Tạo các “trục tăng trưởng”
Năm 2025, Hà Nội phấn đấu đón trên 31 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 7 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130.000 tỷ đồng; đóng góp của ngành du lịch vào GRDP TP đạt trên 8%. Để đạt được kết quả trên, thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, thúc đẩy thu hút các nguồn lực phát triển và hình thành các nhóm sản phẩm du lịch thực sự chuyên nghiệp, hấp dẫn, có lợi thế, tiềm năng để phát triển đột phá. Ngành du lịch Hà Nội xây dựng kế hoạch tuyên truyền quảng bá trên các kênh truyền thông, truyền hình quốc tế, đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển thương hiệu du lịch của một số điểm đến, làng nghề, phố nghề trên địa bàn TP… Qua các hoạt động trên có thể thấy, du lịch Thủ đô đã khai thác những thế mạnh vốn có về văn hóa, lịch sử, tài nguyên, đất đai. Đặc biệt, Quy hoạch hệ thống du lịch cũng là cách TP Hà Nội giữ gìn bản sắc, nơi mà du lịch hiện đại vẫn đi cùng với bảo tồn truyền thống, từ kiến trúc, lễ hội đến ứng xử văn hóa.
Khách du lịch quốc tế tham quan hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thanh Hải
Mới đây (ngày 6/5), UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 1779/UBND-KT nhằm triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn TP. Đây được xem là bước đi quan trọng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế hai con số của Thủ đô. Tại công văn này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch các khu vực trọng điểm như: khu du lịch Ba Vì, hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khu du lịch Hương Sơn (chùa Hương). Qua đây có thể thấy, thay vì phát triển tràn lan, TP đang chọn cách tạo nên các “trục tăng trưởng”, làm điểm tựa để lan tỏa du lịch ra các vùng lân cận. Điều này cũng rất phù hợp với định hướng phát triển bền vững, gắn du lịch với bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đơn cử, về việc Quy hoạch khu vực quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục và Khu vực không gian công cộng phía Đông Hồ Hoàn Kiếm, theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam: "Trước đây, xung quanh Hồ Gươm đều là các công trình thấp tầng. Tuy nhiên, có một giai đoạn phát triển kinh tế nhanh chóng, nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên. Đã đến lúc không gian trung tâm được chỉnh trang hài hòa. Hồ Gươm cần trở thành không gian công cộng, không gian tổ chức các sự kiện văn hóa. Cùng với đó, phố cổ Hà Nội, nơi chứa đựng bề dày lịch sử lâu đời, lối kiến trúc độc đáo và không gian văn hóa sống động, đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ đối với khách du lịch. Trong tương lai, lượng khách du lịch tới Hà Nội sẽ ngày càng tăng, sẽ càng cần nhiều không gian công cộng hơn".
Khai thác hiệu quả không gian
Hà Nội sở hữu quỹ đất bãi sông rộng lớn, đặc biệt là vùng đất ven sông Hồng trải dài qua nhiều quận, huyện. Tuy nhiên, một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất trong khai thác tiềm năng vùng bãi ven sông là do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng. Nhiều chuyên gia cho rằng, vùng đất bãi giữa sông Hồng hoàn toàn có thể quy hoạch thành các công viên nông nghiệp đô thị, tích hợp nông nghiệp công nghệ cao, phục vụ nhu cầu dã ngoại, giáo dục trải nghiệm, tạo thêm điểm nhấn sinh thái trong lòng TP. Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính chia sẻ, nếu làm tốt, sông Hồng có thể trở thành điểm nhấn đặc sắc trong cấu trúc đô thị Hà Nội.
Theo Chi cục Thống kê TP Hà Nội, tiếp nối đà tăng trưởng tích cực từ quý I/2025, ngành du lịch Thủ đô tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khởi sắc trong tháng 4 khi đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá điểm đến và các sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa Hà Nội. Những nỗ lực quảng bá và thu hút du khách bước đầu mang lại kết quả tích cực. Trong tháng 4/2025,
Hà Nội đón khoảng 713 nghìn lượt khách, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng tới 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng lượng khách đến Hà Nội đạt khoảng 2,538 triệu lượt, tăng 21,2% so với cùng kỳ 2024.
Tháo gỡ nút thắt này, TP Hà Nội đang lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết của HĐND TP về quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất nông nghiệp tại các bãi sông, bãi nổi có đê. Dự thảo được kỳ vọng mở ra cơ hội lớn cho các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm. Nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ "cởi trói", các vùng bãi sông phát huy được giá trị tài nguyên đất, hướng đến xây dựng
Hà Nội hiện đại, sinh thái, phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được phê duyệt. Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) Hà Diệu Thư chia sẻ, địa phương hiện có hơn 100ha đất bãi ven sông. Nếu Nghị quyết được thông qua, người dân sẽ mạnh dạn đầu tư, biến vùng đất bị bỏ hoang thành khu vực nông nghiệp kết hợp du lịch, tạo việc làm, cải thiện cảnh quan. Quan tâm đến khai thác hiệu quả, gia tăng giá trị đất bãi ven sông, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho hay, địa phương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức kinh tế sử dụng đất bãi xây dựng mô hình sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng đa chức năng, tuân thủ nghiêm ngặt quy định bảo vệ hành lang đê điều, phòng, chống lũ lụt và quy hoạch liên quan. Trong đó huyện luôn khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái để gia tăng giá trị.
Mặt khác, theo các chuyên gia, việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô 2024 đã tạo bước đột phá cho du lịch Hà Nội, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Luật đã nêu rõ có những ưu đãi về văn hóa, thể thao, du lịch. Điều này thể hiện Hà Nội mong muốn cụ thể hóa các điều khoản liên quan đến văn hóa, du lịch trên cơ sở đó tạo thuận lợi hơn cho sự phát triển du lịch, văn hóa.
Hà Nội xác định rõ mục tiêu đến năm 2045 trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu khu vực, với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm đặc sắc và năng lực cạnh tranh quốc tế. Việc thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch lần này chính là bước khởi đầu mang tính chiến lược, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững, chuyên nghiệp và hiện đại. Đồng thời việc TP có nhiều cơ chế, chính sách đột phá cho thấy tầm nhìn chiến lược, hướng tới hình thành một hệ sinh thái du lịch hiện đại, đồng bộ, góp phần đưa Thủ đô trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực.
Trong giai đoạn này, ngành du lịch Thủ đô ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch, phấn đấu hình thành 3 khu du lịch quốc gia trên địa bàn TP, gồm: Khu du lịch Ba Vì; Khu du lịch Di tích thắng cảnh Hương Sơn; Khu du lịch khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và khu phố cổ Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội phấn đấu xây dựng từ 3 - 5 khu du lịch cấp TP, trong đó sẽ thực hiện ngay Khu du lịch Hồ Tây và vùng phụ cận; phát triển mới từ 10 - 20 tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp 4 - 5 sao. Hà Nội sẽ định kỳ triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm lớn tại các thị trường trọng điểm như: Ấn Độ, Bắc Mỹ, EU…; tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang
Lại Tấn