Quy hoạch cảng biển An Giang, gỡ điểm nghẽn hạ tầng

Quy hoạch cảng biển An Giang, gỡ điểm nghẽn hạ tầng
11 giờ trướcBài gốc
Quy hoạch tối đa 2 bến cảng
Theo dự thảo quy hoạch, cảng biển An Giang bao gồm: Khu bến Mỹ Thới, khu bến Bình Long, các bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh trú bão.
Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển An Giang đến năm 2030 khoảng 508 tỷ đồng (Ảnh minh họa).
Đến năm 2030, khu vực cảng dự kiến phục vụ từ 3 - 3,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, trong đó hàng container từ 0,03 - 0,04 triệu TEU. Về hạ tầng, khu vực sẽ có 2 bến cảng với tổng cộng 4 cầu cảng, chiều dài bến khoảng 586m.
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển An Giang được kỳ vọng đáp ứng lượng hàng hóa tăng trưởng trung bình từ 5,5 - 6,1%/năm. Giai đoạn này sẽ tiếp tục phát triển các bến cảng mới để phục vụ nhu cầu thông qua hàng hóa ngày càng tăng.
Về nhu cầu sử dụng đất và mặt nước, đến năm 2030, dự kiến cần khoảng 15ha đất (chưa bao gồm diện tích phát triển KCN, khu logistics gắn với cảng).
Nhu cầu mặt nước khoảng 455ha, bao gồm cả vùng nước không bố trí công trình hàng hải nhưng vẫn thuộc phạm vi quản lý.
Tổng vốn đầu tư cho hệ thống cảng biển An Giang đến năm 2030 khoảng 508 tỷ đồng, trong đó, hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 50 tỷ đồng; Đầu tư bến cảng (kinh doanh dịch vụ xếp dỡ) khoảng 458 tỷ đồng.
Sản lượng hàng hóa có tốc độ tăng trưởng âm
Theo Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long (Nhóm 6) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, lượng hàng thông qua cảng biển An Giang năm 2020 khoảng 3,2 - 3,3 triệu tấn/năm.
Thống kê cho thấy năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển An Giang đạt 1,57 triệu tấn, đạt từ 49,1 - 47,6% so với dự báo đến năm 2020. Tuy nhiên năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển An Giang chỉ đạt 0,98 triệu tấn. Kết quả, tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân giai đoạn 2020-2024 giảm 11,12%, phần lớn giảm ở hàng container và hàng lỏng.
Cảng biển khu vực cũng đã tiếp nhận tàu lớn nhất có trọng tải 10.000 tấn. Tuy nhiên giai đoạn 2020-2024, số lượt tàu biển thông qua cảng biển An Giang giảm 26,39%, số lượt phương tiện thủy nội địa giảm 9,51%.
Hiện nay, cảng biển An Giang có 1 cầu cảng với chiều dài khoảng 106m. Luồng hàng hải công cộng tại khu vực có 3 luồng chính là luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (dài 52,6km, cao độ đáy luồng từ -6,5m đến -9,5m, hệ Hải đồ), luồng Định An - Sông Hậu (dài khoảng 182,26km, đoạn luồng ngoài cửa Định An cao độ đáy luồng sâu hơn -4 m, hệ Hải đồ) và luồng Trần Đề (dài 68,9km, cao độ đáy luồng sâu hơn -2,8m, hệ Hải đồ).
Khu vực có mạng lưới kết nối giao thông chủ yếu là đường bộ và giao thông thủy nội địa. Trong đó, mạng lưới đường bộ kết nối cảng biển An Giang với các tỉnh trong khu vực gồm các tuyến quốc lộ chính là QL.N1, QL.80, QL.91, QL.91C. Đồng thời, có 18 tuyến giao thông thủy nội địa kết nối cảng biển An Giang do Trung ương quản lý dài 364,6km.
Hồ An
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/quy-hoach-cang-bien-an-giang-go-diem-nghen-ha-tang-192250701143233476.htm