Sáng 14/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp lần thứ 12 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU)với 28 địa phương ven biển.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Phiên họp lần thứ 12 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Sau 7 năm chống khai thác IUU (kể từ ngày 23/10/2017), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý với sự tham vấn đầy đủ từ phía EC, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU, phát triển bền vững ngành thủy sản.
Qua rà soát, thống kê, tổng số đội tàu cá cả nước là 84.536 chiếc; trong đó, tàu đã được đăng ký là 83.648 chiếc. Tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên tham gia hoạt động khai thác thủy sản đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đạt là 28.312 chiếc (đạt 100%).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Số lượng tàu cá không đủ điều kiện đi khai thác, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU đã được các địa phương lập danh sách, cập nhật trên hệ thống giám sát tàu cá và giao lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở theo dõi quản lý.
Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác được thực hiện chặt chẽ hơn trước. Đến nay, chưa phát hiện các trường hợp vi phạm IUU đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Việc giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước được rà soát, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc theo quy định pháp luật trong công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Kiểm tra, kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài được thực hiện đầy đủ theo quy định quốc tế và khuyến nghị của EC.
Công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU đã có những kết quả chuyển biến đáng kể. Theo đó, đã khởi tố 32 vụ hình sự liên quan hành vi môi giới, móc nối, xuất cảnh trái phép đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp đã giảm rõ rệtsau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (có hiệu lực từ ngày 01/8/2024).
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp; thực hiện quy định về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản đến nay chưa hoàn thành; việc kiểm soát chất lượng nhật ký khai thác chưa đảm bảo theo quy định; chưa chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá “3 không”. Kết quả xác minh, xử lý các hành vi vi phạm ngắt kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn rất thấp so với các vụ việc được phát hiện; nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý tại cảng cá hiện đang gặp nhiều khó khăn…
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung phân tích nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong công tác chống khai thác IUU và gợi mở các giải pháp triển khai tháo gỡ “thẻ vàng” IUU trong năm 2025; kiến nghị nhiều vấn đề để chuẩn bị đón đoàn thanh tra của EC sang làm việc lần thứ 5.
Đến nay, Hà Tĩnh có tổng số 4.112 tàu cá đã được đăng ký; toàn tỉnh đã cấp, gia hạn cho 4.071/4.112 giấy phép khai thác thủy sản, đạt 99,1% tăng 9,5% so với tháng 12/2024; cấp 309/359 tàu cá, đạt 86,1% giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá. Toàn tỉnh có 75/75 tàu cá đang hoạt khai thác thủy sản vùng khơi đã lắp đặt thiết bị VMS, đạt tỷ lệ 100%. Đến nay, đã cấp được 2.042/2.042 đăng ký tàu cá “3 không", đạt tỷ lệ 100%. Toàn tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, không có ngư dân bị bắt giữ vì tham gia khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Ưu tiên bố trí, điều động, tăng cường nhân lực, kinh phí, trang thiết bị cho các cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, đặc biệt là thời gian trước, trong và sau tết Nguyên Đán.
Khẩn trương rà soát, xác minh, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm khai thác IUU, ngắt kết nối VMS, gửi, vận chuyển thiết bị VMS, vượt ranh giới trên biển; môi giới, móc nối, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài…; xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 111/CĐ-TTg ngày 04/11/2024, Công điện số 127/CĐ-TTg ngày 05/12/2024, Thông báo Kết luận số 403/TB-VPCP ngày 31/8/2024 và các văn bản khác có liên quan.
Mở chiến dịch cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quyết liệt trong công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi khai thác IUU; kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, tiếp tay, dung túng cho hành vi khai thác IUU, ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của cả nước. Bên cạnh đó, kiên quyết ngăn chặn, không để tàu cá, ngư dân địa phương tiếp tục vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể, thời gian hoàn thành, kết quả đạt được cho từng cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan tại địa phương để chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 5.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; tập trung cao thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần chung tay cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” IUU trong năm 2025.
Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã ven biển chủ trì, chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch, chỉ đạo, kiểm tra các chủ tàu, yêu cầu chủ tàu cam kết, khẩn trương hoàn thành 100% đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định đối với các tàu cá đã được đăng ký.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan chịu trách nhiệm mở các đợt cao điểm thực thi pháp luật trong năm 2025 về tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến, tàu cá ra vào cảng, tại các cửa sông, cửa biển, bến cá tự phát, truyền thống; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Công an tỉnh chỉ đạo công an địa phương ưu tiên bố trí lực lượng thực hiện các đợt cao điểm trong điều tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Các đơn vị liên quan tập trung hoàn thành thủ tục, bàn giao, đưa vào sử dụng Dự án đầu tư và xây dựng cảng cá Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên) và Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng cảng cá Thạch Kim (Thạch Hà).
Thái Oanh