Quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã theo Luật mới

Quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã theo Luật mới
4 giờ trướcBài gốc
Bảo đảm tính thông suốt, liên tục, hiệu lực, hiệu quả
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 7 chương, 50 điều.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Đáng chú ý, tại Luật đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã. Trong đó, đối với Hội đồng nhân dân xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Quyết định biện pháp bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn xã; quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.
Quyết định biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, bảo đảm quyền con người, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.
Quyết định chủ trương, biện xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật; ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và chấp thuận việc đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người do Hội đồng nhân dân bầu theo quy định của pháp luật; giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân của cấp mình; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp mình;
Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân huyện; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật; đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau: Xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét ban hành nghị quyết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 21 của Luật này.
Tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và các nguồn lực khác để thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn xã.
Thực hiện quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn xã bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, liên tục, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, quản trị hiện đại, trong sạch, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân.
Ban hành quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân cấp mình; ban hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
Tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Lãnh đạo và điều hành công việc của Ủy ban nhân dân; triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Ủy ban nhân dân.
Lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp mình; kiểm tra và xử lý các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn xã.
Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính; về thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn xã; quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã và cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, bảo đảm quyền con người, giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của cơ quan nhà nước cấp trên.
Chỉ đạo, quản lý, tổ chức sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, tài chính và nguồn ngân sách nhà nước được giao trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật; thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hoạt động của chính quyền địa phương cấp mình và trong các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.
Chỉ đạo, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp liên quan đến thiên tai, bão lụt, dịch bệnh tại địa bàn xã; hướng dẫn và kiểm tra hoạt động tự quản của thôn; ban hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái pháp luật; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định sau: Chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển thị trấn theo quy định của pháp luật; thực hiện nhiệm vụ quản lý dân cư đô thị; phòng, chống các tệ nạn xã hội ở đô thị; xây dựng nếp sống văn minh đô thị theo quy định của pháp luật.
Thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ không gian, kiến trúc và cảnh quan đô thị; tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự công cộng, an toàn giao thông trên địa bàn thị trấn theo quy định của pháp luật; hướng dẫn và kiểm tra hoạt động tự quản của tổ dân phố.
Tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nêu rõ: Hàng năm, chính quyền địa phương cấp xã có trách nhiệm tổ chức ít nhất 1 lần hội nghị đối thoại với Nhân dân thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc thông qua mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật để trao đổi về tình hình hoạt động của chính quyền địa phương và những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân ở địa phương.
Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức hội nghị đối thoại, cùng đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân chủ trì hội nghị đối thoại; mời đại diện cấp ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tham gia hội nghị đối thoại và phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về thời gian, địa điểm, nội dung và cách thức tham dự hội nghị đối thoại với nhân dân chậm nhất là 7 ngày trước ngày tổ chức hội nghị.
Quỳnh Nga
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/quyen-han-cua-chinh-quyen-dia-phuong-cap-xa-theo-luat-moi-375490.html