Các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện E tiến hành ghép phổi cho bác sĩ Đặng Thái Mạnh.
Trận đánh cam go tối 27/11/2024
Sáu tháng trước, cuộc đời bác sĩ Đặng Thái Mạnh (28 tuổi, ở Phú Thọ Hòa, Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) đã không còn tìm thấy tia hy vọng. Mạnh không còn đủ sức đi làm, phải đeo máy thở oxy hoàn toàn 6 tháng qua. Tháng 8/2024, tình trạng tăng áp lực động mạch phổi khiến chàng trai 28 tuổi suy kiệt.
Nghĩ về cuộc đời mình chỉ 4 năm trước, Mạnh không khỏi chua xót, than thân, trách phận. Trước năm 2021, Mạnh là bác sĩ nhiều hoài bão khi công tác tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn. Chàng trai trẻ này sở hữu cơ thể cân đối và yêu thích chạy marathon, có thể chạy với chặng đua 21km.
"Ba năm ra trường là khoảng thời gian tươi đẹp nhất", Mạnh nheo mắt, hít thở nặng nhọc nghĩ lại khoảnh khắc cuộc đời mình bước sang một trạng thái khác. Mạnh bảo, đó là trạng thái không còn là mình, không còn thể thở khỏe mạnh với những cơn ho liên tục ập đến, hụt hơi, gắng sức khi phải làm gì.
Khoảng giữa năm 2023, Mạnh sụt cân nghiêm trọng, có thời điểm chỉ còn vỏn vẹn 49kg. Theo bệnh án của Mạnh tại Bệnh viện Phổi Trung ương, mỗi khi lên cầu thang, anh không thể bước quá 4 bậc, chức năng phổi chỉ còn khoảng 20%. Tình trạng khó thở tăng dần và tăng áp động mạch phổi khiến sự sống như ngàn cân treo sợi tóc.
Ca ghép phổi thành công cho người bệnh.
Tháng 8/2024, Mạnh được đưa vào danh sách chờ ghép phổi quốc gia. "Giai đoạn này đầy hy vọng mong manh", Mạnh kể, rồi trở về TP Hồ Chí Minh để tiếp tục cuộc sống nhờ sự trợ giúp của máy thở oxy.
Ngày 27/11, sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm điều phối tạng quốc gia về một ca chết não hiến tạng tại Bệnh viện Quân y 103. Bệnh viện Phổi Trung ương ngay lập tức phối hợp với các bệnh viện, đơn vị liên quan thực hiện điều phối thành công phổi hiến từ Bệnh viện Quân Y 103.
Bài toán thách thức nhất lúc này là làm sao để kịp thời di chuyển Mạnh từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để kịp thời nhận phổi hiến. Thời gian để làm các xét nghiệm hòa hợp miễn dịch tương đồng mất nhiều thời gian. Tạng lấy ra ngoài cần tuân thủ quy trình ghép (về thời gian thiếu máu nóng, thiếu máu lạnh)…
"Nhờ có sự phối hợp và sự hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân, tất cả các vấn đề khó khăn nhất đều được giải quyết", bác sĩ Đinh Văn Lượng cho hay.
May mắn, cùng với sự giúp đỡ của ban giám đốc Bệnh viện Quân y 103, và các kíp lấy tạng khác, Bệnh viện Phổi trung ương đã điều phối và thực hiện ghép thành công trong thời gian tiêu chuẩn, đánh dấu lần đầu tiên phổi hiến tại Hà Nội được điều phối thành công cho người bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bệnh viện, giữa các chuyên gia trong việc lấy, vận chuyển, và thực hiện ghép.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bích Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng nhóm điều phối phẫu thuật ghép phổi cho biết, đây là lần đầu tiên phổi hiến từ người cho chết não tại Hà Nội được điều phối thành công cho người bệnh tại TP Hồ Chí Minh. Tất cả các ê kíp phải phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp.
Cuộc phẫu thuật ghép phổi kéo dài 16 giờ xuyên đêm từ tối 27/11 kéo dài sang ngày 28/11. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân bị mất máu rất nhiều, các bác sĩ đã phải truyền tới 27 lít máu để cứu sống người bệnh.
Thách thức nối dài sự sống cho người bệnh
Sau ca ghép phổi, Mạnh gặp không ít biến chứng, trong đó nặng nhất là tình trạng 2 lần bị phù phổi cấp, phải chạy ECMO. 15 ngày thở máy cộng thêm hàng loạt những biến chứng đã xảy ra, các y, bác sĩ vẫn từng chút một, điều chỉnh và ra những quyết định tốt nhất để cứu sống bệnh nhân. Có giai đoạn, sự sống bệnh nhân vô cùng mong manh như không ai buông xuôi. Các nhân viên y tế động viên nhau cố gắng để Mạnh được hồi sinh.
Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, ca ghép phổi này đã minh chứng cho năng lực điều phối, phối hợp tổ chức, tối ưu phương tiện kỹ thuật, con người giữa các đơn vị y tế trong việc thực hiện một kỹ thuật cao nhất trong y học.
Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong những thành viên tham gia ca ghép phổi cho biết, các phẫu thuật viên ghép phổi là một trong những mắt xích rất nhỏ của cả hệ thống và quy trình ghép phổi. Nếu không có những y bác sĩ theo dõi, chăm sóc trước và sau ghép, thì ca ghép phổi không thể thành công như ngày hôm nay, để chúng ta chứng kiến bệnh nhân đang hồi phục, khỏe mạnh từng ngày.
Bác sĩ Đặng Thái Mạnh (giữa) khỏe mạnh sau ca ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương.
Trong ngày khỏe mạnh, được nói lời cảm ơn tới tập thể các y, bác sĩ, Mạnh chia sẻ: "Trước đây khi làm bác sĩ, em không nghĩ gì nhiều, nhưng đến khi phải 'đóng vai' làm bệnh nhân em thấy rất cực. Với em, không bao giờ có từ bỏ cuộc, một khi mình đã bước đi thì không có đường nào để lùi nữa".
Mạnh đang hồi phục và giấc mơ trở lại nghề bác sĩ của mình cũng đang là tương lai gần. Anh mong muốn ngành y tế Việt Nam sẽ có những chính sách để ngày càng nhiều bệnh nhân có cơ hội được ghép tạng giống mình.
Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng cho biết, đây là ca ghép phổi thứ 3 thực hiện tại Bệnh viện Phổi Trung ương trong năm 2024, đây là một số lượng tiệm cận của các nước trong khu vực, và đạt ở mức thành công như các Trung tâm ghép phổi lớn trên thế giới.
Thành công từ ca bệnh này cho thấy năng lực chuyên môn của các bệnh viện trung ương nói chung, bệnh viện phổi trung ương nói riêng đã lên một tầm cao mới, một chuẩn mực quốc tế, có thể nói ghép tạng phổi sẽ là một kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện Phổi Trung ương, đưa bệnh viện thành một trung tâm ghép phổi vùng.
THIÊN LAM