Quy định vô lý, ngành nông nghiệp mong sửa luật

Quy định vô lý, ngành nông nghiệp mong sửa luật
2 ngày trướcBài gốc
Thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đều đang bị đội chi phí do phải công bố đánh giá hợp quy. Ảnh: Hoàng Anh
100% lô hàng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi phải có chứng nhận hợp quy là quy định gây khó cho Công ty TNHH De Heus cũng như nhiều doanh nghiệp ngành chăn nuôi suốt nhiều năm nay.
Ông Trần Văn Học, Ban đối ngoại De Heus, cho biết, với quy định này, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu phải chờ 7 – 10 ngày mới được đưa về nhà máy để chế biến, gây tốn nhiều thời gian và đội chi phí của doanh nghiệp.
Chung “số phận” phải công bố chứng nhận hợp quy là ngành sản xuất thuốc thú y. Bà Nguyễn Thị Hương, Phó chủ tịch Hội Thú y Việt Nam, cho biết, tại hơn 40 thị trường xuất khẩu thuốc thú y Việt Nam, không có thị trường nào đòi hỏi doanh nghiệp phải chứng nhận công bố hợp quy.
Do đó, quy định hợp quy không cần thiết và làm giảm năng lực cạnh tranh của ngành thuốc thú y với các đối thủ tại thị trường quốc tế.
Các hiệp hội về chăn nuôi đã nhiều lần gửi đơn, thư kiến nghị về chứng nhận hợp quy lên các cơ quan quản lý nhà nước. Theo cộng đồng doanh nghiệp, chứng nhận hợp quy có thể mất chi phí hàng triệu đồng với mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi và hàng chục triệu đồng với thuốc thú y.
Doanh nghiệp có bao nhiêu sản phẩm thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi thì mất bấy nhiêu lần tiền, chưa kể cứ mỗi ba năm, hết chu kỳ sản phẩm lại tiếp tục phải tiến hành đánh giá công bố hợp quy một lần nữa.
Trong khi đó, ngành trồng trọt cũng phải chịu nhiều khó khăn do phải tuân thủ quy định pháp lý. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó giám đốc Công ty CP Phân lân Ninh Bình, phản ánh, việc cùng một mẫu phân bón nhưng đưa đến các phòng thử nghiệm phân bón khác nhau (đều do Cục Bảo vệ thực vật chỉ định), lại cho ra kết quả khác nhau.
Kết quả thử nghiệm sai lệch lại trở thành căn cứ cho thanh tra ngành nông nghiệp và quản lý thị trường xử phạt hành chính, thậm chí yêu cầu thu hồi sản phẩm, không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp.
Đáng nói, các sản phẩm phân bón cũng thuộc diện phải công bố đánh giá hợp quy, với tổng chi phí có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Theo ông Sơn, nghịch lý xảy ra khi sản phẩm được đánh giá đạt tiêu chuẩn nhưng đến khi bán ra thị trường, hàng hóa bị phát hiện không đạt chuẩn thì chỉ có mỗi doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, còn các đơn vị chứng nhận hợp quy lại không phải chịu trách nhiệm gì.
Còn ông Trần Đại Nghĩa, Phó tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, nêu ra thực trạng, doanh nghiệp đang phải chờ đến tối thiểu hai năm để khảo nghiệm chất lượng.
Với chừng ấy thời gian, khi doanh nghiệp được phép bán hàng thì nhu cầu thị trường đã thay đổi, hoặc thị phần đã bị chiếm lĩnh bởi nước ngoài.
Ngành nông nghiệp kỳ vọng vào sửa đổi luật
Dự kiến, tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật.
TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, đánh giá, đây là hai điều luật có tác động sâu rộng, chi phối gần như toàn bộ điều kiện sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp.
Hai luật này, với nhiều quy định vô lý đã tồn tại nhiều năm như phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, gây thiệt hại rất lớn cho toàn ngành nông nghiệp.
“Nhà nước cần khảo sát ý kiến của hiệp hội, doanh nghiệp để sửa đổi hai luật này theo hướng thực tiễn, hiệu quả hơn, qua đó nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp”, ông Dương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, kiến nghị sửa đổi hai luật trên theo hướng cho phép doanh nghiệp tự xây dựng cơ sở dữ liệu, tự công bố chất lượng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm với các thông tin này.
Cơ quan quản lý nhà nước chỉ thanh tra, kiểm tra chứ không cần thiết phải áp dụng các quy định quản lý bắt buộc như công bố đánh giá hợp quy.
Trước đó, nhiều hiệp hội ngành nông nghiệp đã gửi thư tới Tổng bí thư Tô Lâm, đề xuất một số giải pháp sửa đổi hiệu quả Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật.
Trong đó, các hiệp hội đề nghị bỏ quy định hợp quy, đồng thời ghép hai luật thành một để tránh sự chồng chéo, trùng lặp gây vướng cho doanh nghiệp.
Đồng thời, đề nghị kiểm soát chặt danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (hàng hóa nhóm 2) để tránh hiện tượng bộ, ngành lạm dụng liệt kê hàng hóa nhóm 2 để quản lý, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phạm Sơn
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/quy-dinh-vo-ly-nganh-nong-nghiep-mong-sua-luat-d39539.html