Sân pickleball thế nào mới gọi là đạt chuẩn?
Là người chơi gắn bó với môn pickleball gần ba năm, anh Trần Ngọc Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ không ít trăn trở sau khi trải nghiệm hàng chục sân chơi trên địa bàn Thủ đô.
"Tôi từng chơi ở nhiều cụm sân khác nhau, nhưng mỗi nơi lại một kiểu quy hoạch, không theo một chuẩn mực thống nhất. Phần lớn đều được cải tạo tạm từ sân tennis hoặc sân đa năng nên khó đảm bảo đúng các thông số kỹ thuật như kích thước, độ phẳng mặt sân, chiều cao lưới hay không gian an toàn xung quanh", anh Minh nói.
Kích thước sân pickleball tiêu chuẩn quốc tế có chiều rộng là 6,1m, chiều dài là 13,41m.
Theo anh Minh, nhiều sân hiện nay chỉ đáp ứng được kích thước cơ bản. Trong khi đó, mặt sân thường tận dụng nền bê tông cũ hoặc trải thảm cao su mỏng, dễ gây trơn trượt. Lưới được lắp đặt cảm tính, không đạt chiều cao chuẩn, khiến cảm giác bóng và kỹ thuật thi đấu bị ảnh hưởng đáng kể.
"Chơi ở những sân như vậy, đôi khi thấy mất hẳn cảm hứng vì điều kiện sân bãi không theo kịp nhu cầu luyện tập nghiêm túc", anh nói thêm.
Dưới góc nhìn chuyên môn, bà Nguyễn Thị Hằng, người trực tiếp giảng dạy môn pickleball tại cụm sân số 20 ngõ 165 Cầu Giấy cho biết: "Theo quy chuẩn quốc tế, sân pickleball có kích thước dài 13,41m, rộng 6,1m, diện tích tổng là 81,74m², tương đương một sân cầu lông tiêu chuẩn. Sân được chia đôi bởi lưới, mỗi bên gồm hai ô giao bóng (Service Area) và một vùng cấm vô-lê (Kitchen) dài 2,13m tính từ lưới. Đây là vùng người chơi không được thực hiện động tác đập bóng trên không".
Cũng theo bà Hằng, các khu vực trong sân thường được phân định bằng màu sơn tương phản rõ nét để hỗ trợ quan sát và hạn chế phạm lỗi, tuy nhiên không nhiều sân ở Việt Nam tuân thủ yếu tố này.
"Việc sân không đạt chuẩn không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng thi đấu mà còn tiềm ẩn nguy cơ chấn thương. Mặt sân quá cứng hoặc trơn dễ khiến người chơi trượt ngã khi xoay người, đập bóng. Còn nếu không gian xung quanh bị bó hẹp, người chơi khó phát huy phản xạ và chiến thuật, gây ức chế về tâm lý", bà Hằng nhấn mạnh.
Ở góc độ quản lý, anh Phạm Thành Đồng, phụ trách cụm sân pickleball tại Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khẳng định: "Nếu muốn hướng đến sự chuyên nghiệp và tổ chức giải đấu chính thức, việc đầu tiên là phải thống nhất quy chuẩn sân thi đấu. Không thể để tình trạng mỗi nơi một kiểu như hiện nay".
Theo anh Đồng, mặt sân chuẩn thường được thi công bằng bê tông phẳng phủ lớp sơn chống trượt chuyên dụng, hoặc sàn nhựa thể thao có độ đàn hồi tốt. Các đường kẻ sân rộng 5,08cm, thường sơn màu trắng và phải rõ ràng để đảm bảo tính chính xác khi thi đấu. Chiều cao lưới đạt chuẩn là 91,4cm ở hai đầu và 86,4cm ở giữa. Hệ thống cột lưới nên được thiết kế giống sân tennis nhưng đặt ngoài khu vực sân để không cản trở vận động viên.
Đáng chú ý, một số sân hiện nay còn "kiêm nhiệm" nhiều chức năng, vẽ thêm đường kẻ cho các môn thể thao khác như bóng rổ hay cầu lông, gây rối mắt và làm giảm tính chuyên biệt của sân pickleball.
"Một sân thi đấu đúng chuẩn cần được đầu tư bài bản ngay từ khâu quy hoạch mặt bằng. Chi phí để hoàn thiện một sân pickleball chất lượng dao động từ 100 - 180 triệu đồng, tùy thuộc vào vật liệu, thiết bị và hệ thống chiếu sáng. Nếu thi công trong nhà, kinh phí có thể tăng gấp đôi. Đắt nhất vẫn là lớp sơn mặt sân nhập khẩu chống trượt và hệ thống lưới cao cấp", anh Đồng cho biết.
Cần quy hoạch bài bản và đầu tư nghiêm túc
Việc quy hoạch sân hiện nay không chỉ đơn thuần là câu chuyện kỹ thuật mà còn là một bài toán phát triển bền vững.
"Rất nhiều cụm sân tận dụng đất nông nghiệp chuyển đổi tạm thời hoặc đất công chưa khai thác tại các khu dân cư để xây dựng sân chơi. Ưu điểm là chi phí mặt bằng thấp, dễ triển khai, nhưng rủi ro nằm ở tính pháp lý chưa rõ ràng. Nếu quy hoạch đất thay đổi, các sân có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào", Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó cục trưởng Cục Thể dục chia sẻ.
Sân pickleball tiêu chuẩn tại Cục Thể dục thể thao Việt Nam.
Nếu Việt Nam muốn hướng đến việc tổ chức các giải đấu chính thức, xây dựng hệ thống thi đấu cấp quốc gia và từng bước hội nhập quốc tế, thì việc quy hoạch sân phải thực hiện một cách bài bản và đồng bộ.
"Từ kích thước sân, chất liệu mặt sân, hệ thống lưới, chiếu sáng cho tới các hạng mục hạ tầng phụ trợ như phòng thay đồ, khu vệ sinh, bãi gửi xe, khán đài… đều cần được tính toán kỹ lưỡng và chuẩn hóa", bà Yến khẳng định.
Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, trên địa bàn Hà Nội hiện nay, không ít cụm sân pickleball được hình thành trên những khu đất có vị trí "vàng".
Đơn cử như cụm sân tại phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), được xây dựng trên đất thuộc dự án, tiếp giáp bốn mặt tiền với các tuyến phố lớn như Thành Thái, Trương Công Giai, Khúc Thừa Dụ và ngõ 102 Khúc Thừa Dụ. Việc tận dụng những khu đất trống giữa lòng đô thị để làm sân thể thao đã góp phần phát huy hiệu quả sử dụng đất trong thời gian chờ quy hoạch chính thức.
Trong khi đó, tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên), cụm sân pickleball số 1 đường Lý Sơn là một ví dụ cho mô hình khai thác đất công hợp lý. Trước đây, khu đất này từng là điểm đổ trộm phế thải gây ô nhiễm, song chính quyền phường đã chủ động đề xuất UBND quận đấu giá quyền sử dụng tạm thời để các đơn vị vào khai thác, vừa chống lấn chiếm vừa tăng nguồn thu ngân sách địa phương.
Ông Vũ Trọng Thư, Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh cho biết: "Hầu hết các cụm sân trên địa bàn đều được cấp phép khai thác thông qua hình thức đấu giá công khai, có sự phê duyệt của UBND quận. Các đơn vị trúng đấu giá đều phải nộp thuế đất hàng năm, lên tới hàng trăm triệu đồng, góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Nhờ vậy, các sân tại đây được quy hoạch bài bản, xây dựng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật".
"Mức giá cho thuê sân dao động từ 100.000 - 150.000 đồng/giờ, phù hợp với túi tiền của người dân. Khách chơi chủ yếu là cư dân trong các khu đô thị lân cận, đủ mọi lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên, người đi làm đến người cao tuổi", ông Thư cho biết thêm.
Huy Trung