Chị Bùi Thị Thủy (42 tuổi, làm giáo viên tại Hải Phòng) bị ung thư phổi giai đoạn cuối đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Dù bệnh trọng nhưng người phụ nữ này luôn giàu nghị lực, cảm xúc, lan tỏa tinh thần vui vẻ tới những người trong tình trạng giống mình.
Cơn bạo bệnh từ trận ho
Từ cuối năm 2023, chị Thủy ho nhiều nhưng chỉ nghĩ bị viêm phế quản. Khi chị tới bệnh viện khám, kết quả là ung thư phổi biểu mô tuyến giai đoạn 4, khối u bên thùy phổi phải 2,7cmx 3,2cm và di căn phổi đối bên.
Nghe tới ung thư, chị Thủy thấy "đất trời như sụp đổ, thân thể rơi từ trên cao xuống đáy vực". Người phụ nữ liên tục đặt câu hỏi: "Bác sĩ ơi chính xác không? Tôi chỉ bị ho, không ho ra máu, không hút thuốc, không sụt cân… không thể là ung thư giai đoạn 4".
Người phụ nữ đặt ra hàng loạt câu hỏi nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của bác sĩ và tất cả chẩn đoán đều chính xác.
“Về nhà, tôi đã khóc ròng rã 3 ngày, nghĩ đến 2 con còn nhỏ. Mẹ tôi đã già và không thể chịu nổi cú sốc này. Tôi mê man trong hoảng loạn. Tôi nghĩ mình cần chụp với chồng con một bộ ảnh kỷ niệm để các con đỡ quên mẹ và có ảnh thờ. Tôi đợi những điều tệ hại sẽ đến với mình”, chị Thủy kể lại.
Chị Thủy vẫn nỗ lực vượt qua ung thư giai đoạn cuối. Ảnh: BVCC.
Sau đó, bà mẹ này nhận ra buồn đau không đẩy lùi được bệnh, khóc không làm cho “ung thư” hết mà lại khiến bản thân rơi vào tình trạng mất ngủ, giảm đề kháng, suy kiệt.
Nữ giáo viên đã quyết định ngưng khóc, hành động tích cực và đọc các thông tin về ung thư, chọn bệnh viện, tham khảo các mối quan hệ để đưa ra một lựa chọn tối ưu chữa bệnh.
Khi biết chị Thủy bị ung thư, bạn bè, người thân cũng đưa ra nhiều cách như dùng thuốc lá, thực dưỡng, ăn chay, thực phẩm chức năng… và danh sách những thầy lang, bà mế ở khắp nơi.
Dù mắc bệnh nhưng chị Thủy vẫn giữ hình ảnh xinh đẹp nhất. Ảnh: NVCC.
Tuy nhiên, chị Thủy nhận thức được sinh mệnh là của mình, phải tự quyết định và chịu trách nhiệm. Người phụ nữ này đã từ chối lá đu đủ, củ ráy, sừng tê giác… và tin tưởng vào y học hiện đại.
Vượt qua thực tế nghiệt ngã
Gửi lời tạm biệt các đồng nghiệp, học trò, cô giáo Thủy bước vào con đường đơn độc chữa ung thư. Kết quả xét nghiệm sinh học phân tử có đột biến gene EGFR nên chị được dùng thuốc đích.
Trong quá trình điều trị, những tác dụng phụ gây đau đớn nhưng với mong mỏi lớn lao là được sống, chị Thủy đều cố gắng vượt qua.
“Những đau đớn ấy chỉ một mình tôi chịu, một mình tôi hay. Có những lúc đau đớn đến ứa nước mắt, chán chường muốn từ bỏ điều trị. Khi ngồi xe lăn, tôi thấy mình hèn kém, cáu kỉnh dứt cả dây truyền khi lọ dịch mới được một nửa. Đó là những thực tế nghiệt ngã tôi đã trải qua”, cô giáo Thủy nhớ lại.
Trải qua các cung bậc cảm xúc như vậy, chị Thủy không cho phép mình xuống tinh thần, chị trở nên bản lĩnh đối diện khó khăn.
Chị Thủy trở lại bục giảng sau gần 8 tháng điều trị ung thư. Ảnh: NVCC.
Nỗi đau nào cũng sẽ qua, cơn đau dần giảm, nữ giáo viên đã chuẩn bị cho mình một sức khỏe, tinh thần tốt nhất khi trở lại bục giảng.
Con đường điều trị ung thư còn rất dài, chị Thủy luôn tự nhủ phải lạc quan, tích cực xứng đáng với một lần đến nhân gian.
“Mỗi sáng thức giấc, với tất cả nỗ lực và thành tâm, tôi tha thiết được sống khỏe mạnh và khát khao được sống như đóa hoa rực rỡ nhất, tỏa hương sắc cho đến tận giây phút cuối cùng” - đó là lý do để cô giáo Thủy không ngừng nỗ lực mỗi ngày.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Gia - Phó trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bệnh nhân Thủy vào viện với chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn muộn có nhiều tổn thương di căn phổi 2 bên.
Ban đầu, chị Thủy đã rất sốc nhưng nhờ sự động viên của gia đình, đồng nghiệp nên tinh thần bệnh nhân vững vàng hơn. Trong 6 tháng điều trị, người bệnh luôn giữ tinh thần và tin tưởng tuyệt đối với các phác đồ điều trị, nói không với các phương pháp điều trị không chính thống.
Tinh thần được xem là tiêu chí quan trọng trong điều trị ung thư, đến thời điểm hiện tại, các tế bào ác tính của bệnh nhân Thủy đã được đẩy lùi, nữ giáo viên này có thể quay trở lại công việc giảng dạy.
Phương Thúy