11 điểm ngập úng cục bộ
Hà Nội là một trong ít địa phương thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng vừa có đồi, núi tạo cảnh quan thiên nhiên độc đáo, khí hậu mát mẻ; thuận lợi cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, cốt nền của Hà Nội khá thấp, đặc biệt khu vực nội đô (khó khăn trong tiêu thoát nước).
Theo số liệu mới thống kê về bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành TP, khi có các trận mưa có lượng mưa từ 50 - 70mm/h tồn tại 11 điểm úng ngập; với những trận mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa đến 100mm/h trở lên gây quá tải cho hệ thống thoát nước ghi nhận thêm 19 điểm úng ngập cục bộ và một số điểm ứ đọng nước do mặt đường trũng, thấp.
Hệ thống thoát nước của Hà Nội ngày càng hoàn thiện. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Để tiêu thoát nước nội thành, hệ thống thoát nước đã được nạo vét đồng bộ theo các lưu vực chính đến các tuyến nhánh (tổng hợp khối lượng thực hiện đến 31/12/2024 đã nạo vét bùn cống ngầm bằng thủ công hơn 15.685m3; nạo vét bùn cống ngầm bằng cơ giới 752.940md; nạo vét bùn mương sông, hồ bằng cơ giới và thủ công 201.110m3; nạo vét bùn cống ngang 367.142m3; quản lý duy trì hồ điều hòa: 143.179ha/50 hồ).
Qua đó, đảm bảo thoát nước trên toàn hệ thống, vận hành hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật, trạm bơm đảm bảo công tác thoát nước kịp thời. Vận hành đúng quy trình, đảm bảo mực nước khống chế trên hệ thống hồ điều hòa, kênh, mương, sông; thực hiện bảo dưỡng định kỳ các trạm bơm đảm bảo vận hành an toàn 24/24h trong suốt mùa mưa; Triển khai kịp thời lực lượng, vật tư, vật liệu, thiết bị, giải quyết kịp thời công tác thoát nước khi mưa theo từng vị trí, từng khu vực cụ thể, đáp ứng yêu cầu thoát nước đô thị.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đơn vị đã hoàn thành và được thông qua đề xuất chủ trương đầu tư và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 4 dự án thoát nước và xử lý nước thải, trong đó Dự án chống úng ngập cục bộ khu vực các quận nội thành và một số huyện ven đô đã được HĐND Thành phố thông qua sẽ góp phần giải quyết tình trạng úng ngập trên địa bàn.
Đồng bộ các giải pháp
Theo các chuyên gia, hiện nay, hệ thống thoát nước ở TP Hà Nội cơ bản đáp ứng được đối với khu vực Tô Lịch đã đầu tư theo quy hoạch. Tuy nhiên, một số khu có tốc độ đô thị hóa nhanh chưa được đầu tư hệ thống thoát nước đô thị.
Theo GS.TS Nguyễn Việt Anh - Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội: “Sau gần 10 năm triển khai, đến nay Hà Nội mới chỉ đầu tư xây dựng được tương đối hoàn chỉnh lưu vực sông Tô Lịch, với diện tích 77,5km2, có khả năng đáp ứng với lượng mưa 310mm/2 ngày. Với những trận mưa cường độ lớn, diễn ra trong thời gian ngắn, khu vực này vẫn tồn tại một số điểm úng ngập, do lưu vực bị trải dài, công trình đầu mối Yên Sở ở quá xa dưới hạ lưu, trong khi ở phần thượng lưu quá thiếu dung tích điều hòa và thảm xanh làm chậm dòng chảy, hệ thống cống bị quá tải. Các khu vực khác chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch.
Việc tập trung phát triển đô thị, tốc độ đô thị hóa quá nhanh nhưng chưa chú trọng đến phát triển các công trình hạ tầng, thiếu hồ nước, thiếu không gian xanh, làm tăng diện tích “bê tông hóa”, giảm khả năng thấm hút tự nhiên. Cùng đó, không có sự kiểm soát cốt nền trong các dự án xây dựng, cũng như không có giải pháp về thoát nước đồng bộ khu vực, khiến cho các khu dân cư hiện hữu tại các quận như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… luôn bị úng ngập nhiều ngày sau mưa. Nhiều dự án bất động sản, nhà ở thương mại liên tục được xây dựng mà không có sự kết nối đồng bộ theo quy hoạch thoát nước của địa phương, không đóng góp phát triển hạ tầng đô thị mà chỉ làm gia tăng áp lực”.
Vì vậy, các chuyên gia chia sẻ, cần rà soát lại Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725/2013/QĐ-TTg. GS.TS Nguyễn Việt Anh chia sẻ 10 giải pháp – 10T gồm: Tách lưu vực (chia cắt lưu vực thành các lưu vực nhỏ hơn, chuyển dòng chảy để giảm áp lực cho các tuyến cống phía dưới); trữ nước; thấm nước; thoát nước (với tiết diện cống đủ, áp dụng tối đa nguyên tắc tự chảy); thông (đảm bảo sự kết nối giữa các khu vực, đặc biệt là khu nội đô bằng các trục thoát nước lớn, hệ thống tiêu thủy lợi liên hoàn); trung chuyển (dùng bơm khi không thể tự chảy); thông tin và thông minh (công nghệ thông tin, áp dụng chuyển đổi số trong thoát nước đô thị); thích ứng (có tính đến tác động của biến đổi khí hậu khi lập và thực hiện quy hoạch, triển khai dự án; người dân có nhận thức đầy đủ và sẵn sàng các giải pháp tự cứu mình khi có mưa lớn, úng ngập…); kinh phí (cần có nguồn lực tài chính đủ đáp ứng yêu cầu, kể cả từ ngân sách, huy động khối tư nhân, và đóng góp của người dân từ thuế và thanh toán các dịch vụ sử dụng; trách nhiệm (cần tất cả các bên tham gia, từ Nhà nước, nhà đầu tư, người dân; ban hành các chính sách phù hợp và tuân thủ luật pháp).
Thực tế, trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, vấn đề về thoát nước đã được đề cập trong nhiều nội dung. Cụ thể, về định hướng quy hoạch không gian ngầm nêu rõ: “tại các hành lang thoát nước, hồ điều tiết nước trong đô thị, hạn chế xây dựng công trình công cộng ngầm”. Trong công tác phòng, chống thiên tai, quy hoạch nêu: “Bổ sung giải pháp chống úng ngập cho khu vực khó khăn về tiêu nước; khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước dòng chính sông Hồng, bổ cập nước cho sông Tô Lịch và các tuyến sông thoát nước khác”; “Các khu vực xây dựng hoàn toàn mới, xây dựng hệ thống thoát nước riêng…”; các khu vực nội thành, các khu đô thị cũ sử dụng hệ thống thoát nước hỗn hợp trên cơ sở mạng lưới cống thoát nước chung hiện có. Các khu vực phát triển đô thị mới phải xây dựng hệ thống cống thoát nước thải riêng. Mạng lưới cống thoát nước thải chính (cống bao tách nước thải) được bổ sung, bố trí dọc các tuyến sông, kênh, mương (sông Nhuệ; Tô Lịch...) và hồ điều hòa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường.
Đặc biệt, trong Luật Thủ đô 2024, tại khoản 2, Điều 40 nêu rõ: “Thực hiện hợp đồng, xây dựng - chuyển giao” cũng nêu: HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư loại hợp đồng BT trong lĩnh vực giao thông vận tải, thủy lợi, thoát nước, xử lý nước thải với quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu không thấp hơn 200 tỷ đồng, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế - xã hội, chất lượng công trình dự án, không gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước”.
Lại Tấn