Khu bảo tồn Alto Maues của Brazil. (Nguồn: www.wwf.org.br/TTXVN)
Kết quả này khẳng định lại cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của quốc gia Nam Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhất là khi Hội nghị lần thứ 30 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP30) đang đến gần.
Báo cáo của cơ quan giám sát môi trường MapBiomas công bố tháng 5/2025 cho thấy, nạn phá rừng ở tất cả các vùng sinh thái tự nhiên của Brazil đã giảm trong năm 2024.
Cụ thể, trong năm vừa qua, tổng diện tích rừng bị phá ở Brazil là khoảng 1,24 triệu ha, giảm 32,4% so với năm 2023. Dù vậy, bất chấp những tiến bộ đạt được, trong năm 2024, quốc gia Nam Mỹ vẫn mất khoảng 3.403ha thảm thực vật bản địa mỗi ngày.
có 6 quần xã sinh vật, mỗi quần xã có điều kiện khí hậu, thảm thực vật và động vật riêng. Tại khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất hành tinh Amazon, trung bình 1.035ha bị phá hủy mỗi ngày do hoạt động khai thác gỗ, tương đương 7 cây bị đốn mỗi giây, chủ yếu để lấy đất canh tác.
Còn Cerrado - thảo nguyên nhiệt đới giàu đa dạng sinh học, đã trở thành quần xã sinh vật bị ảnh hưởng nhiều nhất do nạn phá rừng trong năm thứ hai liên tiếp.
Dù diện tích rừng mất đi vẫn cao, song những thành quả mà Brazil đạt được trong nỗ lực giảm nạn phá rừng là rất đáng ghi nhận, tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của quốc gia Nam Mỹ này về việc xóa bỏ nạn phá rừng bất hợp pháp vào năm 2030.
Brazil còn đặt mục tiêu trở thành quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu, trong đó khả năng hấp thụ carbon của rừng đóng vai trò chủ chốt.
Mới đây, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cũng đã công bố khoản đầu tư kỷ lục trị giá 146 triệu USD cho Quỹ Amazon, nhằm thực hiện kế hoạch toàn diện kéo dài 5 năm, qua đó tăng cường mạnh mẽ công tác chống nạn phá rừng ở Amazon.
Với nguồn lực tài chính mới, dự án sẽ đầu tư mạnh vào trang thiết bị công nghệ cao, như máy bay lên thẳng cỡ lớn có trang bị bảo vệ đạn đạo, thiết bị bay không người lái thế hệ mới và xây dựng các căn cứ không quân, bãi đáp máy bay trong rừng rậm Amazon.
Ngoài ra, trung tâm đào tạo nhân sự cũng dự kiến được xây dựng. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng trong giám sát và xử phạt từ xa…
Brazil đang có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đăng cai tổ chức COP30 vào tháng 11 tới.
Coi trọng những cam kết thực chất về chống , trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu tiếp tục có những “cơn gió ngược”, nước chủ nhà Brazil kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia COP30.
Giới chức Brazil nhấn mạnh, việc chính phủ Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu đã “làm suy yếu chủ nghĩa đa phương”, tuy nhiên, đàm phán toàn cầu vẫn được phần lớn các nước trên thế giới ủng hộ và đây là “cách duy nhất” để chống biến đổi khí hậu.
Kêu gọi thế giới cùng chia sẻ trách nhiệm, Brazil hy vọng vào “một chương trình nghị sự tốt nhất có thể” cho Hội nghị tháng 11 năm nay.
Đồng thời, nước chủ nhà thừa nhận một trong những khía cạnh phức tạp nhất trong đàm phán là đạt đồng thuận về tăng viện trợ cho các nước đang phát triển để thực hiện cam kết về bảo vệ rừng.
Tại COP29, nguồn tài trợ này do các nước giàu nhất cung cấp được ấn định ở mức 300 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, số tiền này được cho là không đủ. Do đó, COP30 đặt mục tiêu nâng nguồn tài chính lên mức 1.300 tỷ USD vào năm 2035.
COP30 là sự kiện quan trọng trong năm, đánh dấu 10 năm thông qua Hiệp định Paris và đây là cơ hội để các quốc gia đưa ra cam kết mới nhằm giảm lượng khí thải nhà kính, trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu lên tới đỉnh điểm.
Dưới thời Tổng thống Lula da Silva, Brazil cho thấy quyết tâm lớn nhằm khẳng định vị trí tiên phong trong các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, với việc giảm đáng kể nạn phá rừng ở Amazon.
Với tinh thần đó, chính phủ Brazil mong muốn COP30 đạt nhiều kết quả thực chất hơn nữa và trở thành “di sản” trong việc đổi mới các cam kết giảm khí phát thải gây ô nhiễm toàn cầu.
TÙNG ANH