Năm 2025, tỉnh Nam Định tiếp tục tăng tốc phát triển với hàng loạt dự án đầu tư chiến lược về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được xác định là khâu then chốt, mang tính quyết định đến thành công của các dự án, từ tiến độ thi công đến hiệu quả đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp, yêu cầu đặt ra cho Nam Định là vừa tiến hành tinh gọn bộ máy, vừa tăng tốc phát triển, tránh tình trạng tiến độ dự án bị chững lại trong giai đoạn chuyển tiếp. Vì vậy, công tác GPMB được tỉnh xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, cần được triển khai với tinh thần quyết liệt - đồng bộ - hiệu quả, tạo nền tảng bền vững cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Thi công tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển đoạn qua huyện Nam Trực.
Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo GPMB phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2022-2025 đã ban hành nhiều chỉ đạo quan trọng, yêu cầu các cấp, các ngành vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt, không chờ, không chậm, nhất là với các dự án mang tính động lực. Đặc biệt, tỉnh đã đổi mới cách làm, chủ động phân công, phân cấp rõ ràng, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương, cá nhân phụ trách theo từng lĩnh vực, từng đoạn tuyến. Tinh thần xuyên suốt là: chủ động xử lý vướng mắc tại chỗ, không đùn đẩy trách nhiệm, không chờ chỉ đạo mới triển khai. Ở tất cả các địa phương, từ cấp huyện đến cơ sở, sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý công việc đã tạo chuyển biến rõ rệt. Các “điểm nghẽn” lớn như xác định nguồn gốc đất, giá đất, phương án đền bù được các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ, khẩn trương rà soát, đối chiếu quy định, tham vấn ý kiến bộ, ngành Trung ương, sớm đưa ra hướng xử lý để tháo gỡ cho cơ sở. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng, nhất là tại các dự án thu hút đầu tư ngoài ngân sách như các khu, CCN (KCN Trung Thành, Hải Long, tổ hợp Thép Xanh Xuân Thiện tại Cồn Xanh - Nghĩa Hưng…). Thông tin về mục tiêu, lợi ích của dự án, quyền lợi của người dân được công khai, minh bạch, góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân, từ đó rút ngắn thời gian vận động, giải thích, đẩy nhanh tiến độ.
Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, tỉnh đặc biệt chú trọng tháo gỡ nút thắt GPMB để đảm bảo tiến độ thi công các hạng mục như dự án cầu Ninh Cường, các tuyến đường trục và đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng (CT08). Đáng kể, tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm cấp quốc gia, có ý nghĩa chiến lược trong liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bằng sông Hồng. Với chiều dài toàn tuyến 60,9km, đoạn trên địa bàn tỉnh Nam Định khoảng 27,6km, tuyến cao tốc đi qua 4 huyện: Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh và Xuân Trường. Tổng mức đầu tư khoảng 19.800 tỷ đồng. Ngay sau khi dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương dốc toàn lực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần khẩn trương - trách nhiệm - quyết liệt nhất chuyển hóa thành hành động cụ thể. Toàn tỉnh đã hoàn tất di chuyển mồ mả, phê duyệt phương án đền bù GPMB đất nông nghiệp cho 2.587/3.704 hộ dân, với tổng kinh phí khoảng 300 tỷ đồng, trong đó đã chi trả 180 tỷ đồng. Hai huyện Nghĩa Hưng và Nam Trực đã về đích sớm trong GPMB đất nông nghiệp, trở thành mô hình điển hình để các huyện Trực Ninh và Xuân Trường học tập, đẩy nhanh tiến độ. Công tác đo đạc, kiểm đếm đất ở cho 515 hộ dân, bố trí tái định cư cho 448 hộ cũng đang được các địa phương thực hiện một cách đồng bộ, bài bản, dân chủ và minh bạch. Tỉnh đặt mục tiêu bàn giao toàn bộ đất nông nghiệp trong tháng 4/2025 và hoàn tất GPMB đất thổ cư trước tháng 9/2025, thể hiện rõ quyết tâm “chạy đua với thời gian” để đảm bảo tiến độ thi công dự án.
Cùng với GPMB, các ngành, các địa phương cũng tăng tốc, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án chuyển tiếp, công trình trọng điểm; nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành những hạng mục lớn, đảm bảo thi công đúng kế hoạch. Trong đó, dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (tỉnh lộ 490) giai đoạn II, hiện đang hoàn thành các hạng mục hệ thống an toàn giao thông, công trình phụ trợ. Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển (tỉnh lộ 484) cầu Lạc Quần đã hợp long; đang bảo đảm tiến độ thi công tuyến theo kế hoạch Dự án xây dựng cầu qua sông Đào và đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B). Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang thúc đẩy tiến độ các công trình nhà số 2, 3, 4, 5, 6 và một số hệ thống kỹ thuật; đang hoàn thiện hồ sơ thực hiện thủ tục kiểm tra nghiệm thu công trình Nhà số 1 theo quy định…
Với mục tiêu tạo bứt tốc trong tăng trưởng kinh tế và không ngừng nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, hiện nay song song với việc thực hiện công tác sắp xếp bộ máy, tỉnh vẫn ưu tiên thúc đẩy các phần việc liên quan GPMB, thúc đẩy đầu tư các dự án trọng điểm; đặc biệt đang tích cực chỉ đạo rà soát, nghiên cứu, đưa vào kế hoạch đầu tư các công trình cấp bách, cấp thiết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kết nối, liên vùng. Đồng thời đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11), giai đoạn 1 từ thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đến thành phố Nam Định; nghiên cứu đề xuất lập dự án xây dựng tuyến đường trục cảnh quan kết nối Nam Định - thành phố Hoa Lư; dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Trần Nhật Duật đến đường Lạc Long Quân, thành phố Nam Định. Đây đều là những dự án có vai trò chiến lược trong định hình trục phát triển mới của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Hồng.
Những kết quả nổi bật này không chỉ cho thấy hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, mà còn phản ánh tinh thần quyết liệt, trách nhiệm và tầm nhìn xa của cấp ủy, chính quyền tỉnh Nam Định trước yêu cầu phát triển mới. Quan trọng hơn, tất cả đều hướng đến mục tiêu cao nhất: người dân được hưởng lợi tối đa từ các dự án phát triển - với hạ tầng hiện đại, dịch vụ tốt hơn và cơ hội sinh kế bền vững để tạo thế và lực mới cho yêu cầu bứt phá phát triển mạnh mẽ; hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng quan trọng trong liên kết vùng và đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Bài và ảnh: Thanh Thúy