Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh: Khoảng gần 5 nghìn hộ dân tái định cư

Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh: Khoảng gần 5 nghìn hộ dân tái định cư
7 ngày trướcBài gốc
Theo liên danh tư vấn Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT (TRICC) - Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ngày càng thể hiện rõ vai trò then chốt trong quy hoạch giao thông quốc gia. Cùng với trục Bắc - Nam Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, đây là một trong hai tuyến đường sắt xương sống ở miền Bắc.
Phát triển đường sắt cần thiết phải theo quy hoạch chung
Đường sắt quốc gia trục Đông Tây hiện có 2 tuyến chính kết nối với thủ đô là Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai luôn đóng vai trò quan trọng trong phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách và vận chuyển hàng hóa. Với lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm qua, vị trí và vai trò của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ngày càng được khẳng định về tầm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. Có thể nhận thấy trong tổng thể mạng đường sắt quốc gia thì tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là 2 trục xương sống quan trọng nhất trong chiến lược phát triển GTVT đường sắt ở khu vực phía Bắc của Việt Nam.
Vai trò của tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng ngày càng được khẳng định trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng.
Theo Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải, thời gian qua từ 10-15 năm trở lại đến năm 2023 trên hành lang Đông Tây có nhiều dự án phát triển đường sắt đã được nghiên cứu. Một vài dự án đã và đang thực hiện phát huy được hiệu quả của vận tải đường sắt trên tuyến, như dự án vay vốn ADB nâng cấp tuyến hiện có khổ 1000mm “Yên Viên - Lào Cai”, dự án “Nâng cấp cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc”, trong đó có các ga trên tuyến Lào Cai-Hải Phòng. Các dự án đầu tư đoạn đường sắt Hải Phòng-Đình Vũ, đường sắt tránh thành phố Hải Phòng - Hùng Vương - Đình Vũ - Lạch Huyện …đã được nghiên cứu, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau hiện vẫn chưa tiếp tục triển khai được. Về kết nối đường sắt tuyến Lào Cai - Hải Phòng với đường sắt Trung Quốc tại cửa khẩu Lào Cai đã được Bộ GTVT nghiên cứu trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án “Đường sắt từ ga Lào Cai (Việt Nam) đến ga Hà Khẩu (Trung Quốc)” nhưng vẫn chưa được thực hiện bước tiếp theo vì những lý do khác nhau, trong đó có yếu tố xét đến quy hoạch đường sắt quốc gia giữa xây dựng đường sắt khổ 1435mm và duy trì đường sắt hiện có. Gần đây nhất là dự án “Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1435mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng” đã được một công ty thực hiện khá công phu với những nội dung và kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cùng với việc điều chỉnh quy hoạch chung của các địa phương dọc hành lang tuyến đi qua có nhiều thay đổi nên sự phối hợp thống nhất về hướng tuyến vị trí các ga… chưa đạt đến sự thỏa thuận thống nhất. Đặc biệt là khu vực thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng… vẫn còn nhiều vấn đề cần được làm rõ hơn trong việc chọn vị trí các ga chính, hướng tuyến kết nối đường sắt lân cận.
Từ những vấn đề trên cho thấy việc nghiên cứu đầy đủ hoàn thiện quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh là rất cần thiết theo quy hoạch chung phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia.
Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 203 nghìn tỷ đồng
Tuyến Lào Cai - Hà Nội -Hải Phòng - Quảng Ninh nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây, có vai trò quan trọng trong kết nối, thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, phát triển kinh tế vùng biên giới, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia. Việc đầu tư tuyến đường sắt này cũng được đặt trong bối cảnh đồng bộ hóa với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, cụm cảng Hải Phòng - Quảng Ninh, hệ thống cảng thủy nội địa và cảng hàng không. Đây là yếu tố quan trọng trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo tư vấn, cùng với việc đầu tư phát triển mạnh mẽ cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện với cụm cảng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh, hệ thống các cảng đường thủy nội địa và đường hàng không, phát triển GTVT đường sắt trên hành lang kinh tế Đông Tây Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là vô cùng cần thiết cho thời kỳ đến 2030 và tầm nhìn 2050.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có tổng chiều dài quy hoạch 461,5km. Điểm đầu tại cửa khẩu Lào Cai, kết nối với đường sắt Trung Quốc; điểm cuối tại ga Cái Lân (TP Hạ Long, Quảng Ninh). Trong đó, tuyến qua địa phận tỉnh Lào Cai có chiều dài 65,01km; qua Yên Bái dài 76,8km; qua tỉnh Phú Thọ dài 60,05km; qua tỉnh Vĩnh Phúc dài 41,75km; qua TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh có chiều dài 43,76km, bao gồm tuyến chính dài 40,54km và tuyến nhánh nối về ga Yên Viên 3,22km. Tuyến qua địa phận tỉnh Hưng Yên có chiều dài 16,87km; qua địa phận tỉnh Hải Dương có chiều dài 40,97km; qua TP Hải Phòng có chiều dài 83,97km. Trong đó, đường chính tuyến xuống cảng Lạch Huyện dài 48,92km; tuyến nhánh xuống cảng Nam Đồ Sơn dài 12,7km; tuyến nhánh xuống cảnh Đình Vũ dài 7,45km; tuyến đường sắt ven biển kết nối tỉnh Quảng Ninh dài 14,9km. Tuyến đường sắt ven biển trên địa phận tỉnh Quảng Ninh có chiều dài 35,54km; trong đó tuyến xây dựng mới có chiều dài 24,87km, tuyến đường sắt hiện tại có chiều dài 10,67km.
Theo dự kiến, tuyến đường sắt sẽ cắt qua nhiều vị trí như sông Hồng, sông Lô, sông Đuống, sông Thái Bình… vì vậy đòi hỏi phải sử dụng cầu có khẩu độ lớn hơn thông thường mới đáp ứng được. Trên cơ sở tính toàn khẩu độ vượt nhịp, trong bước nghiên cứu này tư vấn đề xuất áp dụng cầu đúng hẫng dầm hộp hoặc cầu dàn thép áp dụng cho các cầu có tĩnh không thông thuyền lớn.
Về nhu cầu vốn, tổng mức đầu tư sơ bộ cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là hơn 203 nghìn tỷ đồng, trong đó bao gồm cả phân đoạn từ Hải Phòng đến Quảng Ninh thuộc tuyến ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ phân kỳ đầu tư làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2021–2025 cần 128 tỷ đồng, đã được Chính phủ cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Giai đoạn 2026–2030 cần hơn 177 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2031 – 2035 cần gần 26 nghìn tỷ đồng. Riêng phân đoạn Hải Phòng - Quảng Ninh có tổng mức đầu tư ước tính hơn 38,2 nghìn tỷ đồng, sẽ được triển khai sau năm 2030, đồng bộ với tuyến đường sắt ven biển khu vực phía Bắc.
Trên cơ sở phương án quy hoạch, tư vấn đã tính toán nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên khác của tuyến đường sắt “Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh” khoảng 2.671,54ha bao gồm đất nông nghiệp khoảng 708,70ha, đất rừng khoảng 857,41ha và các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 1.105,43ha. Số hộ dân tái định cư khoảng 4.972 hộ (số dân khoảng 19.574 người.)
Phạm Huyền
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/giao-thong/quy-hoach-tuyen-duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-quang-ninh-khoang-gan-5-nghin-ho-dan-tai-dinh-cu-i764907/