Trong khi đó, việc sử dụng điểm học bạ xem như "cán cân" đang bị nghiêng khi mà còn quá nhiều bất cập trong đánh giá chất lượng đào tạo phổ thông
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố dự thảo về việc quy đổi điểm; yêu cầu các cơ sở đào tạo có sử dụng nhiều phương thức xét tuyển phải xây dựng quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển bảo đảm theo quy chế tuyển sinh.
Vì sao phải quy đổi điểm?
Những cơ sở đào tạo có tổ chức các kỳ thi riêng như đánh giá năng lực (ĐGNL), đánh giá tư duy (ĐGTD)… cần công bố phổ điểm và xây dựng phương án quy đổi kết quả kỳ thi của mình với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trước mắt, các cơ sở này có thể công bố quy tắc quy đổi với kết quả điểm của năm 2024 để các cơ sở đào tạo khác sử dụng kết quả thi này tham khảo, xây dựng quy tắc; công bố quy tắc quy đổi kết quả các kỳ thi riêng với nhau; khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thì cùng với Bộ GD-ĐT công bố quy tắc quy đổi chuẩn.
Học sinh TP HCM tìm hiểu thông tin về tuyển sinh ĐH năm 2025. Ảnh: QUANG LIÊM
Mục đích của việc quy đổi điểm là để tất cả thí sinh được xét chọn bình đẳng dựa trên điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển quy đổi tương đương theo từng phương thức, tổ hợp xét tuyển. Ngoài ra, yêu cầu sử dụng điểm xét (gồm: tổng điểm của tổ hợp/kết quả đánh giá… và điểm cộng) để xác định quy tắc quy đổi; sử dụng dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT (hoặc dữ liệu kết quả học tập bậc THPT) làm gốc để xây dựng quy tắc quy đổi…
Việc này nhằm tránh phương thức xét tuyển lệch hẳn về một kết quả và bỏ qua kết quả còn lại (ví dụ: học sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ mà không cần xét thêm điểm thi tốt nghiệp THPT), có thể dẫn tới việc các em chỉ học đối phó với các môn không trong tổ hợp được xét tuyển, từ đó khiến chất lượng giáo dục phổ thông giảm sút.
Khó tránh độ "lệch" trong đánh giá
Tuy nhiên, tôi cho rằng phương án quy đổi điểm xét tuyển sinh ĐH mà Bộ GD-ĐT đưa ra chỉ là biện pháp "chữa cháy", miễn cưỡng. Liệu việc yêu cầu phải tính điểm thi tốt nghiệp THPT để quy đổi điểm xét tuyển ĐH có phải đang "can thiệp" quá mức vào quyền tự chủ tuyển sinh của các trường?
Năm 2015, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Một kỳ thi với 2 mục đích (2 trong 1) được xem là bước đột phá trong đổi mới thi cử. Bộ GD-ĐT cho rằng tổ chức kỳ thi "2 trong 1" là nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh, tiết kiệm cho xã hội. Nhiều thí sinh không còn bị áp lực trước kỳ "vượt vũ môn" vì đã đậu vào ĐH. Các em chỉ cần hoàn thành bài làm ở mức tối thiểu để đậu tốt nghiệp THPT.
Một ví dụ về quy đổi điểm theo dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Tuy nhiên đến nay, cách làm này dần bộc lộ nhiều hạn chế, phải liên tục điều chỉnh. Trong khi tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT những năm gần đây đều trên 90%, thậm chí nhiều địa phương xấp xỉ 100%, cùng với việc các trường ĐH, CĐ được tự chủ về phương thức tuyển sinh nên tôi cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ nên đánh giá kết quả chất lượng giáo dục phổ thông chứ không nên phục vụ mục đích "2 trong 1", lấy điểm thi tốt nghiệp làm cơ sở xét tuyển ĐH.
Dù cố gắng xây dựng bảng quy đổi điểm nhưng khó lòng có thể công bằng, đồng đều. Việc sử dụng điểm học bạ cũng xem như "cán cân" đang bị nghiêng, khi mà còn quá nhiều bất cập trong cách đo lường, đánh giá chất lượng đào tạo phổ thông.
Dù kỳ thi tốt nghiệp THPT "2 trong 1" là nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh nhưng các kỳ thi ĐGNL, ĐGTD... lại nở rộ, còn gây tốn kém nhiều hơn. Kỳ thi ĐGNL với quy mô lớn nhất cả nước, lệ phí 600.000 đồng/thí sinh, chưa kể chi phí đi lại, ăn ở... của các em ngoại tỉnh, được tổ chức 2 lần/năm trước và sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, thì liệu có cần duy trì kỳ thi "2 trong 1"? Có nên yêu cầu các trường ĐH phải lấy điểm thi tốt nghiệp THPT sử dụng vào các phương thức xét tuyển?
Hãy trả lại kỳ thi tốt nghiệp THPT đúng vai trò của nó. Không nên ôm đồm rồi vô tình tạo áp lực với học sinh, làm tăng độ lệch giữa điểm học bạ và độ khó của đề thi tốt nghiệp, mà có khi kết quả đánh giá lại không đủ tin tưởng làm cơ sở xét tuyển của các trường ĐH. Cách ra đề thi ĐGNL cũng bộc lộ nhiều bất cập khi đặt những câu hỏi nằm ngoài yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dù đây là phương thức tuyển sinh nội bộ của trường ĐH nhưng cách ra đề thi như thế vô hình trung khuyến khích việc học thêm, dạy thêm.
Lâm Vũ Công Chính