Trên toàn tuyến, các nhà thầu hiện đang huy động hơn 1.000 nhân sự và hơn 350 máy móc thiết bị triển khai 26 mũi thi công với nhiều hạng mục như cầu, hầm, cống,… Có mặt tại km 56 đoạn tuyến qua xóm Nà Pá, xã Đức Xuân (Thạch An) do Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568 phụ trách thi công, anh Trần Đăng Khoa, phụ trách mũi 2 trong 5 mũi thi công của nhà thầu cho biết: Mũi của đội phụ trách đoạn tuyến từ km 56 - km 63. Trên tuyến hiện nay đội huy động 6 máy xúc, 8 ô tô, 7 máy lu, 4 máy ủi với hàng trăm người tổ chức làm việc liên tục từ 6 giờ sáng đến 21 giờ. Đoạn tuyến do Công ty phụ trách có các mũi 3 và 5 đang tổ chức làm 3 ca, 4 kíp với thời gian thi công liên tục 22 giờ/ngày. Đoạn do đội anh phụ trách hiện đang vướng mặt bằng tại km 56+450 - km 56+700 do phải điều chỉnh hướng tuyến, nền đào qua đoạn này đang chờ giải phóng mặt bằng (GPMB) nên thiếu đất đắp. Khi giải quyết xong mặt bằng, đội tập trung nhân lực, thiết bị tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp đảm bảo thông tuyến đúng tiến độ.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý đầu tư xây dựng các dự án giao thông tỉnh Hoàng Đức Thọ, đến nay, dự án giải ngân gần 822 tỷ đồng, đạt 42,5% kinh phí bố trí năm 2024. Trong đó, giải ngân hơn 50 tỷ đồng vốn Nhà nước bố trí xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng cơ sở, hơn 112,8 tỷ đồng giải ngân cho các nội dung khác thuộc tiểu dự án GPMB thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng và 553,1 tỷ đồng chuyển sang tỉnh Lạng Sơn để thực hiện công tác GPMB.
Nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Tỉnh Cao Bằng phát động “Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh”, UBND tỉnh phê duyệt phương án và dự toán bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án với tổng trị giá 173,95 tỷ đồng. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án, dự toán bồi thường để chi trả cho người dân. Đối với diện tích GPMB bổ sung đoạn Cao Bằng sau khi thiết kế kỹ thuật bổ sung, doanh nghiệp dự án đang thực hiện ký hết hợp đồng nguyên tắc với Trung tâm đo đạc tỉnh, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh thực hiện công tác trích đo, nghiệm thu kết quả trích đo, đồng thời thực hiện song song tại hiện trường.
Đến nay, đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành công tác kiểm đếm đất đai, tài sản, hoa màu trên đất (trừ một số đoạn do phải điều chỉnh hướng tuyến); bàn giao mặt bằng 41,26/41,35 km, tương ứng khoảng 221,87/260,76 ha cần thu hồi. Trong đó, 37,66 km chiều dài, tương ứng khoảng 195,17 ha đã bàn giao, 3,6 km chiều dài tương ứng với khoảng 26,7 ha, thuộc một phần của xóm Lũng Luông và xóm Hồng Định 1, xã Hạnh Phúc (Quảng Hòa) do điều chỉnh phương án tuyến nên chưa tổ chức kiểm đếm. Hiện nay, UBND huyện Thạch An phê duyệt phương án dự toán bồi thường hỗ trợ di chuyển mồ mả; phê duyệt phương án dự toán bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi là thủy sản; phê duyệt phương án, dự toán bồi thường các xã Vân Trình, Thụy Hùng, Đức Xuân, Lê Lai, thị trấn Đông Khê để thực hiện dự án với tổng trị giá 115,05 tỷ đồng. UBND huyện Quảng Hòa phê duyệt phương án và dự toán bồi thường, hỗ trợ để thực hiện dự án (đợt 1) tại 9/12 xóm các xã Hạnh Phúc, Chí Thảo, thị trấn Hòa Thuận; phê duyệt phương án, dự toán bồi thường phần mộ để thực hiện dự án… với tổng trị giá 58,9 tỷ đồng.
Tỉnh Lạng Sơn phát động “Thi đua cao điểm từ tháng 10/2024 đến hết năm 2024 thực hiện công tác GPMB đối với 2 dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông, trong đó có Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh”, phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng của 2 dự án trước ngày 31/12/2024. Đến nay, doanh nghiệp dự án, nhà thầu tiếp nhận mặt bằng từ 2 huyện Tràng Định, Văn Lãng 47,02/51,930 km, đạt 90,54%. Trong đó, địa bàn huyện Văn Lãng bàn giao 20,3/24,8 km, đạt 81,85% (chưa bao gồm nút giao km 7, thị trấn Na Sầm); địa bàn huyện Tràng Định bàn giao 26,97/27,13 km, đạt 99,04%, trong đó 17,59 km mặt bằng các hộ dân đã nhận tiền bàn giao, 9,38 km mặt bằng các hộ đồng ý chủ trương bàn giao trước chưa nhận tiền.
Tại vị trí thi công cửa phía Đông hầm số 2 km 72+194 tại xã Thụy Hùng (Thạch An), anh Phạm Sỹ Tuấn, cán bộ phụ trách mũi thi công cho biết: Đơn vị đang tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp với 100 nhân công và nhiều máy móc thiết bị hiện đại. Bình quân máy khoan tự hành hiện đại nhất Việt Nam đang khoan được 4 - 6 m hầm/ngày. Công tác an toàn lao động luôn được nhà thầu đặt lên hàng đầu, có cán bộ chuyên trách phụ trách công tác an toàn lao động, trước mỗi ca làm việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công nhân thực hiện tốt công tác an toàn lao động. Hiện nay, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công hầm số 2 theo cả 2 hướng, phấn đấu trước ngày 31/12/2024 hoàn thành thông 1 ống hầm và trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sẽ hoàn thành thông ống hầm còn lại. Đơn vị kiến nghị địa phương sớm bàn giao mặt bằng vị trí đổ đất, đá dư thừa khi thi công hầm.
Máy khoan tự hành thi công hầm số 2 tại xã Thụy Hùng, Thạch An.
Khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án là các địa phương chưa hoàn thành các khu tái định cư, ảnh hưởng đến tiến độ GPMB bố trí tái định cư đối với các hộ bị mất đất ở phải bố trí tái định cư. Hiện nay, tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đang chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu tái định cư để phục vụ GPMB của dự án. Một vấn đề khác là ranh giới GPMB có sự cập nhật, thay đổi so với ranh giới GPMB theo hồ sơ bước nghiên cứu khả thi được duyệt dẫn đến một số vị trí GPMB xong nay phải GPMB bổ sung, phải điều chỉnh diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng đã được phê duyệt.
Ngoài ra, việc thu hồi đất làm các vị trí bãi chứa đất, đá dư thừa của dự án đang gặp một số vướng mắc khi người dân khu vực có đất cần thu hồi làm các vị trí bãi chứa đất, đá dư thừa chỉ nhất trí với phương án cho đổ đất, đá dư thừa trong thời gian thi công, sau khi kết thúc dự án người dân có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất. Trong khi đó, các thủ tục đất đai phải thực hiện của chủ đầu tư, người dân và cơ quan nhà nước đối với trường hợp này chưa có quy định phải thực hiện các thủ tục gì và thực hiện như thế nào...
Sau khi rà soát, một số mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng thông thường của dự án thì có 6 mỏ đất không có trong Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để đảm bảo nguồn cung vật liệu đất đắp cho dự án, doanh nghiệp dự án đề xuất bổ sung 4 mỏ đất, kiến nghị UBND tỉnh xem xét chấp thuận chủ trương sử dụng đất dôi dư từ hoạt động cải tạo đất của người dân để thi công dự án. Hiện nay, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã làm việc các chủ mỏ đá ký cam kết bình ổn giá vật liệu cấp cho dự án, đồng thời, các đơn vị quản lý mỏ cũng có văn bản đề xuất gửi doanh nghiệp dự án đề nghị báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương, tạo điều kiện giúp đỡ hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nâng công suất khai thác và cấp phép khai thác bổ sung để kịp thời cung cấp cho dự án đảm bảo tiến độ.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, doanh nghiệp dự án đề xuất UBND tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn hướng dẫn thủ tục đất đai đối với một số khó khăn, vướng mắc về công tác GPMB. Đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo UBND 2 huyện Văn Lãng, Tràng Định tiếp tục đẩy nhanh công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch trước ngày 31/12/2024 cho nhà đầu tư.
Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121 km, tổng vốn đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng và được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có chiều dài 93,35 km, điểm đầu tại nút giao Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng). Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 14.300 tỷ đồng, đã được khởi công vào đầu năm 2024 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.
Liên danh công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) và Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568 được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Ngọc Minh