Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/10/2025, sớm hơn 2 tháng so với mục tiêu ban đầu đã đề ra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Gần 209.000 căn nhà được hỗ trợ, hơn 111.000 căn đã hoàn thành
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, nhấn mạnh: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là việc làm có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, thể hiện rõ tính nhân văn, ưu việt của chế độ ta, hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng; tư tưởng “Dân là gốc”, “không để ai bị bỏ lại phía sau” mà Đảng, Nhà nước luôn kiên định.
“Mỗi căn nhà là một món quà, một tình thương, một mái ấm” thể hiện trách nhiệm, tình thương, tình đồng chí, nghĩa đồng bào, tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia của cả cộng đồng; thể hiện niềm tin, sự phấn khởi của nhân dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo báo cáo của Bộ Dân tộc và Tôn giáo – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, tính đến ngày 7/5/2025, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gần 209.000 hộ dân. Trong đó, hơn 111.000 căn đã hoàn thành, bàn giao để các gia đình ổn định cuộc sống, trên 98.000 căn đang trong quá trình xây dựng.
Đáng chú ý, trong 2 tháng qua kể từ Phiên họp thứ 3, số lượng căn nhà kiên cố được xây dựng đã tăng thêm gần 87.000 căn – minh chứng cho sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Thủ tướng nêu rõ, hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là nhiệm vụ hết sức ý nghĩa - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tính đến ngày 7/5/2025, có 15 địa phương đã không còn nhà tạm, nhà dột nát gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Cần Thơ, Khánh Hòa, Tây Ninh, Trà Vinh, Bình Phước, Vĩnh Long và Kiên Giang.
Trong tháng 5, để thiết thực kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 6 địa phương dự kiến hoàn thành chương trình gồm: Sơn La, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Long An và Hòa Bình. Tháng 6 sẽ có thêm 16 địa phương hoàn thành Chương trình, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Bình Thuận, Kon Tum, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Hà Giang, Hà Nam, Lai Châu.
26 địa phương còn lại phấn đấu hoàn thành trong các tháng 7 đến 10/2025, đúng theo tiến độ chung nhằm cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trước ngày 31/10/2025 – sớm hơn 2 tháng so với mục tiêu ban đầu.
Vẫn còn nhiều địa phương triển khai chậm
Bên cạnh những địa phương làm tốt, vẫn còn nơi chưa quyết liệt trong triển khai. Nhiều địa phương chậm khởi công, số nhà tạm, dột nát còn lớn; công tác thống kê, cập nhật dữ liệu chưa kịp thời; một số địa phương còn lúng túng trong xử lý các vướng mắc về đất đai, thủ tục, chưa nghiên cứu kỹ văn bản chỉ đạo từ Trung ương…
Bên cạnh đó, Chương trình được triển khai đồng loạt, trên quy mô lớn, trong thời gian ngắn nên gặp nhiều thách thức về nguồn lực, nhân lực và vật liệu xây dựng. Một số địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa có điều kiện đặc thù như địa hình hiểm trở, dân cư phân tán, người dân còn phụ thuộc vào phong tục chọn ngày, chọn tuổi… khiến việc thi công bị kéo dài.
Phân tích nguyên nhân của những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, một trong những vấn đề được Thủ tướng nhấn mạnh là ở những địa phương nào làm tốt đều có sự quan tâm, vào cuộc tích cực, quyết liệt của các đồng chí Bí thư, Chủ tịch. Trong khi đó, ở một số địa phương, ban chỉ đạo, người đứng đầu quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt.
Xác định rõ lộ trình và nhiệm vụ
Về định hướng tới, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu là không thay đổi, dứt khoát không để người dân nào phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát, "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước ngày 31/10/2025, sớm hơn 2 tháng so với mục tiêu ban đầu. Ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sĩ (xong trước ngày 27/7) và người có công với cách mạng (xong trước ngày 2/9).
Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Người đứng đầu các cơ quan, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có kết quả; nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật. Bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền, có phản ứng chính sách, giải pháp phù hợp, đúng thời điểm, xử lý ngay, dứt điểm các vấn đề phát sinh; báo cáo, đề xuất ngay những vấn đề vượt thẩm quyền. Đa dạng hóa nguồn lực thực hiện Chương trình theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Huy động sự vào cuộc của tất cả các lực lượng trên địa bàn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí. Kịp thời động viên, khen thưởng những nơi làm tốt và xử lý kỷ luật những nơi sai phạm, chậm trễ.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực truyền cảm hứng để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ, đồng hành trong triển khai thực hiện Chương trình với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Dân tộc và Tôn giáo theo dõi sát, thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến 31/10/2025 để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Chủ trì họp trực tuyến với các địa phương còn nhiều khó khăn trong triển khai để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc. Phối hợp Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh kinh phí từ các nguồn huy động và tiết kiệm chi thường xuyên, hoàn thành phân bổ trước 20/5/2025. Tổ chức sơ kết vào cuối tháng 6/2025 để kịp thời khen thưởng, điều chỉnh giải pháp phù hợp.
Với Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu cho phép địa phương tạm ứng ngân sách trong khi chờ phê duyệt chính thức về hỗ trợ nhà ở với người có công với cách mạng, đảm bảo trong tổng số nhà đã phê duyệt và số kinh phí đã báo cáo. Chủ trì trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân bổ kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ để các địa phương triển khai thực hiện.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn mức hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm thống nhất với mức hỗ trợ chung của Chương trình; hoàn thành trong tháng 5/2025. Chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ nhà ở thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hoàn thành theo mục tiêu đặt ra.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng trong hệ thống tích cực tham gia hỗ trợ và chuyển kinh phí hỗ trợ cho các địa phương.
Các cơ quan truyền thông được giao tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, xây dựng các tuyến bài truyền cảm hứng, lan tỏa tấm gương người tốt – việc tốt.
Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu kịp thời rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp tại địa phương phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sau khi sắp xếp để chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương, bảo đảm tính liên tục, không gián đoạn.
Ưu tiên tổ chức triển khai ngay hỗ trợ nhà ở cho người có công khi nhận nguồn kinh phí phân bổ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc huy động, vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ các hộ dân, tiết kiệm chi phí xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kịp thời nắm bắt và giải quyết ngay các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai. Tăng cường công tác truyền thông, kịp thời lan tỏa tấm gương điển hình, cách làm hay, sáng tạo. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, đúng đối tượng được hỗ trợ của số liệu rà soát; có trách nhiệm huy động nguồn lực bảo đảm cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Thủ tướng nêu rõ, hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là nhiệm vụ hết sức ý nghĩa, rất nặng nề nhưng hết sức vinh quang, là sứ mệnh, tình cảm của trái tim, lương tri, trách nhiệm với cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần "thời điểm đặc biệt, khí thế đặc biệt, nỗ lực đặc biệt tạo nên kết quả đặc biệt", đề cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân để triển khai Chương trình, hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Lê Đỗ