Cơ quan chuyên môn nắm tình hình dịch bệnh trên đàn lợn tại thôn Đồng Bưởi, xã Trấn Yên.
Những ngày đầu tháng Bảy, không khí ở nhiều thôn trên địa bàn xã Trấn Yên như chùng xuống bởi lo lắng bao trùm các hộ chăn nuôi.
Ở một góc chuồng nhỏ đã được rắc vôi kín, anh Nguyễn Anh Nguyên lặng lẽ chăm sóc đàn lợn còn lại sau khi vừa buộc phải tiêu hủy 2 con lợn nái ngoại. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Nguyên vốn là người kỹ tính, luôn chủ động phòng dịch bằng mọi biện pháp có thể, như: tiêm đầy đủ vắc xin, rắc vôi, phun thuốc khử trùng hằng ngày và hạn chế người lạ ra vào khu chuồng nhưng dịch bệnh vẫn ập đến.
Cán bộ Thú y hướng dẫn hộ dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi hiệu quả.
“Khi phát hiện lợn ốm, gia đình báo ngay chính quyền thôn và xã để thú y về kiểm tra; phối hợp với thôn tiêu hủy luôn lợn chết và thực hiện khử trùng theo quy định. Tôi mong chính quyền giúp đỡ bà con nhanh chóng dập dịch, giảm thiệt hại về kinh tế” – anh Nguyên chia sẻ.
Cẩn thận, chủ động nhưng vẫn không thể tránh khỏi dịch. Trường hợp của gia đình anh Nguyên không phải cá biệt, mà là điển hình cho tình trạng hiện nay tại nhiều địa phương. Dù áp dụng đầy đủ biện pháp phòng dịch nhưng khi dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhập, người chăn nuôi hầu như chỉ còn cách tiêu hủy và chịu thiệt hại.
Gia đình bà Đào Thị Mai, thôn Đồng Sâm cũng đang điêu đứng vì dịch tả lợn châu Phi. Chuồng nuôi của gia đình có 31 con lợn, gồm cả lợn nái và lợn thịt. Chỉ trong vòng 1 tuần, 3 con lợn đã chết với tổng trọng lượng hơn 200 kg. Còn lại đều có dấu hiệu sốt cao, bỏ ăn, nổi mẩn đỏ – những triệu chứng điển hình của dịch tả lợn châu Phi.
Cơ quan chuyên môn lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm theo quy định.
Bà Mai buồn bã chia sẻ: Mấy hôm trước, lợn sốt cao, nổi mẩn đỏ, sau đó thì chết, mỗi ngày chết vài con. Tôi đã báo ngay cho thôn, xã cùng thú y huyện và phối hợp tiêu hủy. Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trong thôn, gia đình kiên quyết không bán lợn chết, thực hiện tiêu hủy theo đúng quy định.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản tỉnh Lào Cai, từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 39 hộ và 1 cơ sở giết mổ thuộc 9 xã, phường. Tổng cộng, đã có 274 con lợn bị tiêu hủy, với tổng trọng lượng hơn 12,7 tấn.
Đặc biệt, từ đầu tháng 7 đến nay, số ổ dịch xảy ra trên địa bàn nhiều xã, liên tiếp ghi nhận các ổ dịch tại phường Văn Phú, xã Quy Mông, xã Minh Lương và xuất hiện ổ dịch mới cần theo dõi, lấy mẫu xác định bệnh tại xã Mù Cang Chải, Trấn Yên. Nguy cơ trong thời gian tới dịch bệnh sẽ lây lan, phát sinh tại nhiều xã trong địa bàn tỉnh.
Hộ chăn nuôi chủ động vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại để ngăn chặn dịch bệnh.
Trước tình hình đó, chính quyền cơ sở đã khẩn trương vào cuộc, ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại các xã, phường được thành lập ngay khi ổ dịch đầu tiên được phát hiện.
Ông Nguyễn Tuấn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Trấn Yên cho biết: Xã đã phân công thành viên Ban chỉ đạo phụ trách từng thôn, phối hợp với cán bộ khuyến nông và thú y tỉnh tổ chức kiểm tra trực tiếp, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn bà con tiêu hủy đúng quy trình và lên phương án kiểm soát chặt dịch bệnh.
Không chỉ phản ứng nhanh khi dịch xuất hiện, các xã, phường đã tăng cường công tác tuyên truyền tại các thôn, bản, vận động người dân không giấu dịch, không vứt xác lợn chết bừa bãi, không tự ý mua bán, giết mổ khi chưa có kiểm định.
Ở cấp tỉnh, ngành chuyên môn cũng đang triển khai quyết liệt các biện pháp khoanh vùng và kiểm soát dịch bệnh. Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản đã cử cán bộ kỹ thuật đến từng địa bàn có dịch để kiểm tra, hỗ trợ xử lý ổ dịch.
Ông Nguyễn Huy Dương, Trưởng phòng Chăn nuôi thú y cho biết: Chúng tôi đã cấp phát trên 17.000 lít hóa chất và hơn 146.000 liều vắc xin cho công tác phòng chống dịch bệnh; đồng thời hướng dẫn người dân phun khử trùng khu vực chuồng trại, lối đi, bãi rác… và sử dụng vôi bột để tiêu độc định kỳ.
Dù ngành chức năng đang dốc lực hỗ trợ nhưng hiệu quả phòng dịch phụ thuộc rất lớn vào ý thức của người dân. Chỉ cần một hộ giấu dịch, một người vận chuyển lợn bệnh trái phép thì công sức của cả hệ thống chính trị sẽ đổ sông đổ biển. Vì vậy, các địa phương đã và đang siết chặt kiểm tra các điểm giết mổ, chợ đầu mối, các tuyến giao thông chính; lực lượng công an, quản lý thị trường, chính quyền xã, thôn phối hợp kiểm tra để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi được tăng cường; thông qua hệ thống loa truyền thanh, các cuộc họp thôn, cán bộ thú y cơ sở liên tục nhắc nhở, hướng dẫn người dân cách nhận biết triệu chứng sớm, quy trình báo cáo và xử lý khi phát hiện lợn ốm chết.
Cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh cho hộ chăn nuôi.
Dịch tả lợn châu Phi được dự báo sẽ diễn biến phức tạp nếu công tác phòng, chống không được triển khai quyết liệt và đồng bộ. Mỗi địa phương, mỗi hộ chăn nuôi cần chủ động thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, kịp thời phát hiện, xử lý ổ dịch sớm, không để dịch tả lợn châu Phi lan rộng.
Kim Thoa