Quyết tâm cao nhất để cải thiện hiệu quả, chất lượng chuyển đổi số và CCHC

Quyết tâm cao nhất để cải thiện hiệu quả, chất lượng chuyển đổi số và CCHC
5 giờ trướcBài gốc
Dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Thu Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Văn Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh; lãnh đạo đại diện các sở, ngành, huyện, thành phố trong tỉnh.
Quang cảnh hội nghị.
Hội nghị nghe đại diện các cơ quan thường trực tham mưu chính cho tỉnh về chuyển đổi số, CCHC gồm Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh trình bày những nội dung: Báo cáo kết quả công tác CCHC năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Báo cáo kết quả xác định chỉ số CCHC các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố năm 2024. Báo cáo kết quả hoạt động chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2024. Dự thảo kế hoạch hoạt động chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2025 của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh. Báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06 năm 2024 và nhiệm vụ năm 2025. Báo cáo tổng kết việc thực hiện công tác kiểm tra công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024; giải pháp thực hiện năm 2025.
Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị.
Năm 2024, công tác CCHC của tỉnh tiếp tục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, các nhiệm vụ CCHC được triển khai thực hiện và hoàn thành theo đúng kế hoạch. Các văn bản được ban hành đúng theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL và có tính khả thi trong thực hiện. Công tác cải cách TTHC được đẩy mạnh, thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC để kiến nghị đơn giản hóa và triển khai nhiều giải pháp trong giải quyết TTHC mang lại hiệu quả thiết thực, giúp giảm công sức, thời gian đi lại, được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Qua rà soát, đánh giá 197 TTHC, có 91 TTHC có phương án kiến nghị đáp ứng yêu cầu, đã được Chủ tịch UBND tỉnh thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính. 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 96,87%. Bộ phận Một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện hiệu quả các mô hình “30 phút tăng thêm vì dân”.
Đồng chí Hoàng Thu Trang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh điều hành thảo luận.
Bộ máy các cơ quan, đơn vị tiếp tục được rà soát sắp xếp và quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể theo quy định. Số đơn vị sự nghiệp công lập khối chính quyền tỉnh Bắc Kạn có 373 đơn vị, giảm 02 đơn vị so với thời điểm tháng 12/2023. Sáp nhập các đơn vị sự nghiệp giáo dục thuộc UBND cấp huyện giảm 03 đơn vị so với năm 2023… Vị trí việc làm công chức, viên chức được rà soát, xây dựng điều chỉnh phù hợp theo quy định và thực tiễn.
Năm 2024, đã thực hiện tinh giản biên chế 29 công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện. Đã phê duyệt 2.247 vị trí việc làm của các cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện Cơ chế tự chủ về tài chính được duy trì thực hiện tại các cơ quan, đơn vị.
Hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Tỷ lệ người dân (từ 14 tuổi trở lên) có tài khoản định danh điện tử (đến cuối tháng 6/2024) đạt 58,9%. 98% hồ sơ sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh đã được khởi tạo trên hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe toàn dân. số lượng người dân đăng ký, sử dụng VssID đạt 66.692 người, tăng hơn 3.000 người so với năm 2023.
Đồng chí Hoàng Văn Thiên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu làm rõ một số nội dung đại biểu nêu.
Trên cơ sở kết quả thẩm định, sơ bộ kết quả xếp hạng, phân loại Chỉ số CCHC của các đơn vị cấp sở, cấp huyện năm 2024 cho thấy: Có 17 đơn vị cấp sở xếp hạng Tốt; 04 UBND cấp huyện xếp hạng Tốt. Tổng điểm trung bình của chỉ số CCHC các đơn vị 85,461/100 điểm, thấp hơn năm 2023 (90,766 điểm). Nhìn chung các đơn vị cấp sở, cấp huyện đạt loại khá và tốt với điểm trung bình ở mức khá cao, phản ánh những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị trong triển khai đồng bộ các nhiệm vụ CCHC.
Về công tác chuyển đổi số, năm 2024 tỉnh đã phê duyệt và cấp kinh phí triển khai 38 nhiệm vụ/dự án chuyển đổi số với tổng số kinh phí hơn 99.701 triệu đồng. Hạ tầng số và nhân lực số tiếp tục được tỉnh quan tâm đầu tư. Mạng lưới viễn thông của tỉnh đã kết nối thông suốt 4 cấp. Số thuê bao điện thoại trên địa bàn tỉnh đạt 355.492 thuê bao; số thuê bao điện thoại thông minh (smartphone) đạt 293.080 thuê bao (chiếm 89,9% dân số); mật độ thuê bao điện thoại đạt 100,9 thuê bao/100 dân; số thuê bao truy nhập Internet băng rộng (bao gồm di động và cố định FTTH) đạt 366.897 thuê bao (đạt tỷ lệ 112% dân số). Toàn tỉnh có 1.292 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn (gồm 6.207 thành viên).
Về nền tảng dữ liệu số, hiện tỉnh đang triển khai xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh song song với việc xây dựng cổng dữ liệu mở. Các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành của tỉnh như đất đai, cán bộ CCVC, lĩnh vực Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục… tiếp tục được duy trì, cập nhật, sử dụng. Về an toàn, an ninh mạng, trên 95% các hệ thống thông tin của tỉnh đã được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin. Trong đó đã phê duyệt 100% hệ thống thông tin cấp độ 3 của tỉnh.
Đồng chí Hà Kim Oanh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông, thảo luận tại hội nghị.
Về chính phủ số, trong năm hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã tiếp nhận, xử lý trên 172.000 hồ sơ giải quyết TTHC (đạt tỷ lệ 100% hồ sơ TTHC phát sinh); cung cấp 1.199 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành iOffice có gần 14 nghìn tài khoản người dùng. Tỷ lệ văn bản có bản gửi dưới dạng điện tử đạt 100%, tỷ lệ văn bản gửi hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt trên 97%.
Về kinh tế số, xã hội số có những bước tiến mới: 1.313/1.313 tổ chức, doanh nghiệp, HTX đã thực hiện đăng ký hóa đơn điện tử trên hệ thống. Việc triển khai ứng dụng thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Tỷ lệ người dân (từ 14 tuổi trở lên) có tài khoản định danh điện tử đến cuối tháng 6/2024 đạt 58,9%. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với CSDL ngành giáo dục và đào tạo, đã được triển khai thực hiện.
98% hồ sơ sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh đã được khởi tạo trên hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe toàn dân. Tỷ lệ lượt công dân đi khám, chữa bệnh sử dụng Căn cước gắn chip thay BHYT tăng từ 51% tại thời điểm tháng 12/2023 lên 64,5% năm 2024; chi lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng đạt 41,6%; chi bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản duy trì ở mức 100%; số lượng người dân đăng ký, sử dụng VssID đạt 69.378người, tăng hơn 6.000 người so với năm 2023.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh việc rà soát để có được kết quả thực chất trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và CCHC.
Bên cạnh kết quả đạt được, Hội nghị đã thảo luận, phân tích sâu vào những hạn chế, khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và CCHC như: Một số phần mềm hành chính công còn khó thao tác, lỗi kết nối, lỗi đường truyền thường xuyên xảy ra; trình độ dân trí chưa cao, hạ tầng đường truyền máy móc chưa đáp ứng được yêu cầu, có nơi tỷ lệ người dân có smartphone còn thấp, một bộ phận người dân còn lo ngại mất an toàn thông tin khi giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, chưa sẵn sàng sử dụng thanh toán qua tài khoản và giao dịch trực tuyến.
Vẫn còn một số phòng, ban cấp huyện vào cuộc chưa quyết liệt. Đội ngũ cán bộ công chức, nhất là ở cấp xã lực lượng mỏng, khối lượng công việc nhiều, dẫn đến tiến độ chậm. Nhiều xã còn vùng lõm sóng 4G. Có trường hợp dữ liệu thông tin quốc gia chưa khớp với thực tiễn. Việc chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính khiến người dân lo ngại gặp khó khăn khi giải quyết các thủ tục hành chính. Đồng thời, các ngành, địa phương đều chỉ ra được yếu tố con người có ý nghĩa quyết định trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC và chuyển đổi số. Điều đó đặt ra yêu cầu cần tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức, cầm tay chỉ việc cho cán bộ cấp xã.
Các thành viên Ban chỉ đạo còn phản ánh tình trạng nhiều đơn vị tụt hạng nhưng chưa chú trọng gửi tài liệu kiểm chứng kịp thời. Nhiều đơn vị có tăng thứ bậc nhưng điểm số giảm so với năm trước. Điều đó đặt ra vấn đề cần xem xét kỹ yếu tố chủ quan, thiếu sót dẫn đến kết quả thực hiện các chỉ số chưa được như mong muốn…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc đánh giá kết quả, đề ra mục tiêu phương hướng nhiệm vụ 2025 trong công tác chuyển đổi số, CCHC cần theo phương châm “rõ người, rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm”. Đồng chí yêu cầu các sở Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh phát huy hơn nữa vai trò cơ quan thường trực. Qua kết quả báo cáo của đoàn kiểm tra, các đơn vị địa phương cần nỗ lực khắc phục hạn chế đã được chỉ ra, nhất là những nội dung mất điểm do lỗi chủ quan. Các sở ngành, huyện, thành phố cần có giải pháp phù hợp để khắc phục các điểm số còn thấp, nâng cao các chỉ số một cách thực chất. Tăng cường chất lượng công tác tham mưu, nhất là việc khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy.
Sau hội nghị, các đơn vị phải rà soát đánh giá toàn diện các nội dung được chỉ ra, có minh chứng rõ ràng, đầy đủ, chính xác. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh rà soát hoàn chỉnh kết quả xác định các chỉ số CCHC, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành trong ngày 16/12.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp công nghệ thông tin phối hợp chặt chẽ trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số. Việc nâng cao chất lượng phần mềm cung cấp, khắc phục các vùng lõm sóng và đảm bảo dịch vụ trực tuyến thuận lợi cho người dân là những ưu tiên hàng đầu. Các sở, ngành, địa phương cần căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, tập trung khắc phục hạn chế, đồng thời quyết tâm cải thiện, nâng cao hiệu quả và chất lượng thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, CCHC trong thời gian tới./.
Đăng Bách
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/quyet-tam-cao-nhat-de-cai-thien-hieu-qua-chat-luong-chuyen-doi-so-va-cchc-post68035.html