Trước thực tế đó, các đơn vị, địa phương và ngành Giáo dục đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm pháp luật.
Theo thống kê, năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ giết người, 29 vụ cố ý gây thương tích, 5 vụ gây rối trật tự công cộng do 155 đối tượng là người chưa thành niên gây ra. Trong đó có 10 vụ (5 vụ giết người, 4 vụ cố ý gây thương tích, 1 vụ gây rối trật tự công cộng) liên quan đến 29 đối tượng là học sinh.
Ngoài ra, lực lượng Công an còn xử phạt vi phạm hành chính 22 vụ/66 trường hợp người chưa thành niên đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, trong đó có 9 vụ/35 trường hợp là học sinh.
Lực lượng Công an huyện Chư Păh tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh Trường Tiểu học Ia Nhin. Ảnh: M.P
Qua phân tích cho thấy, nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật một phần là do sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi học sinh và sự bùng nổ, khó kiểm soát của mạng xã hội. Thêm vào đó, do thiếu sự định hướng về ứng xử trên không gian mạng nên một số học sinh nhận thức lệch lạc, dẫn đến dễ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Đơn cử như vụ việc em P.N.N.H. (SN 2007, trú tại tổ 3, phường An Bình, thị xã An Khê, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi) bị đối tượng Trần Thị Minh Thư (SN 2005, trú tại thôn Tân Hiệp, xã Tân An, huyện Đak Pơ, học sinh Trường THCS và THPT Y Đôn) dùng dao đâm tử vong do mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook.
Hay vụ Tô Hồng N. (SN 2008, trú tại thôn 2, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) rủ Nguyễn Duy S. (SN 2008, trú cùng thôn) và 11 đối tượng khác đều là học sinh đến nhà đánh em N.T.T. (SN 2007, trú tại thôn 2, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh) bị thương nặng.
Hoặc vụ Trần Văn Q. (SN 2006, trú tại thôn Bình Trang, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt) rủ 12 đối tượng (có 7 học sinh) mang theo hung khí tìm Đinh Công Tr. (SN 2008, trú tại tổ 6, thị trấn Phú Thiện, học sinh cùng trường) để đánh nhau. Rất may, nhóm này đã bị tổ tuần tra của Công an huyện phát hiện và đưa về trụ sở làm việc.
Để ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, Trường THCS thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) thường xuyên triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục học sinh, phòng-chống bạo lực học đường. Cụ thể, nhà trường tổ chức các buổi ngoại khóa và lồng ghép trong các buổi sinh hoạt lớp để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, đồng thời thành lập Câu lạc bộ “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”.
Câu lạc bộ có 12 thành viên thường xuyên tuyên truyền về công tác phòng-chống bạo lực học đường. Cô Nguyễn Thị Trang-Tổng phụ trách Đội Trường THCS thị trấn Phú Hòa-thông tin: Nhà trường luôn chú trọng tuyên truyền về hệ lụy cũng như những biểu hiện bạo lực học đường để các em tránh xa. Mặt khác, nhà trường tổ chức diễn đàn để các em cùng sinh hoạt, thảo luận, đưa ra ý kiến xây dựng một tình bạn đẹp, không để xảy ra bạo lực học đường.
Cùng với đó, Công an huyện Chư Păh phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật tập trung dành cho học sinh 3 trường THPT và 10 trường THCS trên địa bàn.
Thầy Lê Văn Tàu-Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi-cho biết: “Trường có 18 lớp với hơn 800 học sinh. Để phòng ngừa bạo lực học đường, nhà trường thường xuyên phối hợp với Công an huyện tổ chức các buổi tuyên truyền và nhắc nhở các em về tình trạng, hành vi bạo lực học đường”.
Lực lượng Công an huyện Chư Păh tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng-chống tội phạm trên không gian mạng, phòng-chống bạo lực học đường kết hợp tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó tại Trường THCS Nghĩa Hưng. Ảnh: M.P
Cũng theo Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, bằng cách truyền đạt ngắn gọn, lấy ví dụ từ thực tiễn, lực lượng Công an huyện đã cung cấp cho các em học sinh những thông tin về thực trạng bạo lực học đường xảy ra trên cả nước; nguyên nhân, hậu quả của bạo lực học đường.
“Thời gian tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nội dung, hình thức phong phú nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh, định hướng xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường, xây dựng văn hóa học đường lành mạnh”-thầy Tàu nêu giải pháp.
Trong khi đó, ông Phan Công Đương-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phú Thiện-cho biết: Một phần nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật là do hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và rèn luyện kỹ năng ứng xử trước mâu thuẫn phát sinh cho học sinh chưa cao.
Ngoài ra, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội, chính quyền cơ sở trong quản lý học sinh thiếu thường xuyên, thiếu chặt chẽ, nhất là đối với học sinh cá biệt. Do vậy, các đơn vị trường học cần phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ giáo viên kiến thức về sử dụng internet, mạng xã hội hiệu quả.
Trong đó, tập trung vào một số điểm mạnh trong việc sử dụng mạng xã hội (trong học tập, giải trí…) và những nguy cơ học sinh có thể gặp phải; mở các lớp tập huấn về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn với nội dung phòng-chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường. Từ đó, các hoạt động này sẽ đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của học sinh trên môi trường mạng, hướng các em đến những hoạt động lành mạnh, phát huy tính sáng tạo trên môi trường mạng.
Để phòng ngừa, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, nhất là hành vi sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn, ngày 30-12-2024, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh, UBND cấp huyện chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tăng cường tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành pháp luật, nâng cao kỹ năng sống của bản thân
. Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, cơ sở giáo dục, trường THPT thực hiện công tác đảm bảo an ninh học đường, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh.
Đồng thời, có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với học sinh cá biệt, học sinh có mối quan hệ với các đối tượng phức tạp ngoài xã hội hoặc có kết quả học tập, rèn luyện xếp loại chưa đạt; thường xuyên kiểm tra đột xuất đồ dùng học tập của học sinh nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp mang theo vật cấm, hung khí đến trường để kịp thời thu giữ, phòng ngừa, không để xảy ra các vụ việc phức tạp trong trường học.
MINH PHƯƠNG