Dự án xây dựng Trường Đại học Hoa Lư đang được đẩy nhanh tiến độ.
Tập trung nguồn vốn cho các công trình trọng điểm
Năm 2024, tổng kế hoạch đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Ninh Bình là 6.559,9 tỷ đồng, gồm: vốn ngân sách Trung ương là 611,38 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 5.848,52 tỷ đồng. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và thực tế phát triển của địa phương, Ninh Bình đã xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công phải đảm bảo đạt tối thiểu 95% số vốn được giao.
Do đó, ngay từ những ngày đầu năm 2024, UBND tỉnh đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sát sao các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh gắn với nâng cao hiệu quả quản lý theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ban, ngành Trung ương.
Cùng với đó, tỉnh đã thực hiện các thủ tục giao, phân bổ chi tiết vốn cho các công trình, dự án ngay khi đủ điều kiện, đảm bảo kịp thời; trong đó ưu tiên nguồn lực, tập trung cao độ để thi công và hoàn thành, cơ bản hoàn thành một số dự án quan trọng ngay trong năm 2024, tạo động lực và làm cơ sở thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, nguồn vốn đã được tập trung cho phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông. Triển khai các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện thủ tục đầu tư, công tác giải ngân và thi công công trình hạ tầng quan trọng như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình; Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông - Tây, tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I); Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.482 kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 10 và kết nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 12B, tỉnh Ninh Bình; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn I và giai đoạn II); Dự án Xây dựng cầu vượt sông Vân và đường dẫn phía Tây sông Vân, tỉnh Ninh Bình; Dự án xây dựng kênh kết hợp đường Vạn Hạnh (giai đoạn I); Dự án xây dựng tuyến đường Đinh Tiên Hoàng (giai đoạn II); Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường chính vào khu du lịch Kênh Gà và động Vân Trình (giai đoạn II); Dự án xây dựng tuyến đường du lịch kết hợp phát triển đô thị từ thị trấn Thiên Tôn đến Cố đô Hoa Lư (dự kiến khởi công công trình trong năm 2024)…
Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, chủ đầu tư và sự thống nhất của các nhà thầu, tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện tháng 10 năm 2024 trên địa bàn tỉnh đạt 3.144 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2023; lũy kế 10 tháng đạt gần 27.183 tỷ đồng, tăng 3,5%. Trong đó: vốn Nhà nước đạt 5.465,3 tỷ đồng, tăng 4,9%; vốn ngoài Nhà nước đạt 20.223,8 tỷ đồng, tăng 2,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.493,6 tỷ đồng, tăng 15,7%.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường Đông-Tây (giai đoạn I).
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng tạo ra động lực tăng tốc cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế-xã hội của tỉnh. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thường xuyên kiểm tra trực tiếp hiện trường và tổ chức các hội nghị chuyên đề để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một số dự án đầu tư công trong quá trình triển khai thực hiện.
Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh cũng quyết liệt khắc phục khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo kịp thời, đáp ứng yêu cầu tiến độ triển khai các dự án; trong đó: tập trung hoàn thiện thủ tục thẩm định, phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình để phấn đấu khởi công trong tháng 12/2024; tiếp tục hoàn thiện thủ tục dự án mở rộng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn để khởi công vào cuối tháng 11/2024. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, theo dõi về chất lượng, tiến độ thi công, công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường tại các dự án đang thi công trên địa bàn tỉnh.
Do vậy, lũy kế 10 tháng năm 2024, tổng số vốn giải ngân đạt 3.775,2 tỷ đồng, bằng 57,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (gồm: vốn ngân sách Trung ương 289,7 tỷ đồng, bằng 40,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 3.485,5 tỷ đồng, bằng 59,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Tuy nhiên, kết quả công tác giải ngân lũy kế 10 tháng chưa cao. Nguyên nhân được các ngành chức năng chỉ rõ, đó là: Công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án chưa cao, chưa lường trước hết các vấn đề phát sinh khi triển khai thực hiện các bước tiếp theo của dự án. Điều này dẫn đến, sau khi dự án được chấp thuận chủ trương, phê duyệt dự án và tiến hành triển khai các bước tiếp theo gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, làm kéo dài thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, chậm giải ngân.
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do gặp vướng mắc trong việc xác định nguồn gốc đất, đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành; việc xây dựng khu tái định cư còn chậm; một số hộ dân chưa chấp nhận phương án giải phóng mặt bằng; quy trình chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa mất nhiều thời gian, nhất là đối với những dự án có diện tích trên 10 ha.
Ngoài ra, một số chủ đầu tư còn chưa chủ động trong giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo, đề xuất phương án giải quyết với các cơ quan liên quan hoặc cấp có thẩm quyền trong giải quyết các thủ tục về đất đai như: chưa chủ động, kịp thời đăng ký nhu cầu, kế hoạch sử dụng đất; chưa tích cực kiến nghị, làm việc để giải quyết vướng mắc về đất đai…
Để đạt kết quả giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch đã đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, chủ đầu tư tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng tâm, quan trọng của quốc gia, của tỉnh và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thực hiện rà soát, đánh giá tình hình triển khai, khả năng giải ngân, hoàn thành của từng dự án; quyết liệt khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo kịp thời, đáp ứng yêu cầu tiến độ triển khai các dự án. Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án giao thông quan trọng như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình; phấn đấu hoàn thành Dự án cầu vượt sông Vân và khởi công Dự án mở rộng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, dự án Quốc lộ 38B theo kế hoạch đề ra.
Đồng thời, các ngành liên quan, các chủ đầu tư cần tăng cường kiểm tra, đốn đốc; phối hợp với đơn vị thi công lập đường găng tiến độ chi tiết cho từng dự án để chỉ đạo, theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình thi công; yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc vi phạm về tiến độ cũng như chất lượng công trình; trường hợp cần thiết, chấm dứt hợp đồng và thay thế ngay các nhà thầu khác. Khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước và hoàn ứng theo quy định.
Nguyễn Thơm - Anh Tuấn