Thông qua hoạt động của HĐND, cử tri và Nhân dân trong tỉnh có thể bày tỏ quan điểm, tiếng nói về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ảnh: Khôi Nguyên
“Chìa khóa” để giữ vững kỷ luật, kỷ cương
Trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, công tác kiểm tra, giám sát đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi kiểm tra, giám sát không chỉ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; mà còn góp phần giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh và ngăn ngừa, khắc phục những tiêu cực trong Đảng. Thậm chí, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, rằng “không có kiểm tra coi như không lãnh đạo”. Do đó, công tác kiểm tra, giám sát cần được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy phòng ngừa, lấy xây là chính.
Xuất phát từ yêu cầu, vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của kiểm tra, giám sát, nên công tác đấu tranh PCTNLPTC mà Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh hiện nay, kiểm tra, giám sát trở thành một “thanh bảo kiếm” sắc bén. Trong nhiều nội dung được chú trọng thì việc kiểm tra, giám sát về cán bộ và công tác cán bộ được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Bởi đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực là cuộc đấu tranh trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị và ngay trong mỗi con người (nhất là cán bộ có chức, có quyền). Thông qua kiểm tra sẽ góp phần giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, phát hiện và sử dụng người tài; khắc phục những biểu hiện mà dư luận xã hội đang rất bức xúc và lên án như tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy huân chương... Nói cách khác, kiểm tra, giám sát tốt về cán bộ và công tác cán bộ, sẽ góp phần giải quyết tận gốc tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTNLPTC, những năm qua, Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm. Trong đó, đã hoàn thành toàn bộ chương trình kiểm tra, giám sát năm 2024; đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch luân chuyển cán bộ ngành kiểm tra Đảng trong Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2024-2025; chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh, các tập thể và cá nhân có liên quan tập trung khắc phục các vi phạm, khuyết điểm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra.
Kết quả, trong năm các cấp ủy, tổ chức đảng đã kiểm tra 2.357 tổ chức đảng cấp dưới và 4.878 đảng viên, giám sát 2.345 tổ chức đảng và 5.389 đảng viên. Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 18 tổ chức đảng và 797 đảng viên, kết luận 14 tổ chức đảng và 744 đảng viên có vi phạm. Cấp có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật 14 tổ chức đảng (gồm 6 đảng ủy cơ sở và 8 chi ủy), bằng các hình thức gồm khiển trách 12, cảnh cáo 2; thi hành kỷ luật 871 đảng viên, bằng các hình thức gồm khiển trách 612, cảnh cáo 122, cách chức 3 và khai trừ 134. Các nội dung vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên chủ yếu liên quan đến việc thực hiện quy chế làm việc; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện nhiệm vụ đảng viên; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
Có thể nói, việc tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp, đã và đang góp phần giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, cũng như tạo ra “lá chắn” giúp ngăn ngừa và khắc phục những tiêu cực trong Đảng bộ tỉnh. Đồng thời qua đó giúp các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân, cũng như tạo được dư luận xã hội tốt và sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Lắng nghe tiếng nói của Nhân dân
Một trong những nhân tố tạo nên sức mạnh và động lực to lớn trong công cuộc đấu tranh PCTNLPTC mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành là nhận được sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng tham gia tích cực của Nhân dân và cả hệ thống chính trị. Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công. Dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng; phải “động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia mới chắc chắn thành công”, như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu”.
Tin vào sức mạnh của Nhân dân hay “lấy dân làm gốc” là “mệnh đề” luôn đúng và điều này càng đúng với công cuộc đấu tranh PCTNLPTC hiện nay. Bởi lẽ, với mạng lưới rộng khắp, mỗi người dân sẽ là một cơ sở phát giác và cung cấp thông tin liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cho các cơ quan có thẩm quyền. Nói cách khác, việc phát huy tối đa quyền giám sát của Nhân dân thì mỗi người dân sẽ trở thành “tai mắt” của Đảng, Nhà nước. Chưa kể, cùng với vai trò giám sát, Nhân dân cũng đại diện cho nguồn lực trí tuệ tổng hợp trong phản biện và xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đấu tranh PCTNLPTC thông qua các cơ quan dân cử, qua MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, thông qua dư luận Nhân dân cũng góp phần thúc đẩy quá trình vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền, để nhanh chóng xem xét, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong xã hội. Đồng thời tạo áp lực phải minh bạch hóa việc cung cấp thông tin, giải trình các hoạt động thực thi quyền lực mà Nhân dân được quyền giám sát theo quy định của pháp luật.
Xác định rõ vai trò chủ thể của Nhân dân, nên trong quá trình thực thi các chính sách nói chung và đấu tranh PCTNLPTC nói riêng, tỉnh Thanh Hóa luôn luôn coi trọng lắng nghe tiếng nói của Nhân dân. Điều này được thể hiện rõ trên nhiều lĩnh vực, nhiều phương diện, trong đó nổi bật là việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của người dân. Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết 1.023/1.120 vụ việc khiếu nại, đạt 91%. Trong đó, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại 598 vụ; có 425 vụ việc công dân rút đơn khiếu nại thông qua đối thoại, giải đáp chính sách, pháp luật; còn 97/1.120 vụ việc (chiếm 9%) đang trong thời hạn xác minh giải quyết theo quy định. Qua giải quyết khiếu nại đã giải quyết quyền lợi cho các cá nhân với số tiền 1,36 tỷ đồng và 755m2 đất. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng đã giải quyết 79/102 vụ việc tố cáo, đạt 77%; còn 23 vụ đang trong thời hạn giải quyết. Qua giải quyết tố cáo đã có 19 cá nhân bị xử lý hành chính (trong đó có 10 cán bộ, công chức, viên chức), thu hồi cho Nhà nước 139,4 triệu đồng. Cũng qua tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của người dân cho thấy, nhiều vụ việc liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tương đối phức tạp. Do đó, để nhanh chóng ổn định tình hình, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, tổ chức nhiều hội nghị để tìm biện pháp giải quyết. Đồng thời, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã tiếp, đối thoại trực tiếp với công dân.
“Trị tận gốc” mầm mống tham nhũng
Để góp phần hội tụ sức mạnh, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đang tập trung thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ “cuộc cách mạng” tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Bởi lẽ, sự cồng kềnh của bộ máy không chỉ gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển; mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống. Đó là chưa kể, sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau... Đặc biệt, tinh gọn bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Điều này không chỉ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và giảm áp lực ngân sách; mà còn là cơ sở để giải quyết tận gốc các bất cập, tồn tại trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay như đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực.
Đối với công tác đấu tranh PCTNLPTC, thì việc tinh gọn bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, tinh thần cống hiến... cũng chính là cơ sở để “trị tận gốc” mầm mống tham nhũng, tiêu cực. Bởi lẽ, phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, song vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Đồng thời, phải thực hiện đồng bộ các biện pháp từ chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự. Đặc biệt, phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, “lợi ích nhóm”...
Bởi “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải luôn luôn thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ, rằng “Đảng ta là một đảng cầm quyền”, “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Từ đó, đề cao đức tính liêm khiết, chính trực, trọng liêm sỉ, giữ gìn danh dự của mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa công vụ, văn hóa tiết kiệm, văn hóa liêm chính và thực hiện tốt quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong từng cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, để “trị tận gốc” mầm mống tham nhũng, tiêu cực thì phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTNLPTC. Từ đó, khắc phục những bất cập và bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để các hành vi tham nhũng, tiêu cực không có cơ hội được thực hiện.
Khôi Nguyên