Quy mô khách hàng của nhà băng tăng trưởng thần tốc

Quy mô khách hàng của nhà băng tăng trưởng thần tốc
9 giờ trướcBài gốc
Theo số liệu của Merchant Machine cách đây khoảng hơn 2 năm, Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về tỷ lệ người dân chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Tuy vậy, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho biết hiện nay 87% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán. Đồng thời, nhiều ngân hàng báo cáo hơn 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số, có ngân hàng đạt tỷ lệ tới 98%.
Top nhà băng có 10 triệu khách hàng
Tại nhiều ngân hàng, mức tăng trưởng khách hàng mới trong vài năm gần đây có thể bằng cả thập kỷ trước cộng lại. Bởi vậy, không khó hiểu khi một số ngân hàng tầm trung cũng đã đạt quy mô khách hàng tương đương với các ngân hàng lớn. Hiện tại, ngoài nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) luôn chiếm ưu thế về lượng khách hàng lớn nhất, nhiều ngân hàng tư nhân cũng đã vượt mốc 10 triệu khách hàng.
Những năm gần đây, nhiều ngân hàng tư nhân cũng đã vượt mốc 10 triệu khách hàng.
Điển hình là MB. Trong năm 2023, MB có thêm 6,2 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên con số 26,5 triệu và là ngân hàng có số lượng khách hàng lớn nhất Việt Nam. Như vậy, cứ mỗi ngày trôi qua, MB lại có thêm gần 17.000 khách hàng mới, con số mà không một ngân hàng nào khác trong hệ thống đạt được.
Năm 2024, MB đặt mục tiêu thu hút thêm 3,5 triệu khách hàng để hướng tới cột mốc 30 triệu khách hàng. Tuy nhiên, mới đến hết tháng 9/2024, nhà băng này cho biết đang phục vụ 30 triệu khách hàng.
Trong khi đó, đến hết tháng 9/2024, Techcombank có 14,8 triệu khách hàng, tăng gần 500 nghìn khách hàng mới trong quý III. So với cuối năm 2023, quy mô khách hàng của Techcombank đã tăng thêm 1,4 triệu.
VPBank cũng là ngân hàng tư nhân có quy mô khách hàng “khủng”. Tính đến hết tháng 6 vừa qua, ứng dụng ngân hàng số VPBank NEO thu hút hơn 10 triệu khách hàng đăng ký, với 2,5 triệu lượt đăng nhập trung bình hàng ngày. Tổng lượt khách hàng kích hoạt mới trong nửa đầu năm nay là 1,3 triệu, trong đó có 95% khách hàng sử dụng định danh trực tuyến eKYC để mở tài khoản.
TPBank cũng đã vượt mốc 10 triệu khách hàng cách đây 2 năm. Hiện, quy mô khách hàng của nhà băng này đã lên tới gần 14 triệu khách hàng. Trước đó, trong năm 2023, TPBank ghi nhận có thêm 3,5 triệu tài khoản mở mới, nâng tổng số khách hàng của ngân hàng vượt mốc 12 triệu. Chỉ trong 3 năm, TPBank đã thu hút thêm hơn 8,6 triệu khách hàng, gấp đôi tổng số lượng khách hàng của cả 12 năm trước đó vào hệ sinh thái tài chính số của TPBank.
Hay như tại HDBank, khách hàng cá nhân vào cuối tháng 9/2024 là 5,8 triệu người, tăng 1,6 triệu người so với cuối năm 2023, tương đương tăng 38%. Trước đó, trong năm 2022 và 2023, HDBank cũng ghi nhận quy mô khách hàng cá nhân tăng lần lượt 18% và 27%. Số lượng khách hàng doanh nghiệp hiện tại của HDBank là 61.600 doanh nghiệp.
Bước đi đột phá
Theo các chuyên gia, việc đẩy mạnh ứng dụng ngân hàng số cùng với tích hợp nhiều tiện ích giúp các nhà băng nâng quy mô khách hàng nhanh chóng.
Chẳng hạn, tại MB, số lượng khách hàng tăng vọt những năm gần đây là nhờ ngân hàng "gãi trúng chỗ ngứa" của các khách hàng, như tung chính sách số đẹp miễn phí, ra mắt một loạt bộ sưu tập thẻ có thiết kế đẹp mắt và đa dạng, ngoài ra còn có vòng tay thanh toán kết hợp thời trang và tài chính...
MB cũng cho biết, ngân hàng đầu tư năng lực hạ tầng công nghệ đáp ứng 2,7 tỷ giao dịch, trong đó 99,5% giao dịch được thực hiện trên kênh số. Bên cạnh đó là số hóa 90% hoạt động nội bộ.
Tương tự, thế mạnh từ số hóa đã giúp Techcombank bứt phá tăng trưởng số lượng khách hàng. Hiện nay, nhà băng này được đánh giá là một trong những ngân hàng số tốt nhất Việt Nam. Theo đó, Techcombank ghi nhận số lượng và giá trị giao dịch của khách hàng cá nhân qua các kênh số lũy kế 9 tháng năm 2024 đạt 2,3 tỷ giao dịch và 8,2 triệu tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 53,5% và 20,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, nhờ có quy mô khách hàng lớn, các ngân hàng này chuyển dịch từ giai đoạn mở rộng quy mô nhanh chóng sang giai đoạn phát triển bền vững hơn, bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính phù hợp hơn với nhu cầu riêng biệt của từng tệp khách hàng, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng.
Ví dụ, MB Bank đã phát triển mô hình ứng dụng siêu tích hợp, mang đến cho khách hàng trải nghiệm toàn diện từ mua sắm trực tuyến, di chuyển, đặt vé máy bay, đặt khách sạn đến giao hàng. Trong khi đó, Techcombank thực hiện chiến lược phát triển mô hình dịch vụ khách hàng cao cấp nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ chuyên biệt cho lớp khách hàng có thu nhập cao. Tiếp đến, các sản phẩm chuyên biệt này sẽ tiếp cận và mở rộng đến phân khúc thấp hơn với các khách hàng có thu nhập khá. Mỗi nhóm khách hàng sẽ được đánh giá một cách chuyên sâu nhằm mục tiêu thiết kế các bộ giải pháp tài chính chuyên biệt. Tất cả được phát triển trên một nền tảng chuyên sâu về công nghệ dữ liệu.
Trong bối cảnh dư địa mở rộng các khách hàng mới đang bị thu hẹp, các ngân hàng thương mại đang bắt đầu nhận thức rõ ràng về sự cần thiết phải chuyển dịch sang một mô hình kinh doanh bền vững hơn.
"Thông qua việc đầu tư vào công nghệ và dịch vụ chăm sóc khách hàng chất lượng cao, ngân hàng không chỉ giữ chân được khách hàng hiện có mà còn nâng cao sự hài lòng và trải nghiệm sản phẩm dịch vụ. Đây là một bước tiến quan trọng giúp ngành ngân hàng phát triển một cách bền vững và hiệu quả hơn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà thị trường ngày càng trở nên cạnh tranh và bão hòa", một chuyên gia phân tích.
Thanh Hoa
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//ngan-hang/quy-mo-khach-hang-cua-nha-bang-tang-truong-than-toc-1104198.html