, mà nên để các văn phòng công chứng, các công chứng viên được lựa chọn. Bên cạnh đó, đại biểu đồng ý quy định không quy định công chứng viên chứng thực bản dịch, mà thực hiện chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Từ thực tế, nhiều công chứng viên không đủ trình độ ngoại ngữ để chứng thực bản dịch, nên từ chối chứng thực. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng ý quy định công chứng viên chỉ công chứng chữ ký của người dịch.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) đề nghị, cho phép công chứng ngoài trụ sở để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân, nhất là ở những địa bàn khó thành lập văn phòng công chứng, khi đó người dân có thể từ huyện này sang huyện khác để công chứng, nhất là ở những địa bàn giáp ranh. Đại biểu cho rằng, nếu yêu cầu công chứng theo địa bàn là chúng ta hạn chế quyền tiếp cận dịch vụ công của người dân, trong khi hoạt động công chứng là dịch vụ công.
Quy định mô hình văn phòng công chứng linh hoạt
Về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng (Điều 20), nhiều đại biểu tán thành với phương án 1. Theo đó, bên cạnh các Văn phòng công chứng được tổ chức theo mô hình công ty hợp danh như luật hiện hành còn được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), phương án này mang tính linh hoạt hơn, cho phép lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đặc biệt, đối với các khu vực có cơ sở hạ tầng chưa phát triển, mô hình doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thành lập và hoạt động của các Văn phòng công chứng. Điều này giúp bảo đảm sự phục vụ công chứng trên diện rộng và có thể điều chỉnh theo nhu cầu của từng khu vực.
Các đại biểu tại phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đề nghị, cần làm rõ thêm thế nào là mật độ dân số thấp; thế nào là cơ sở hạ tầng, dịch vụ chưa phát triển và khó khăn trong việc thành lập Văn phòng công chứng theo loại hình công ty hợp danh theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, có thể giao cho Chính phủ hoặc UBND tỉnh quy định cụ thể về nội dung này để tránh trường hợp các văn phòng công chứng hiện nay đang hoạt động theo loại mô hình hợp danh xin chuyển đổi sang loại mô hình doanh nghiệp tư nhân sau khi luật có hiệu lực thi hành, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
Phương Thủy
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/quy-dinh-ve-tieu-chi-xac-dinh-cac-giao-dich-phai-cong-chung-i748300/