Ông Musk phát biểu tại một cuộc mít tinh ở Capital One Arena, Washington, D.C. trong ngày nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump hôm 20/1 - Ảnh: Reuters
Ngay sau khi ông Trump ký sắc lệnh thành lập DOGE và bổ nhiệm ông Musk vào vị trí đồng điều hành cơ quan này, vị tỷ phú giàu nhất thế giới đã nhanh chóng hành động, thiết lập một đội ngũ cấp dưới gồm nhân viên hiện tại và cựu nhân viên các công ty của ông.
Triển khai kế hoạch cắt giảm chi phí của ông Trump thông qua giảm quy mô bộ máy Chính phủ Mỹ, ông Musk trở thành một trong những nhân vật quyền lực mới tại Washington.
"CÔNG CHỨC ĐẶC BIỆT CỦA CHÍNH PHỦ"
Trong tuần này, bên cạnh các diễn biến xoay quanh cuộc chiến thương mại của ông Trump với Canada, Mexico và Trung Quốc, trang nhất của các tờ báo lớn tại Mỹ phủ dày thông tin về nỗ lực của ông Musk nhằm đóng cửa Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) – cơ quan viện trợ nhân đạo toàn cầu hàng đầu của Mỹ.
Hai tuần kể từ khi ông Musk được ông Trump gọi là "công chức đặc biệt của chính phủ", đội ngũ nhân viên trong DOGE đã có thể dễ dàng tiếp cận các hệ thống dữ liệu và tài chính nhạy cảm nhất. Điều này diễn ra bất chấp những cảnh báo từ các công chức chuyên nghiệp rằng DOGE đang phá vỡ những quy trình quan trọng.
“Chúng ta đang chứng kiến sự tập trung quyền lực lạ thường vào một nhân vật không có thẩm quyền cao nhất về an ninh và chưa trải qua quy trình xác nhận bổ nhiệm của Thượng viện”, ông Don Moynihan, giáo sư tại Trường Chính sách công Ford thuộc Đại học Michigan, nhận xét. “Ông Musk đang nắm trong tay sự kiểm soát tập trung chưa có tiền lệ trong hệ thống cơ bản của bộ máy chính phủ”.
Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng trên thực tế ông Musk đang hành động theo chủ trương của ông Trump. Đầu tuần này, ông Trump nói với truyền thông rằng mọi hành động của ông Musk phải nhận được sự phê duyệt của Nhà Trắng.
“Elon (Musk) không thể và sẽ không làm những việc không được chúng tôi chấp thuận. Chúng tôi sẽ phê duyệt những hành động phù hợp và bác bỏ những hành động không phù hợp”, Tổng thống Mỹ cho biết hôm thứ Hai (3/2).
Thời gian qua, ông Trump nhiều lần nhận xét rằng bộ máy hành pháp liên bang Mỹ đang quá cồng kềnh và hoạt động kém hiệu quả, do đó cần phải được tinh giản. Ông cũng cho rằng nhiều nhân viên liên bang là người theo chủ nghĩa tự do và muốn cản trở chương trình nghị sự của ông.
Đây là lý do cho sự ra đời của DOGE. Dù được gọi là Bộ Hiệu suất Chính phủ, cơ quan này không hoạt động như một bộ bình thường trong bộ máy Chính phủ Mỹ và ông Musk không nhận lương công chức. Hiện Chính phủ Mỹ chưa công bố danh sách nhân viên của DOGE và cũng không nói họ được trả lương ra sao và họ có phải công chức chính phủ hay không.
Ông Musk và đội ngũ nhân viên DOGE hiện đã tiếp quản Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM) và Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp Mỹ (GSA) cùng toàn bộ hệ thống máy tính của hai cơ quan này. OPM là cơ quan nhân sự của Chính phủ Mỹ, giám sát hơn 2,2 triệu công chức Mỹ. Còn GSA phụ trách giám sát hầu hết hợp đồng của chính phủ và quản lý tài sản liên bang.
Theo nguồn tin từ Reuters, ít nhất 4 nhân viên DOGE thuộc nhóm tiếp quản OPM đã ngăn cản một số quản lý cấp cao của cơ quan này tiếp cận máy tính của họ. Thứ Năm tuần trước, ông Musk đã đến thăm GSA, trong khi một số nhân viên DOGE đã chuyển vào làm việc tại cơ quan này.
Thứ Sáu tuần trước (31/1), một nhóm nhân viên của ông Musk tại DOGE được cấp quyền truy cập vào hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính Mỹ. Hệ thống này chi trả hơn 6 nghìn tỷ USD mỗi năm và chứa nhiều thông tin cá nhân của hàng triệu người Mỹ - những người nhận chi trả an sinh xã hội, hoàn thuế và các khoản tiền khác từ chính phủ.
“Giờ đây, những người từng làm việc tại các công ty của ông Musk có thể thấy bàn tay của ông ấy trong mọi hoạt động diễn ra trong bộ máy chính phủ”, ông Thomas Moline, một cựu kỹ sư tại công ty khai phá vũ trụ SpaceX của ông Musk, nhận xét với hãng tin Reuters.
Theo ông Michael Linden, một quan chức cấp cao tại Cơ quan Quản lý Hành chính và Ngân sách (OMB) trong chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden, việc các nhân viên của ông Musk được tiếp cận vào hệ các thống thanh toán liên bang mang lại cho họ quyền lực phi thường.
ÔNG MUSK LIỆU CÓ VƯỢT THẨM QUYỀN?
Tuy nhiên, những hành động của ông Musk thời gian qua vấp phải sự phản đối và hoài nghi từ các công đoàn chính phủ, tổ chức giám sát và các tổ chức vì lợi ích cộng đồng.
Theo các chuyên gia về quản trị, vị tỷ phú dường như đang hành động vượt quá những nhiệm vụ được giao trong sắc lệnh điều hành về việc thành lập DOGE hôm 20/1 của ông Trump. Theo sắc lệnh này, DOGE có nhiệm vụ hiện đại hóa các công nghệ và phần mềm liên bang “để tối đa hóa hiệu quả và năng suất của bộ máy chính phủ”. Còn trong các sắc lệnh điều hành khác về việc ngừng tuyển dụng công chức, DOGE được nhắc đến với nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan khác để đưa ra khuyến nghị.
Tuy nhiên, ông Musk và các nhân viên của mình được cho là đang hành động nhiều hơn là chỉ đưa ra khuyến nghị. Các nhân viên của DOGE xung đột với nhân viên an ninh trong việc tiếp cận các thông tin nhạy cảm tại trụ sở chính của USAID ở Washington, đồng thời tham gia sâu vào quá trình tinh giản cơ quan này.
Nỗi lo đang bao trùm lên giới công chức Mỹ. Nhiều người đã lên các mạng xã hội như Reddit, Signal và Facebook để chia sẻ về những gì đang diễn ra trong cơ quan làm việc của mình và thảo luận và cách ứng phó. Những người phản đối ông Musk, trong đó có một số nghị sĩ Đảng Dân chủ, cáo buộc vị tỷ phú đang thâu tóm chính phủ với quan điểm thù địch. Một số công đoàn liên bang đã đâm đơn kiện để ngăn ông Musk và nhân viên của ông tiếp cận hệ thống máy tính nhạy cảm.
Ông Nick Bednar, phó giáo sư luật tại Trường Luật Đại học Minnesota, bày tỏ lo ngại khi ông Musk và đội ngũ của mình nằm trong quyền lực lớn như vậy với nhân sự trong bộ máy chính phủ và các khoản thanh toán liên bang. Trong khi đó, họ “gần như không phải chịu trách nhiệm gì”.
“Việc ông Musk sở hữu nhiều công ty có hợp đồng với chính phủ Mỹ cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về xung đột lợi ích”, ông Bednar nhận xét.
Hoài Thu