Cả hai Quy hoạch đều thể hiện khát vọng của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô, hướng tới xây dựng một Hà Nội phát triển bền vững, là hình mẫu đi đầu trong phát triển đô thị xanh, thông minh, hướng tới hiện thực hóa những mục tiêu vươn cao, vươn xa trong tầm nhìn của 25 năm sau.
Quy hoạch Thủ đô xác định thành phố Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Đỗ Tâm
Phát triển Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”
Từ các “điểm tựa” là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 và Kết luận số 80-KL/TƯ ngày 25-4-2024 của Bộ Chính trị, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập với “Tầm nhìn mới - tư duy toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Quy hoạch được đề xuất dựa trên các yếu tố văn hóa, văn hiến, văn minh và hiện đại, với triết lý phát triển “Phát sáng nhân tài; Khai phóng trí tuệ; Lan tỏa nhân văn; Hòa điệu thiên nhiên; Tiến cùng thời đại”.
Quan điểm cốt lõi của quy hoạch là “con người là trung tâm của sự phát triển”, với hình ảnh Thủ đô Hà Nội được định hình: “Thủ đô văn hiến - kết nối toàn cầu thanh lịch hào hoa - phát triển hài hòa - thanh bình thịnh vượng - chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc”.
Quy hoạch đặt ra 5 quan điểm phát triển chung, trong đó phát triển Thủ đô phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng; khơi dậy khát vọng phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới...
Những mục tiêu phát triển rất cao của Hà Nội đã được thể hiện trong Quy hoạch Thủ đô. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030 là phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là trung tâm kinh tế tài chính lớn; trung tâm hàng đầu về giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; thành phố thanh bình, người dân hạnh phúc.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 8,5%-9,5%/năm thời kỳ 2021-2030. Quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,4 lần năm 2020; đóng góp 15-16% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả nước, khoảng 45-46% GRDP của vùng đồng bằng sông Hồng. GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500-14.000 USD. Kinh tế số chiếm 40% trong GRDP. Công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 8% trong GRDP của thành phố. Về xã hội, quy mô dân số thường trú khoảng 10,5-11 triệu người; dân số vãng lai quy đổi khoảng 1,45 triệu người. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,88-0,9. Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia…
Tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến. Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao. GRDP bình quân đầu người khoảng 45.000-46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80-85%.
Hoàn thiện thể chế để phát triển Hà Nội toàn diện, đồng bộ là khâu đột phá được thành phố ưu tiên hàng đầu. Theo đó, thành phố tăng cường phân cấp, phân quyền với phương châm "Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", thực hiện cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, đất đai, môi trường, phát triển văn hóa, giao thông, dân cư, tổ chức bộ máy nhằm tạo sự chủ động sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự lực, tự chịu trách nhiệm, kiểm soát quyền lực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Ngoài ra, Hà Nội xây dựng cơ chế huy động mọi thành phần kinh tế, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực văn hóa, con người, tài nguyên nhân văn, tài nguyên đất đai, tài nguyên số; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước tham gia các chương trình trọng điểm của Thủ đô.
Xây dựng đô thị thông minh, động lực phát triển của vùng
Với sự thống nhất, kết nối chặt chẽ, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội là đô thị hiện đại, trung tâm hỗ trợ thúc đẩy liên kết vùng, trung tâm dịch vụ tổng hợp của cả nước, điểm đến kinh tế, văn hóa hấp dẫn của quốc tế. Đến năm 2045 là Thủ đô văn hóa, đô thị thông minh, sinh thái, trung tâm tài chính, dịch vụ, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của châu Á và quốc tế. Thành phố xanh và sinh thái với sông Hồng là biểu tượng phát triển.
Và tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Về tính chất đô thị, Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; là nơi tập trung, bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa vật thể và phi vật thể; là Thủ đô có quy mô tầm cỡ thế giới với hội nhập các giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử truyền thống đặc trưng.
Đây cũng là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, hạnh phúc; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Quy hoạch xác định cấu trúc phát triển đô thị là vùng đô thị, đa cực, đa trung tâm, với 5 vùng đô thị gồm: Vùng đô thị phía Nam sông Hồng, gồm khu vực nội đô lịch sử, nội đô lịch sử mở rộng, khu vực mở rộng đô thị về phía Tây và Nam - Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì và một phần thuộc Thanh Oai, Thường Tín. Vùng đô thị phía Đông gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm. Vùng đô thị phía Bắc gồm huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn (dự kiến hình thành thành phố phía Bắc).
Vùng đô thị phía Tây gồm thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, trong đó có dự kiến hình thành thành phố phía Tây trong tương lai, nâng loại đô thị thành phố Sơn Tây. Vùng đô thị phía Nam gồm các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, có tính đến nghiên cứu thành phố phía Nam trong tương lai.
Hệ thống đô thị vệ tinh và sinh thái được phân cách bằng hành lang xanh, nêm xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm.
Một trong những nội dung của Quy hoạch là định hướng phát triển không gian cho Thủ đô Hà Nội với không gian tổng thể, không gian theo khu vực; định hướng phát triển nông thôn, không gian xanh, hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh; định hướng kiến trúc cảnh quan - thiết kế đô thị tổng thể; định hướng quy hoạch không gian ngầm; định hướng quy hoạch sử dụng đất theo các giai đoạn; định hướng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cùng Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được thông qua vào thời điểm cuối năm 2024, đồng nghĩa với việc bước sang năm 2025, thành phố sẽ bắt đầu nhiệm vụ xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện, dần đưa Quy hoạch vào cuộc sống gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sau nhiệm vụ lập và quy hoạch được phê duyệt, thực thi quy hoạch luôn là giai đoạn quan trọng và khó khăn hơn cả. Trước nhiệm vụ to lớn, trọng trách nặng nề, áp lực yêu cầu cao trong năm “nước rút” 2025, chính quyền, người dân Thủ đô đang tràn đầy lạc quan, tin tưởng. Tất cả sẵn sàng góp sức cùng Thủ đô mở ra giai đoạn phát triển mới, nhất là khi những khát vọng, định hướng đã rõ ràng, cụ thể.
Bảo Hân