Quy hoạch - động lực cho sự phát triển của Quảng Ninh

Quy hoạch - động lực cho sự phát triển của Quảng Ninh
2 giờ trướcBài gốc
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng tạo động lực quan trọng để phát triển khu vực tuyến phía Tây của tỉnh Quảng Ninh (Arnh: Đỗ Phương)
Định hướng phát triển không gian đồng bộ
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 xác định mục tiêu đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh là cực tăng trưởng của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 10%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 19.000 - 20.000 USD.
Có thể thấy, định hướng không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị ngày càng giúp Quảng Ninh tiến gần hơn tới mục tiêu năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng. Theo đó, Quảng Ninh sẽ hình thành khu vực nội thành gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên.
Để đảm bảo nguồn lực thực hiện, Quảng Ninh đã tính toán, cơ cấu nguồn vốn trong 2 giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 với tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến là 2,8 triệu tỷ đồng. Trong đó, tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; các khu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; phát triển hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, thương mại, dịch vụ.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định tầm nhìn mới, với vai trò, vị thế mới. Hiện, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành phê duyệt quy hoạch của các địa phương. Trong đó, có 6 quy hoạch đô thị của các thành phố, thị xã: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái, Đông Triều và Quảng Yên; 6/7 quy hoạch xây dựng vùng huyện: Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Cô Tô và Vân Đồn. Riêng huyện Hải Hà, do nằm trong quy hoạch Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Móng Cái, hiện trong giai đoạn lập đồ án quy hoạch, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Đối với các quy hoạch chung xây dựng KKT, đã có 3/5 KKT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là KKT ven biển Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái và KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn. Với KKT ven biển Quảng Yên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến của các bộ, ngành về điều chỉnh ranh giới KKT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh cũng đang được triển khai lập quy hoạch.
Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, để đảm bảo các quy hoạch bám sát, thực hiện theo đúng Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh đang đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Hồng xây dựng, hoàn thiện thể chế vùng, xác định những đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển vùng theo Nghị quyết số 30/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng.
Đó là Đề án Xây dựng các cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển KKT Vân Đồn; Đề án Phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới.
Khẳng định vai trò động lực
Sớm nhận diện vai trò trung tâm kết nối vùng tại cực Đông Bắc, Quảng Ninh đã tích cực hợp tác, liên kết với nhiều tỉnh, thành phố thông qua hệ thống giao thông kết nối, tạo động lực đẩy mạnh phát triển liên kết vùng.
Quảng Ninh đã cùng với Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên ký cam kết hình thành trục cao tốc phía Đông, hình thành chuỗi kinh tế liên kết. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh phối hợp với Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh trong việc cải thiện, đồng bộ và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông liên kết vùng.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh định hình tương lai kết nối hạ tầng giao thông quốc gia thông qua 3 tuyến cao tốc (Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng; Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái); 7 tuyến quốc lộ (18A, 18B, 18C, 279, 10, 17B, 4B); 3 tuyến đường sắt quốc gia (Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; Hạ Long - Móng Cái) và hệ thống các cảng biển phục vụ vùng, quốc gia, quốc tế.
Theo ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh, các dự án hạ tầng giao thông đang được tỉnh đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ khơi thông và thúc đẩy tiềm năng các khu vực động lực như Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái, Uông Bí, Đông Triều. Đặc biệt, nhiều tuyến giao thông gắn kết phát triển giữa vùng động lực với vùng khó khăn cũng như liên thông, tổng thể với các tỉnh, thành phố trong Vùng Đồng bằng sông Hồng, tạo ra những giá trị, động lực phát triển mới của Quảng Ninh và khu vực.
Thanh Sơn
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/quy-hoach---dong-luc-cho-su-phat-trien-cua-quang-ninh-d228719.html