Năm 2025 được tỉnh xác định là năm nước rút để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra. Với khát vọng bứt phá mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới, ngay từ những ngày đầu năm, tỉnh đang tập trung khai thác tối đa các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời tạo đột phá trong các lĩnh vực mới, hướng tới một nền kinh tế xanh, hiện đại và hội nhập sâu rộng.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh đặc biệt chú trọng thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Các cấp, các ngành phải tận dụng tối đa lợi thế, quyết liệt hành động ngay từ đầu năm để duy trì và gia tăng tốc độ tăng trưởng. Cần tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, tăng cường đầu tư công, đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI chất lượng cao và mở rộng tiêu dùng nội địa để tạo sức bật cho nền kinh tế”.
Trên tinh thần đó, cả hệ thống chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã đồng loạt vào cuộc, triển khai giải pháp quyết liệt thúc đẩy các động lực tăng trưởng để đưa Nam Định bứt phá mạnh mẽ. Để trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định đang tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao và thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp địa phương với các tập đoàn lớn. Cùng với đó, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút FDI chất lượng cao, ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường. Các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp trọng điểm như Trung Thành, Hồng Tiến (Ý Yên), Hải Long (Giao Thủy), Nam Hồng (Nam Trực), Xuân Kiên (Xuân Trường), Minh Châu (Nghĩa Hưng)… đang được tăng tốc triển khai, sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư thứ cấp. Tỉnh tiếp tục tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, bao gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và mở rộng thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản; đồng thời chú trọng phát triển sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường để đáp ứng yêu cầu mới của thị trường quốc tế. Các cấp, các ngành chức năng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục, thúc đẩy tiến độ đầu tư dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng.
Bên cạnh công nghiệp đóng vai trò động lực dẫn dắt, nông nghiệp vẫn được xác định là trụ đỡ bền vững của nền kinh tế. Ngành Nông nghiệp và các địa phương đang đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, mở rộng mô hình hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Đồng thời, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, tạo động lực tăng trưởng đồng đều giữa khu vực đô thị và nông thôn. Huyện Giao Thủy đang tập trung xây dựng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lĩnh vực giáo dục, trong khi đó, các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu, Nam Trực phấn đấu hoàn thành mục tiêu NTM nâng cao. Chương trình OCOP tiếp tục được đẩy mạnh, không chỉ gia tăng số lượng sản phẩm đạt chuẩn (dự kiến thêm 40 sản phẩm 3 sao trở lên trong năm 2025) mà còn tập trung vào xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Không chỉ dừng lại ở phát triển công nghiệp và nông nghiệp, các ngành, các địa phương chú trọng nâng cao chất lượng các loại dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn uống, du lịch. Với lợi thế về di sản văn hóa và thiên nhiên, Nam Định đang phát triển 5 loại hình du lịch chủ lực gồm: Du lịch sinh thái thiên nhiên; du lịch văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề để thu hút du khách. Những điểm đến như: Đền Trần, Phủ Dầy; các làng nghề truyền thống như trồng hoa, cây cảnh Vị Khê, làm hoa giấy, múa rối nước Hồng Quang (Nam Trực), ươm tơ, dệt vải Cổ Chất, Cự Trữ (Trực Ninh)…; các không gian văn hóa làng quê đặc trưng tiêu biểu vùng đồng bằng Bắc Bộ như: làng cổ Cửu Khúc, cầu Ngói - Chùa Lương, làng kèn đồng Phạm Pháo, mô hình du lịch cộng đồng Ecohost Hải Hậu; tuyến du lịch tham quan phố cổ Nam Định; những nơi tiếp cận, giao thoa văn hóa phương Đông và phương Tây, gắn với văn hóa mở đất của cộng đồng cư dân các huyện miền biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng; các Khu du lịch biển Hải Thịnh, Quất Lâm; khu bảo tồn thiên nhiên, du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy… được quảng bá mạnh mẽ, hứa hẹn đóng góp tích cực vào tăng trưởng ngành dịch vụ. Phát triển thị trường trong nước được xác định là động lực quan trọng để kích thích sản xuất và tăng trưởng kinh tế vì vậy các ngành, các địa phương đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn để tăng cường tiêu thụ hàng Việt Nam, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế.
Trên quan điểm lấy đầu tư công làm đòn bẩy quan trọng để kích thích nền kinh tế, ngay từ đầu năm, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Các dự án, công trình trọng điểm, tạo nền tảng để thu hút đầu tư lớn, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế đang được tăng tốc triển khai gồm: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); cầu qua sông Đào; cầu vượt sông Đáy; tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11), giai đoạn 1 từ thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đến thành phố Nam Định; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần (giai đoạn II) và các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu tái định cư của các huyện, thành phố…
Cùng với các động lực truyền thống, tỉnh cũng chú trọng khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới: Tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Quan tâm xây dựng cơ chế đủ mạnh để thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao, công nghiệp văn hóa, năng lượng sạch…
Bằng việc quyết liệt thúc đẩy các động lực tăng trưởng, tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2025: Đạt mức tăng trưởng GRDP từ 10,5% trở lên, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội tăng 18%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 15% trở lên, giá trị xuất khẩu đạt 4 tỷ USD, thu ngân sách Nhà nước đạt 15.500 tỷ đồng... để tạo đà đưa Nam Định bứt phá mạnh mẽ.
Bài và ảnh: Thanh Thúy