Quy hoạch Thủ đô: Phát triển hài hòa đô thị và nông thôn

Quy hoạch Thủ đô: Phát triển hài hòa đô thị và nông thôn
4 giờ trướcBài gốc
3 mô hình nông thôn trong quy hoạch
Cả nước đang hướng tới mục tiêu đến 2030 tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Hà Nội đạt trên 60% và là cực tăng trưởng quốc gia, động lực phát triển vùng khi mở rộng địa giới (2008) tỷ lệ đô thị hóa Hà Nội chỉ xấp xỉ 40%. Song hơn 15 năm qua, Hà Nội không chỉ phát triển đô thị với chất lượng kết quả đáng kể mà đã tạo bước đột phá mạnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới đó là: chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phân bố không gian sản xuất với mô hình: trang trại, HTX và nhất là 382 xã/382 xã toàn TP đạt chuẩn nông thôn mới.
Chú trọng liên kết đô thị trung tâm với vùng nông thôn và các đô thị vệ tinh. Ảnh: Hải Linh
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, về đô thị hóa đến 2022, Hà Nội mới đạt tỷ lệ đô thị hóa là 49% (chưa đạt chỉ tiêu đặt ra là xếp xỉ 59%), quy mô dân số tăng cao so với chỉ tiêu (dự kiến 7,9 triệu thực tế xấp xỉ 8,4 triệu), mô hình chùm đô thị (nhất là 5 đô thị vệ tinh) chưa đạt định hướng theo quy hoạch chung, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là về giao thông. Với bối cảnh trên, để giai đoạn tới phát triển Thủ đô theo mục tiêu đã định hướng rất cần quan tâm hơn đến giải pháp để hài hòa đô thị và nông thôn để phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại và bền vững.
Theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển nông thôn theo ba mô hình tiêu biểu. Theo đó, mô hình nông thôn truyền thống, không nằm trong vùng đô thị hóa: Bảo tồn, tôn tạo các công trình, không gian văn hóa truyền thống, đường làng, ngõ xóm, kiến trúc nhà ở và cảnh quan sân, vườn, ao hồ kết hợp xây dựng mới hạ tầng kết nối làng xã với hệ thống hạ tầng khung của TP.
Mô hình nông thôn nằm trong vùng đô thị hóa: Xây dựng kết cấu hạ tầng theo tiêu chuẩn đô thị, kết nối với hạ tầng các khu đô thị mới; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mật độ xây dựng, kiến trúc công trình; bảo vệ tôn tạo các công trình, không gian văn hóa làng xã truyền thống.
Mô hình nông thôn làng cổ, làng nghề: Bảo tồn, tôn tạo làng cổ thành không gian văn hóa, lịch sử phát triển du lịch; phát triển các cụm công nghiệp làng nghề bảo đảm tiêu chuẩn môi trường để tách các hoạt động sản xuất ra khỏi khu sinh sống, hình thành không gian giới thiệu, trình diễn sản phẩm làng nghề, thu hút du khách tham quan.
Xứng tầm đô thị đặc biệt
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, trong tương lai, một bộ phận vùng nông thôn sẽ trở thành đô thị. Do vậy, việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới cần tính tới đặc điểm hiện tại và xu hướng phát triển dài hạn của mỗi khu vực.
Luật Thủ đô 2024 đã có nhiều quy định phân cấp, ủy quyền tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của TP trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả cần nhanh chóng cụ thể hóa một số quy định. Để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển một số lĩnh vực trọng tâm liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, Hà Nội cần sớm có quyết sách về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số. Về việc phát triển nông thôn gắn với đô thị hóa, cần điều chỉnh các bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới đáp ứng sát hơn xu hướng phát triển của các khu vực khác nhau theo hướng đô thị hóa.
Theo các chuyên gia, để phát triển hài hòa đô thị và nông thôn, trước hết cần thống nhất phát triển Thủ đô tiếp tục thực hiện theo mô hình chùm đô thị, hình thành một số cực tăng trưởng mới, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) với trung tâm là thực hiện quy hoạch Thủ đô 2021 - 2030 và quy hoạch chung xây dựng đến 2045, chú trọng xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô (TP phía Bắc và TP phía Tây), phát triển sông Hồng trở thành trục trung tâm văn hóa, kinh tế, sinh thái, biểu tượng mới cho phát triển Thủ đô.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhìn nhận: "Cùng với phát triển đô thị là xây dựng nông thôn mới hiện đại theo mô hình khu vực trở thành đô thị, khu vực nông thôn ổn định và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí để tiếp cận đô thị hiện đại, thông minh, bảo vệ môi trường; Không gian nông thôn gắn với sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế mới, nông nghiệp công nghệ cao với quy mô dân cư được phân bổ theo quy định trong phát triển Thủ đô nói chung rất cần chú trọng đột phá kết nối kết cấu hạ tầng Thủ đô với hệ thống quốc gia và vùng; Chú trọng liên kết đô thị trung tâm với vùng nông thôn và các đô thị vệ tinh. Tổng hòa kết quả thực hiện sẽ tạo nên Hà Nội xứng tầm là đô thị đặc biệt là Thủ đô".
Lại Tấn
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/quy-hoach-thu-do-phat-trien-hai-hoa-do-thi-va-nong-thon.html