Quy đổi thang điểm xét tuyển: Làm sao để công bằng?

Quy đổi thang điểm xét tuyển: Làm sao để công bằng?
8 giờ trướcBài gốc
Số lượng đối sánh phải đủ lớn
Bộ GD&ĐT vừa ban hành hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025, hướng dẫn quy tắc quy đổi điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển khi cơ sở đào tạo sử dụng đồng thời nhiều phương thức cho một ngành/nhóm ngành đào tạo.
Khung quy đổi đưa ra các khoảng điểm của các bài thi riêng như thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy (APT, HSA, TSA...) và khoảng điểm các tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT phù hợp theo phương pháp bách phân vị (đại lượng dùng để ước tính tỉ lệ dữ liệu trong một tập số liệu rơi vào vùng cao hơn hoặc thấp hơn so với một giá trị cho trước) trên cơ sở phân tích kết quả thi của những thí sinh có điểm bài thi riêng và điểm tổ hợp môn thi tốt nghiệp tương ứng của năm 2025. Các khoảng điểm được xếp tương ứng với tốp 0,5%, 1%, 3%, 5%, 10%...
Một buổi thi đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VGP
Theo TS Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đào tạo số và Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, Viện chủ động thu thập và phân tích dữ liệu liên kết thực tế. Viện xây dựng được bộ dữ liệu của hàng chục nghìn thí sinh đồng thời tham gia cả kì thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức (HAS) và kì thi tốt nghiệp THPT (năm 2023, 2024). Vì hai kỳ thi có bản chất khác nhau, ĐH Quốc gia Hà Nội tập trung vào phương pháp quy đổi theo phân vị (Equipercentile) áp dụng trên cùng một quần thể thí sinh đã tham gia cả hai kì thi. Phương pháp này đảm bảo công bằng về thứ hạng như khớp vị trí tương đối của thí sinh trên phổ điểm của cả hai bài thi; xử lí tính phi tuyến giúp phù hợp với mối quan hệ phức tạp, không thẳng hàng giữa điểm HSA và điểm các tổ hợp tốt nghiệp THPT; loại bỏ sai lệch do khác biệt quần thể.
TS Sái Công Hồng cho rằng, bản chất quan trọng nhất của việc quy đổi là các đầu điểm phải cùng mục đích đánh giá.
ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ quy đổi theo từng tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo tính chính xác và phù hợp nhất khi các trường sử dụng kết quả HSA để xét tuyển theo các tổ hợp A00 (Toán, Lí, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh), D01 (Toán, Văn, Anh)… Ông Huy cho biết, ĐH này sẽ sớm công bố bảng bách phân vị điểm thi HSA năm 2025 để thí sinh và các cơ sở giáo dục ĐH có thể tạm thời ước lượng hoặc mô phỏng điểm chuẩn HSA bằng cách so sánh phân vị. Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ công bố bách phân vị cuối cùng.
Không chênh lệch so với trước quy đổi
Ngày 22/5, ĐH Bách khoa Hà Nội công bố phương án quy đổi mức điểm chuẩn tương đương giữa các phương thức tuyển sinh của ĐH này. ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh theo 3 phương thức: xét tuyển tài năng, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả thi đánh giá tư duy (TSA).
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, tổ chuyên gia thống kê, phân tích dữ liệu tuyển sinh của 3 năm trở lại đây, các tổ hợp xét tuyển khác nhau, phân tích phổ điểm xét tuyển tài năng theo các diện, phổ điểm bài thi TSA, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT với tổ hợp gốc là A00 để làm căn cứ xác định khoảng phân vị tương quan.
Bảng phân vị (được hiểu là một dạng xếp hạng điểm thi chia theo từng dải) được tính từ điểm sàn nhận hồ sơ các phương thức xét tuyển đến điểm tuyệt đối của mỗi phương thức. Bảng phân vị này được ĐH Bách khoa Hà Nội chia thành 6 khoảng (6 dải điểm), trong đó, với dải điểm gần tuyệt đối (khoảng 1, khoảng 2) mức độ chia đối với điểm thi tốt nghiệp THPT mịn hơn so với khoảng gần điểm sàn (khoảng 5, khoảng 6). Khoảng 1, đối với điểm thi tốt nghiệp THPT thuộc top 0,1%; điểm xét tuyển tài năng là top 5%; thi đánh giá tư duy là 0,5%. Ví dụ với kì thi tốt nghiệp THPT năm 2024, top 1 từ 28,67-30 điểm, thi TSA từ 83,62-100 điểm; xét tài năng từ 96,10-100 điểm… Khoảng 2, các mức điểm tương ứng là 28,04-28,67 điểm; 87,20-96,10 điểm; 74,77-83,62 điểm. Như vậy, khoảng 2 điểm chênh của kì thi tốt nghiệp chỉ 0,63 điểm, còn xét tuyển tài năng là 10,90 điểm, TSA là 8,85 điểm.
Học sinh, phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội hồi tháng 3. Ảnh: Duy Thành
Ông Điền khẳng định, việc sử dụng bảng phân vị trong quy đổi thang điểm là để đảm bảo công bằng giữa các phương thức. Từ việc quy đổi này, ông Điền cho rằng việc thí sinh tham gia kì thi TSA là thêm một cơ hội xét tuyển, không phải là món quà đối với thí sinh. Ông Điền cho hay, lấy dữ liệu tuyển sinh vào ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2024 ở các phương thức xét tuyển, áp dụng công thức quy đổi vừa được công bố, điểm chuẩn, tỉ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức không có sự chênh lệch so với kết quả tuyển sinh của nhà trường.
Năm 2024, ngành Khoa học máy tính (IT1) lấy điểm chuẩn cao nhất là 83,82 đối với điểm thi TSA và 28,53 đối với điểm thi tốt nghiệp THPT (mức điểm này thuộc khoảng 1, top 0,1% với điểm thi tốt nghiệp THPT, top 0,5 đối với thi đánh giá tư duy). Áp dụng công thức quy đổi, điểm chuẩn 83,82 phương thức đánh giá tư duy tương đương mức điểm 28,68 điểm thi tốt nghiệp THPT chênh 0,01 điểm so với điểm chuẩn chính thức chưa quy đổi năm 2024 (28,67 điểm). Theo ông Điền, việc quy đổi lấy điểm thi tốt nghiệp THPT làm hệ quy chiếu nên sẽ phụ thuộc vào độ phân hóa của đề thi năm nay. Nếu điểm thi tốt nghiệp THPT thấp hơn năm 2024, điểm quy đổi sẽ thấp hơn. Dự kiến, ngày 16/7 công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT, khoảng 20/7, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ công bố khoảng điểm quy đổi năm nay.
TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lí Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết, nhà trường công bố quy trình xây dựng quy tắc quy đổi trong tháng 5. Thí sinh dựa vào cơ sở dữ liệu điểm thi năm 2024 để tham khảo.
Quy đổi điểm: Từ phức tạp tới đơn giản
Việc quy đổi tương đương giữa các thang điểm đánh giá đã được quốc tế thực hiện, điển hình là bài thi SAT và ACT. Theo TS Sái Công Hồng, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, việc quy đổi điểm giữa bài thi SAT và ACT được thực hiện bởi College Board (đơn vị tổ chức SAT) và ACT (đơn vị tổ chức ACT) nghiên cứu và đưa ra bảng chuyển đổi qua lại.
Mặc dù hai kì thi này có cấu trúc và thang điểm khác nhau, nhưng mục đích chung đánh giá năng lực học tập và sẵn sàng cho ĐH của học sinh. Vậy, bản chất để quy đổi được quan trọng nhất là cùng mục đích đánh giá. Không chỉ dựa theo tỉ lệ điểm số, mà việc quy đổi còn dựa vào hiệu suất làm bài của học sinh trong các kì thi thực tế.
Bảng quy đổi chính thức giữa SAT và ACT được xây dựng dựa trên hàng trăm nghìn học sinh đã làm cả hai bài thi, trong một khoảng thời gian đủ rộng (thường là cùng năm hoặc trong vòng vài tháng). Tuy nhiên, có một số yếu tố cần lưu ý, không phải tất cả học sinh làm cả hai bài với cùng mức cố gắng; một số học sinh chuẩn bị kĩ cho SAT nhưng làm ACT chỉ để “thử”, hoặc ngược lại; ngoài ra còn có yếu tố động lực và thời điểm thi… Điều này dẫn đến khả năng một trong hai điểm số không phản ánh đúng năng lực tối đa, từ đó ảnh hưởng đến độ chính xác của bảng quy đổi. Vì thế, College Board và ACT đã chọn lọc nhóm học sinh có kết quả thi đáng tin cậy; dùng các phép phân tích thống kê để hiệu chỉnh sai lệch.
Việc quy đổi điểm SAT-ACT không phải là một phép đối chiếu đơn giản, mà là một quy trình phân tích thống kê phức tạp, sử dụng phân tích tương quan giữa 2 bài thi; loại bỏ các giá trị ngoại lai; chuẩn hóa dữ liệu; sử dụng phân tích hồi quy; phân tích nhóm phụ để hiệu chỉnh sai lệch hệ thống; so sánh phần trăm tích lũy; từ đó đưa ra một bảng quy đổi rất đơn giản, dễ hiểu, ví dụ một số mức như sau: SAT 1570-1600 tương đương ACT 36; SAT 1530-1560 tương đương ACT 35…
Nghiêm Huê
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/quy-doi-thang-diem-xet-tuyen-lam-sao-de-cong-bang-post1744646.tpo