Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành cổ Ô Diên

Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản Thành cổ Ô Diên
2 ngày trướcBài gốc
Dự hội thảo có Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử...
Các đại biểu dự hội thảo.
Đây là lần thứ ba hội thảo về chủ đề này được tổ chức nhằm làm tiếp tục bổ sung, làm rõ, sáng tỏ hơn vị trí, quy mô, vai trò của Thành cổ Ô Diên trong quá trình tồn tại ở thế kỷ thứ VI; thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, đóng góp của danh nhân Tô Hiến Thành; công tác bảo tồn hệ thống di sản văn hóa liên quan đến Thành cổ Ô Diên và danh nhân Tô Hiến Thành.
Vùng đất địa linh nhân kiệt
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, Đan Phượng được biết đến là một vùng đất cổ, nơi hợp lưu của 3 con sông: Hồng, Đáy, Nhuệ, nơi có Thành cổ Ô Diên được chọn làm kinh đô của Nhà nước Vạn Xuân thời Hậu Lý Nam Đế. Đây cũng là mảnh đất văn hiến, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa gắn với nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo như hát chèo tàu, ca trù, thả diều sáo, góp phần làm phong phú nền văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Quang cảnh hội thảo.
Đặc biệt, Đan Phượng là nơi có hệ thống di tích lịch sử văn hóa đa dạng, trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng, 37 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 50 di tích xếp hạng cấp TP. Một số di tích có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu gắn với cuộc khởi nghĩa Lý Bí và Thành cổ Ô Diên (thế kỷ VI) như cụm di tích đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác (xã Hạ Mỗ)… Đây chính là niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn của của Nhân dân và cán bộ huyện Đan Phượng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị các di sản văn hóa ở địa phương.
Phát biểu đề dẫn, TS Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội cho biết, qua các hội thảo đã xác định được Khu vực thành cổ Ô Diên là một vùng, một khu vực trung tâm chính trị quân sự của Nhà nước Vạn Xuân. Hiện nay, trên vùng đất này còn hiện hữu những di tích lịch sử quan trọng liên quan đến Thành cổ Ô Diên như đền Chính Khí, miếu Hàm Rồng, chùa Hải Giác, đền Văn Hiến. Vì thế hội thảo lần này nhằm tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để làm cơ sở khoa học cho định hướng quy hoạch bảo tồn lâu dài Thành cổ Ô Diên, vùng văn hiến Ô Diên.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải phát biểu tại hội thảo.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hạ Mỗ là vùng đất cổ, có lịch sử hơn 1.500 năm, vị trí ở đầu nguồn sông Nhuệ cổ (còn gọi là sông Từ Liêm), một phân lưu lớn của sông Hồng. Hạ Mỗ còn được đánh giá cao là vùng đất địa linh nhân kiệt có nền văn hiến ngàn đời – nơi sinh ra nhiều bậc hào kiệt, danh tiếng mà nổi bật nhất là Thái úy Tô Hiến Thành, quan nghê Đỗ Trí Trung, các vị hậu hiền của làng gồm cử nhân, tú tài hai đời Lê, Nguyễn.
Tô Hiến Thành là một trong những nhân vật kiệt xuất lừng lẫy trong chiều dài lịch sử dân tộc. Ông là người có công lớn với dân, với nước trong nhiều lĩnh vực đời sống: tổ chức quân đội, bảo vệ vững chắc biên cương đất nước, mở mang văn hiến, tiến cử hiền tài cho triều đình để dựng xây đất nước.
Tượng danh nhân Tô Hiến Hành đặt tại đền Văn Hiến.
“Có thể khẳng định, Tô Hiến Thành là người văn võ toàn tài. Ông vừa là nhà quân sự, nhà chính trị tài giỏi, lại là nhà văn hóa lỗi lạc của đất nước, mà công đầu phải ghi nhận và biết ơn là ông đã tham mưu cho các vị vua Triều Lý quyết định xây dựng Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Thăng Long Hà Nội – một di tích quốc gia đặc biệt có dấu ấn quan trọng trong đời sống văn hóa Việt Nam xưa và nay” - PGS.TS Đặng Văn Bài nhìn nhận.
Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa
Những khu vực chính của Thành cổ Ô Diên gắn liền với dòng sông Nhuệ - nơi mà trước đây là một trong hai nhánh lớn của sông Hồng. Trải qua hơn 15 thế kỷ, dòng chảy đã đổi thay lại có hệ thống đê quai ngăn chắn mà đến nay dòng sông Nhuệ coi như khởi nguồn vốn là nối với sông Hồng.
Sông Nhuệ cổ tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng.
Từ đó, PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đã đề xuất phương pháp nghiên cứu mới nhằm xác định không gian Thành cổ Ô Diên trên thực địa hiện nay cùng với KTS Lê Quang Minh đề xuất phương án hồi sinh dòng sông Nhuệ. Đồng thời với những đề xuất trên, các cơ quan quản lý văn hóa đã và đang hoàn thiện hồ sơ khu di tích Hạ Mỗ gồm: đền Chính Khí, miếu Hàm Rồng, đền Văn Hiến, chùa Giác Hải… trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích văn hóa quốc gia đặc biệt.
Cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội đang bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, bứt phá của dân tộc trong thời đại mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và các chiến lược phát triển của Thủ đô luôn xác định rõ: nguồn lực văn hóa và nguồn lực con người là nền tảng quan trọng để xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, Thành phố kết nối toàn cầu.
Tại Quyết định 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực huyện Đan Phượng được xác định là khu vực đô thị trung tâm mở rộng, phát triển thương mại, dịch vụ, các khu đô thị mới hiện đại gắn với tuyến đường Vành đai 4… Đồng thời phát triển du lịch sinh thái, phát triển không gian văn hóa lịch sử thành công viên văn hóa danh nhân Tô Hiến Thành, khơi thông dòng sông Nhuệ cổ, phát huy giá trị Thành cổ Ô Diên…
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh phát biểu tại hội thảo.
"Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của huyện Đan Phượng trong thời gian tới nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa quê hương Đan Phượng và danh nhân Tô Hiến Thành, góp phần tích cực trong kỷ nguyên vươn mình của Thủ đô, đất nước hiện nay" - Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải nhấn mạnh.
Tại hội thảo, một số chuyên gia đã nhấn mạnh những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di sản, gắn kết phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng và cả vùng di tích 2 bờ sông Hồng, liên kết với khu vực Thăng Long - Hà Nội. Đồng thời một số tham luận cũng nêu những việc cần phải làm để trong một tương lai không xa chúng ta có những dự án khả thi để khôi phục dòng sông Nhuệ cổ, xây dựng Công viên văn hóa lịch sử danh nhân Tô Hiến Thành.
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đề xuất huyện Đan Phượng cần đặt hàng các viện nghiên cứu, các nhà quản lý xây dựng quy hoạch đô thị huyện Đan Phượng có chất lượng. Trong đó bảo tồn được không gian di sản văn hóa, lịch sử về Nhà nước Vạn Xuân, sự hình thành của cố đô Ô Diên theo hình thức công viên mở với mô thức cộng đồng chung sống. "Bên cạnh sự phát triển ồ ạt của các khu đô thị cao tầng, mật độ dày đặc thì việc đưa vào quy hoạch để bảo vệ, giữ gìn những không gian di sản văn hóa lịch sử như trên vô cùng ý nghĩa" - ông Bùi Quang Vinh bày tỏ.
PGS.TS Đặng Văn Bài Theo chia sẻ, nhận thức mới, nguồn lực văn hóa không đứng ngoài kinh tế. Ở đây, lễ hội đền Văn Hiến, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng nếu có đề án tổ chức, thực hành tốt gắn với phát triển du lịch sẽ thúc đẩy, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế của huyện Đan Phượng. Đồng thời có thể đóng góp thiết thực cho mục tiêu hiện thực hóa khát vọng biến Hà Nội thành Thủ đô sáng tạo.
Lễ hội tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng.
Quy hoạch liên vùng các cụm di tích
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm của các đơn vị đã nỗ lực, cố gắng tổ chức hội thảo khoa học nhằm cung cấp những luận cứ, khẳng định quyết tâm của TP Hà Nội trong việc cụ thể hóa quy hoạch cũng như định hướng của Chính phủ đã phê duyệt trên địa bàn huyện Đan Phượng và các huyện lân cận.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo không chỉ giúp huyện Đan Phượng trong việc một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí rất quan trọng của Thành Ô Diên trước đây cũng như huyện Đan Phượng trong giai đoạn hiện nay mà còn đóng góp cho TP Hà Nội, cả quốc gia về tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc và Thăng Long - Hà Nội.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ với những quan điểm, tầm nhìn rất mới, ví dụ như lấy sông Hồng làm trục trung tâm phát triển của Hà Nội. Đồng thời quy hoạch lần này đều tính tới tính khả thi và dựa trên nguồn lực cụ thể. Ví dụ chúng ta đang nỗ lực hồi sinh lại các dòng sông, trong đó có sông Nhuệ cổ. Vấn đề này quận Bắc Từ Liêm cũng đặt ra trong nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, điều này trùng với quan điểm, định hướng TP Hà Nội đã xác định trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVIII của Đảng bộ TP và cũng được đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo là Hà Nội phải tập trung hồi sinh các dòng sông, trước mắt là sông Tô Lịch, sau đó là sông Nhuệ, sông Đáy, sông Sét, Lừ…
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, trong 5 trụ cột định hướng cho phát triển Thủ đô Hà Nội có trụ cột rất quan trọng là dựa trên nguồn lực nhân văn, văn hóa và nguồn lực con người. Thủ đô Hà Nội với bề dày lịch sử hơn một nghìn năm, nếu tính cả thời Cổ Loa, Ô Diên, Thăng Long – Hà Nội chúng ta đã có lịch sử hơn 2.000 năm, một điều đặc biệt hiếm có của các Thủ đô trên thế giới. Chính vì thế, TP Hà Nội rất trân trọng và luôn xác định nguồn lực văn hóa, con người trong quá trình phát triển nhanh, bền vững.
Hà Nội có riêng một Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, đặt ra mục tiêu đến năm 2030 công nghiệp văn hóa chiếm 8% GRDP của toàn TP. Với định hướng này, với địa phương quan tâm đến nhân văn, văn hóa chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó, đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị huyện Đan Phượng sau hội thảo này, sớm có báo cáo với lãnh đạo TP với những kiến nghị, đề xuất trên cơ sở kết luận của hội thảo những công việc cụ thể. Với những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của huyện, cần phải làm ngay. Thứ nhất sớm cụ thể hóa, cập nhật, bổ sung ngay kết quả của hội thảo, đặc biệt là khu vực Thành cổ Ô Diên trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển của huyện.
"Đề nghị các sở, ngành, đặc biệt là Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng TP Hà Nội không nên quy hoạch những cụm di tích lịch sử, văn hóa riêng biệt cho từng huyện mà phải hướng tới liên vùng, từ thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, đến quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm để thành một dải dọc sông Hồng, qua đó phát huy hết giá trị của di tích" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Thứ hai tổ chức sớm biên tập thành những tài liệu rất cụ thể, trước hết là để đưa vào các nhà trường để quần chúng Nhân dân và thế hệ trẻ Đan Phượng biết và tự hào, có trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của quê hương.
Thiên Tú
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/quy-hoach-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-thanh-co-o-dien.html