Vàng được trữ tại một ngân hàng ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
* Nhật Bản lại can thiệp vào thị trường để hỗ trợ đồng yen
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa công bố báo cáo cho hay các quỹ ETF giao dịch vàng toàn cầu trong tháng 10/2024 đã ghi nhận dòng vốn chảy vào tháng thứ sáu liên tiếp, đánh dấu lần đầu tiên dòng vốn tích lũy từ đầu năm chuyển sang mức dương.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và bất ổn thị trường kéo dài, nhà đầu tư đã đổ xô vào các quỹ ETF vàng vì coi đây là kênh trú ẩn an toàn. Diễn biến đó đã thúc đẩy nhu cầu đáng kể đối với kim loại quý này.
Theo WGC, các ETF vàng đã thu hút 4,3 tỉ USD và nâng tổng khối lượng nắm giữ lên 3.244 tấn trong tháng 10/2024. Sau ba năm chứng kiến dòng vốn chảy ra ngoài do môi trường lãi suất cao, sáu tháng qua đã chứng kiến thị trường vàng đảo chiều rõ rệt.
Trong một báo cáo, WGC cho biết dòng vốn liên tục chảy vào cùng giá vàng cao kỷ lục đã đẩy tổng giá trị tài sản chịu quản lý trên toàn cầu lên mức cao kỷ lục 286 tỉ USD tính tới cuối tháng 10/2024.
WGC nhận định nhu cầu vàng tại Bắc Mỹ tăng mạnh do bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, căng thẳng leo thang ở Trung Đông và cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng có thể là nguyên nhân thúc đẩy nhu cầu đối với ETF vàng.
Báo cáo của WGC cho biết thêm, khối lượng giao dịch vàng toàn cầu tăng nhẹ được hỗ trợ bởi các hoạt động giao dịch ngoài sàn (OTC) và ETF.
Vàng được dự đoán là một trong những tài sản hoạt động tốt nhất năm 2024, với mức tăng giá 33% tính đến thời điểm hiện tại.
* Dữ liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 8/11 cho thấy nước này đã có sự can thiệp vào thị trường tiền tệ trong hai ngày 11 và 12/7, với khoảng 5.530 tỉ yen (36 tỉ USD) đã được tung ra để hỗ trợ đồng nội tệ Nhật Bản vực dậy từ mức thấp nhất trong khoảng 38 năm so với đồng USD.
Theo đánh giá của hãng tin Kyodo, dữ liệu này khẳng định chính xác những đồn đoán về việc các nhà chức trách đã can thiệp vào thị trường, sau khi đồng yen bất ngờ phục hồi ngày 11/7, từ mức tỉ giá 161 yen/USD.
Trước đó, Bộ Tài chính Nhật Bản đã từng xác nhận rằng đã chi một khoản tiền để “giải cứu” đồng nội tệ trong khoảng thời gian từ ngày 27/6 đến ngày 29/7. Tuy nhiên, Bộ này không công bố số tiền cũng như thời gian can thiệp cụ thể.
Dữ liệu do Bộ Tài chính công bố hôm nay cho thấy rõ hơn các con số chi tiết. Theo đó, có 3.170 tỉ yen được chi ra ngày 11/7 và 2.370 tỉ yen chi ngày 12/7 cho hoạt động bán USD và mua vào đồng yen. Với số liệu mới này tổng số tiền Nhật Bản sử dụng cho các biện pháp can thiệp năm nay lên 15.320 tỉ yen.
Sau đợt can thiệp vào tháng 7/2024, đồng yen đã tăng giá so với đồng USD trong một thời gian, một phần nhờ vào động thái nâng lãi suất của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản, đồng yen hiện vẫn tiếp tục suy yếu. Trong bối cảnh ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ các nhà phân tích cho rằng hành động tăng thuế quan và tăng bảo hộ doanh nghiệp trong nước theo những gì mà ông đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử có thể sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn, thúc đẩy Fed phải duy trì lãi suất cao lâu hơn.
Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tỉ giá của đồng yen và có khả năng khiến các nhà chức trách Nhật Bản sẽ phải ban hành thêm các biện pháp can thiệp tiền tệ trong tương lai.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/VIETNAM+)