Ông George H.W. Bush giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống và đến năm 1989 chính thức đọc tuyên thệ trở thành Tổng thống thứ 41 của Mỹ. Ảnh: AP
Tổng thống George H.W. Bush và lệnh ân xá trong vụ Iran-Contra
Vụ Iran-Contras là một trong những bê bối lớn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ, đã làm rung chuyển chính quyền Ronald Reagan vào thập niên 1980. Trong nhiệm kỳ thứ hai của Reagan, chính quyền tìm cách đảm bảo việc thả các con tin người Mỹ bị giam giữ tại Liban bởi các nhóm do Iran hậu thuẫn, đồng thời hỗ trợ Contras, lực lượng phiến quân chống chính quyền Sandinista ở Nicaragua. Tuy nhiên, mục tiêu kép này vấp phải rào cản pháp lý khi quốc hội Mỹ cấm viện trợ quân sự cho Contras.
Để né tránh các rào cản pháp lý, một số quan chức trong chính quyền Reagan đã bí mật thực hiện các giao dịch bán vũ khí cho Iran, với hy vọng đổi lấy việc thả con tin người Mỹ (mặc dù kết quả không đạt như mong đợi). Số tiền thu được từ giao dịch này sau đó được chuyển đến hỗ trợ lực lượng Contras ở Nicaragua. Khi vụ việc bị phanh phui vào năm 1986, nó đã gây ra làn sóng chỉ trích dữ dội và đặt chính quyền Reagan vào tâm điểm của bê bối, đe dọa nghiêm trọng đến nhiệm kỳ Tổng thống của ông.
Hàng loạt quan chức cấp cao liên quan đến vụ bê bối bị truy tố và kết án, như: Caspar Weinberger - cựu Bộ trưởng Quốc phòng, Elliott Abrams - cựu Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề liên Mỹ, Robert C. McFarlane - cựu cố vấn an ninh quốc gia, cùng một số quan chức cấp cao của CIA. Đây là vụ án hình sự nghiêm trọng nhất liên quan đến các quan chức chính phủ kể từ vụ Watergate, gây tổn hại lớn đến uy tín của chính quyền Reagan.
Vào đêm Giáng sinh năm 1992, chỉ vài tuần trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống, ông George H.W. Bush đã ra lệnh ân xá cho toàn bộ sáu cá nhân bị kết án. Lệnh ân xá này lập tức gây ra tranh cãi gay gắt. Nhiều người chỉ trích cho rằng quyết định này được đưa ra bởi ông Bush không còn phải đối mặt với sức ép chính trị sau thất bại trong cuộc tái tranh cử.
Hành động của ông Bush đã làm dấy lên nghi vấn về việc sử dụng quyền ân xá Tổng thống, vốn được xem là quyền hạn lớn nhưng cũng dễ bị lạm dụng. Những người ủng hộ cho rằng đây là một nỗ lực nhằm khép lại một chương đen tối trong lịch sử chính trị Mỹ, nhưng phe chỉ trích nhìn nhận đây là hành động che đậy trách nhiệm và bảo vệ các quan chức cấp cao. Dư luận không ngừng tranh luận về ý nghĩa và hệ quả của lệnh ân xá, làm nổi bật những thách thức trong việc duy trì sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong nền chính trị Mỹ.
Tổng thống Bill Clinton và lệnh ân xá cho người anh cùng cha khác mẹ
Vào ngày 20/1/2001, ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống, Bill Clinton đã ký lệnh ân xá cho anh cùng cha khác mẹ của mình là Roger Clinton Jr., người từng bị kết án vào năm 1985 với tội danh âm mưu phân phối cocaine tại Arkansas. Bản án khiến Roger phải chịu một năm tù giam và nộp phạt 50.000 USD. Sau khi mãn hạn tù, Roger nỗ lực xây dựng lại cuộc sống, theo đuổi sự nghiệp nghệ sĩ nhưng quá khứ phạm tội tiếp tục cản trở ông trong việc tái hòa nhập cộng đồng.
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Ảnh: AFP/TTXVN
Lệnh ân xá của Bill Clinton khôi phục một số quyền công dân cho Roger, như: quyền bầu cử, những hạn chế pháp lý liên quan đến bản án liên bang. Tuy nhiên, quyết định này đã gây ra tranh cãi lớn, khi lần đầu tiên trong lịch sử một Tổng thống Mỹ ân xá cho một thành viên trong gia đình.
Sự việc này càng thu hút chú ý trong bối cảnh Bill Clinton ban hành hàng loạt lệnh ân xá vào cuối nhiệm kỳ, trong đó có lệnh ân xá gây tranh cãi đối với Marc Rich - một tỷ phú tài chính từng trốn khỏi Mỹ để tránh bị truy tố với các tội danh nghiêm trọng về gian lận tài chính. Vụ việc Marc Rich khiến dư luận hoài nghi về khả năng có sự thiên vị và lợi ích chính trị khi vợ của Rich là nhà tài trợ lớn của Đảng Dân chủ. Chính điều này đã làm lu mờ lệnh ân xá dành cho Roger Clinton và trở thành tâm điểm chỉ trích.
Mặc dù được nhiều ý kiến cho rằng hành động của Bill Clinton nhằm giúp người anh tái hòa nhập xã hội nhưng nhiều nhà quan sát chỉ ra rằng, việc sử dụng quyền ân xá cho các mối quan hệ cá nhân và chính trị đã làm dấy lên câu hỏi về sự minh bạch và đạo đức trong việc thực thi quyền lực Tổng thống. Các lệnh ân xá cuối nhiệm kỳ của Clinton cho đến nay vẫn là chủ đề tranh luận, không chỉ vì các mối quan hệ cá nhân liên quan mà còn vì những hệ quả chính trị mà chúng mang lại.
Những bài học từ lịch sử
Quyền ân xá của Tổng thống được Hiến pháp Mỹ trao quyền nhằm sửa chữa những sai lầm tư pháp và thúc đẩy lòng khoan dung, nhưng qua các thời kỳ, nó đã trở thành công cụ gây tranh cãi. Từ George Washington trong cuộc nổi loạn Whiskey, Andrew Johnson trong thời kỳ Tái thiết, đến George H.W. Bush với vụ Iran-Contra và Bill Clinton ân xá cho người anh cùng cha khác mẹ, các quyết định này luôn đặt tổng thống vào tâm điểm dư luận.
Gần đây, trường hợp Tổng thống Joe Biden ân xá cho con trai Hunter Biden một lần nữa cho thấy sự nhạy cảm và tính hai mặt của quyền này. Bên cạnh mục tiêu nhân đạo và sửa chữa sai lầm, quyền ân xá khi thiếu minh bạch rất dễ làm dấy lên chỉ trích, đe dọa niềm tin công chúng và làm lung lay tính chính danh của quyền hành pháp.
Nhìn lại lịch sử, những quyết định ân xá gây tranh cãi đã đặt ra yêu cầu cấp bách về việc xây dựng cơ chế giám sát rõ ràng và hạn chế khả năng lạm dụng. Chỉ khi được thực thi minh bạch và công bằng, quyền ân xá mới có thể thực sự phát huy vai trò hàn gắn xã hội, bảo vệ công lý và duy trì lòng tin vào hệ thống chính trị Mỹ.
Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo usnews.com/politico.com)