Quỳnh Lương và chuyện nghệ sĩ nổi tiếng phơi bày đời tư lên mạng: Xấu xí và...

Quỳnh Lương và chuyện nghệ sĩ nổi tiếng phơi bày đời tư lên mạng: Xấu xí và...
một giờ trướcBài gốc
Mới đây trên Facebook cá nhân, diễn viên Quỳnh Lương gây chú ý khi đăng bài tố chồng cũ thiếu trách nhiệm chăm sóc con chung. Sau bài viết này, cô tiếp tục đăng thêm 2 bài đáp trả chồng cũ kèm video quay tin nhắn giữa hai người.
Vụ việc thu hút hàng nghìn người dùng mạng quan tâm bình luận và chia sẻ.
Đáng chú ý, trong loạt tin nhắn giữa Quỳnh Lương và chồng cũ, người dùng mạng nhận ra sự bối rối, khó xử của cậu con trai 12 tuổi khi vừa xin lỗi bố vừa xoa dịu mẹ. Ban đầu, em không đồng ý việc Quỳnh Lương công khai tin nhắn nhưng cuối cùng vẫn chiều theo ý mẹ.
Diễn viên Quỳnh Lương. Ảnh: Tư liệu
Khi người nổi tiếng xả "rác" đời tư vào không gian chung
Với lợi thế sở hữu sức ảnh hưởng và kênh cá nhân có hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người theo dõi, nghệ sĩ nói riêng và người nổi tiếng nói chung có xu hướng đăng tải các tranh chấp, mâu thuẫn cá nhân lên mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau.
Không ít trường hợp gây ồn ào, ảnh hưởng không gian chung của người dùng mạng. Cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, vụ rùm beng giữa streamer ViruSs và một số cô gái thu hút sự quan tâm của hàng triệu người.
Cụ thể, streamer ViruSs xung đột với một số cô gái, trong đó có rapper Pháo, ca sĩ Emma Nhất Khanh và hot girl Ngọc Kem, trong mối quan hệ riêng tư.
Nếu ViruSs mở phòng livestream có đến 1,5 triệu người theo dõi trực tuyến thì Ngọc Kem và Emma Nhất Khanh cũng cùng nhau livestream, lôi kéo nhiều cô gái khác, hút hơn 1,1 triệu người hóng hớt. Các bài viết trên mạng xã hội cũng đạt vài nghìn đến hàng chục nghìn lượt tương tác.
Vụ việc kéo dài nhiều ngày, choán hết dư luận dù tất cả chỉ xoay quanh mâu thuẫn trong quan hệ đời tư của họ.
Từ một hot girl vô danh, Ngọc Kem tăng mạnh lượng người theo dõi và tương tác sau vụ ồn ào với streamer ViruSs. Ảnh: Instagram nhân vật
Một vụ việc tương tự là diễn viên Phương Lan và chồng cũ - nhà sản xuất Phan Đạt "tố" nhau trên Facebook.
Xuất phát từ mâu thuẫn hôn nhân, Phan Đạt đăng đàn chỉ trích một số nghệ sĩ là đồng nghiệp của vợ cũ tại Sân khấu Thế Giới Trẻ. Những câu chuyện giật gân, không có chứng cứ vẫn thu hút hàng chục nghìn người quan tâm. Hai nhân vật không mấy tên tuổi bỗng được nhắc liên tục nhiều ngày trên tất cả phương tiện truyền thông đại chúng.
Nổi cộm nhất trong khoản chủ trương "xả rác" không gian mạng không thể thiếu người đẹp Nam Em. Trong bối cảnh không có công việc ổn định, cô này thường xuyên livestream bình luận chuyện thị phi trong showbiz, thậm chí rủ Quế Vân cùng tung tin đồn.
Các câu chuyện như: "Ngọc nữ Vbiz" sử dụng chất kích thích; ngôi sao hạng A vô ơn... được kể phiếm chỉ, huyền ảo hơn cả truyện liêu trai vẫn khiến người dùng mạng - với tâm lý luôn tò mò về đời tư của người nổi tiếng và dễ bị dẫn dắt, kích động - bàn tán, gây ô nhiễm không gian mạng và phiền toái cho một số nghệ sĩ khác.
Nam Em - người nổi tiếng tiêu biểu "xả rác" không gian mạng. Ảnh: FBNV
Sau khi bị phạt 37,5 triệu đồng do cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân và xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc, Nam Em vẫn tiếp tục livestream với phát ngôn có phần chừng mực hơn.
Ranh giới giữa tự bảo vệ và "xả rác" không gian mạng
Nhìn nhận khách quan, kênh cá nhân là công cụ hữu hiệu giúp nghệ sĩ, người nổi tiếng tự bảo vệ mình trong các tranh chấp ngoài phạm vi điều chỉnh trực tiếp của pháp luật, đặc biệt là kiểu xung đột có nguy cơ phương hại đến hình ảnh, danh dự và uy tín - yếu tố sống còn trong môi trường hoạt động của họ.
Cần phân biệt việc nghệ sĩ, người nổi tiếng sử dụng kênh cá nhân để tự vệ và lạm dụng để công kích cá nhân, pháp nhân, tổ chức khác; thậm chí chủ trương "xả rác" không gian mạng với mục đích riêng như để nổi tiếng hơn, kích động dư luận... Tuy nhiên, đâu là ranh giới?
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhận định người nổi tiếng - sống trong sự quan sát và bình luận của đám đông - hiểu rõ hiệu quả của việc lên tiếng trên mạng xã hội nhanh chóng, trực diện và tác động mạnh hơn các kênh truyền thông truyền thống hay các thủ tục pháp lý vốn thường chậm chạp, phức tạp.
Người đẹp Diệp Lâm Anh dùng mạng xã hội bảo vệ danh dự cá nhân một cách chừng mực. Ảnh: Tư liệu
Ngoài ra, trong môi trường mà hình ảnh cá nhân gắn chặt với giá trị thương mại, việc bị tố cáo, hiểu nhầm mà không kịp phản hồi lập tức có thể gây thiệt hại khôn lường. Vì vậy, mạng xã hội trở thành “lá chắn” nhanh nhất để họ bảo vệ danh tiếng, kể cả khi phải công khai những góc khuất đời tư.
Dù vậy, ông Long nhấn mạnh nếu chọn lên tiếng trên mạng xã hội thay vì báo chí hay các kênh truyền thông chính thống, người nổi tiếng cần ý thức rõ mình đang bước vào một không gian không có bất kỳ bộ lọc nào bảo vệ họ khỏi những hậu quả truyền thông - cả tích cực lẫn tiêu cực.
"Nếu chia sẻ qua báo chí, thông tin từ họ luôn được xử lý bởi một bộ lọc chuyên nghiệp. Các nhà báo sẽ chủ động lược bỏ những chi tiết mang tính đời tư quá mức, những phát ngôn cảm tính hoặc thông tin chưa kiểm chứng có thể gây hại về mặt pháp lý. Đó là một cơ chế 'kiểm duyệt mềm' giúp bảo vệ người phát ngôn tránh khỏi sự bồng bột.
Ngược lại, khi phát ngôn trên mạng xã hội, mọi giới hạn đều phụ thuộc vào sự tỉnh táo của chính người đó. Họ không còn ai làm 'người gác cổng' thông tin. Không chỉ việc kiềm chế cảm xúc cá nhân, tránh lôi kéo đám đông hay không sử dụng lời lẽ kích động mà quan trọng hơn cả, họ cần tự trang bị cho mình những 'bộ lọc' riêng giống như một tòa biên tập nội tâm để xử lý nội dung trước khi nhấn nút đăng", chuyên gia cho hay.
Không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng có thói quen tung hê mọi tranh chấp cá nhân, riêng tư lên mạng xã hội, biến không gian mạng thành bãi "chiến trường". Ảnh: Tư liệu
Ông Long gợi ý, những 'bộ lọc' vừa đề cập không phải cảm tính hay kinh nghiệm đơn thuần mà nên được xây dựng từ kiến thức về:
- Truyền thông và báo chí, để hiểu thông tin mình đưa ra sẽ bị diễn giải, chia sẻ và thậm chí bóp méo ra sao.
- Pháp luật, để biết đâu là ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận và hành vi vi phạm pháp luật như vu khống, xúc phạm danh dự, tiết lộ đời tư.
- Văn hóa và đạo đức cộng đồng, để đảm bảo rằng phát ngôn không đi ngược với các chuẩn mực xã hội, không gây tổn thương đến những nhóm người dễ bị tổn thương.
Ông tin rằng chỉ khi người nổi tiếng xem việc phát ngôn trên mạng xã hội là hành vi truyền thông có trách nhiệm mới tránh được việc biến không gian chung thành nơi đầy những cuộc "khẩu chiến", thị phi, gây mệt mỏi và bào mòn niềm tin của công chúng.
"Cuối cùng, nên nhớ ảnh hưởng càng lớn thì trách nhiệm càng cao. Mạng xã hội có thể là vũ khí để tự vệ nhưng nếu không biết cách sử dụng, nó sẽ phản chủ. Và thiệt hại hình ảnh lúc đó không đến từ 'người khác nói sai về mình' mà từ chính mình - người đã nói sai cách", chuyên gia kết luận.
Mi Lê
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/nghe-si-noi-tieng-pho-bay-doi-tu-tren-mang-xa-hoi-xau-xi-nhung-2403275.html