Ra mắt 'Di cảo Đặng Đình Hưng': Trăm năm nhìn lại

Ra mắt 'Di cảo Đặng Đình Hưng': Trăm năm nhìn lại
17 giờ trướcBài gốc
NSND Đặng Thái Sơn đã có mặt trong buổi lễ ra mắt sách về cha mình và biểu diễn tại Nhà hát Hồ Gươm vào tối 21/12 với hòa nhạc "Đặng Thái Sơn Returns" mà nghệ sĩ chia sẻ: "Là buổi hòa nhạc đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha tôi - nhà thơ Đặng Đình Hưng...".
Nhà thơ Đặng Đình Hưng.
Cuốn sách "Di cảo Đặng Đình Hưng" dày 250 trang, gồm các tập thơ như: "Rra" (1965), “Songe A” (1968), "Sử thi Phù Đổng ca" (1970) cùng một số trang thủ bút các tập thơ của ông, thư của nhà thơ Trần Dần gửi Đặng Đình Hưng, chân dung nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng qua ảnh của nhiếp ảnh gia Hà Tường, bài viết của các tác giả như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phan Đan, Nguyễn Thụy Kha...
Cuốn sách được hoàn thành nhờ sự giúp đỡ và cung cấp những tư liệu quan trọng từ gia đình nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhà quay phim Trần Trọng Văn và một số bạn bè văn nghệ sĩ. Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ lý do ông tha thiết muốn thực hiện cuốn sách này là vì: "Tôi được đọc thơ của cụ Đặng Đình Hưng cách đây bốn chục năm. Thích và "nhập" ngay vì thơ cụ lạ, mới, hiện đại. Đến bây giờ vẫn hay vì vẫn mới. Năm 2021, sau khi "Một bến lạ" ra mắt độc giả, thật hữu duyên, một số bạn của tôi đã tin tưởng đưa tôi những bản thủ bút các tác phẩm của cụ. Tất cả đều chưa từng xuất hiện và họ mong muốn, một ngày nào đó có thể xuất bản để mọi người đều được biết tới.
Di cảo như tên gọi của nó là những gì chưa được biết tới. Nó cần phải được phổ biến để bức chân dung của tác giả hoàn chỉnh hơn. Tính đến khi cụ Đặng Đình Hưng mất (tháng 12/1990), tôi được làm học trò của cụ khoảng 6 năm. Cụ dạy tôi về nghệ thuật nói chung, trong đó có hội họa. Cụ là thầy tôi. Đó là 3 duyên nhỏ tạo thành một duyên lớn để hôm nay "Di cảo Đặng Đình Hưng" ra đời...".
Nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng sinh năm 1924 tại làng Thụy Hương, huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ), nay thuộc Hà Nội. Tốt nghiệp Trường Bưởi, năm 18 tuổi ông vào học Trường Luật Đông Dương, chưa tốt nghiệp thì Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông nhập vào hoạt động đoàn thể ở Hà Nội. Toàn quốc kháng chiến, ông theo Việt Minh lên Vĩnh Yên làm tuyên truyền, công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương. Năm 1951, ông được cử làm Đoàn trưởng kiêm Chính trị viên Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, là cấp trên của những bậc tài danh như Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Học Phi, Lưu Hữu Phước...
Trở về Hà Nội khi hòa bình lập lại, song hành với những cách tân nghệ thuật, chàng trai Đặng Đình Hưng đã có được tình yêu và nên duyên với nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên. Cặp trai tài gái sắc có thêm người con chung là một nghệ sĩ của thế giới sau này - nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn. Một số tập thơ, bài thơ của Đặng Đình Hưng đã được xuất bản từ những năm 1958 cho thấy sự cách tân đầy bản lĩnh của ông như tập "Lirik", "Cômik", "Khóc Mỵ Châu"... Có thể nói, bài thơ cách tân của Đặng Đình Hưng được nhiều người biết đến và yêu thích, đó chính là bài "Tôi có trăm xu":
"Tôi có trăm xu/ tôi đi tám phố/ mua con đường dài/ vừa đi vừa nghỉ/ mua năm xu ánh sáng/ sống ghẹ mặt trời/ mua năm xu chơi vơi/ mủi lòng viên đạn/ mua năm xu mưa lay phay/ trang hoàng giậu sắt...
đến phố hàng kèn gặp thằng trĩ mũi/ tôi mua năm xu lá chuối/ tôi cho nó xem/ nó mua năm xu hoa loa kèn/ nó cho tôi ngửi/... Đôi bạn èng èng chia tay đầu phố".
NSND Đặng Thái Sơn ký tặng độc giả tại buổi ra mắt "Di cảo Đặng Đình Hưng".
Nhà thơ Đặng Đình Hưng theo mô tả của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã phải sống những năm tháng cùng cực, cô đơn sau biến cố văn chương, phân ly với nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên và mắc căn bệnh u phổi vào năm 1974: "Nhưng, chính khi ấy, khi nằm trên giường bệnh, cận kề cái chết, ở chỗ không thể lùi hơn, ở thế "cùng tắc biến", thơ Đặng Đình Hưng đã lộ sáng ra một siêu phẩm mang tên "Bến lạ". Tập thơ được tu chỉnh trong những ngày tháng kỳ diệu khi khối u nơi ông nhỏ lại dần qua những điều trị hết lòng, tử tế của lương y thời đại ấy, để rồi "song kiếm hợp bích" cùng vinh quang đoạt giải thưởng cuộc thi dương cầm thế giới mang tên F.Chopin lần thứ 10 của con trai Đặng Thái Sơn mùa thu năm 1980. Chỉ có khác, vinh quang của Đặng Thái Sơn là sự nổi tiếng, còn vinh quang của Đặng Đình Hưng là chiến thắng bệnh tật, chiến thắng chính mình, chiến thắng nỗi cô đơn, nghiễm nhiên đưa tên mình vào "từ điển văn học" với tư cách một nhà thơ, đóng góp cho cuộc cách tân thơ Việt Nam hiện đại...".
Có thể nói, nhờ có sự "đăng quang" của Đặng Thái Sơn năm đó đã góp phần vào sự "nhìn lại Đặng Đình Hưng". Ông được phân một căn hộ tập thể ở khu Giảng Võ qua chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cuối năm 1980 và đã sống những năm tháng cuối đời có phần dễ chịu hơn ở đây cho đến khi qua đời vào ngày 21/12/1990.
Có mặt tại buổi lễ ra mắt sách về cha mình, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn xúc động chia sẻ: "Sau khi nghe những lời chia sẻ, đọc thơ của mọi người dành cho cha tôi, tôi rất xúc động, thật khó có thể diễn đạt bằng lời. Tôi xin được chơi một đoạn nhạc của Chopin để thay lời muốn nói, bày tỏ niềm tri ân và chia sẻ một kỷ niệm đẹp về bố mình. Tôi dành toàn bộ tâm trí và tình cảm của mình cho bố tôi qua đêm nhạc diễn cùng dàn nhạc giao hưởng tại Nhà hát Hồ Gươm vào tối 21/12. Tôi thấy vui vì giờ đây bố Đặng Đình Hưng của tôi không chỉ thuộc về gia đình mà thuộc về tất cả mọi người...".
Đây cũng là lần đầu tiên, vào đúng ngày kỷ niệm 34 năm ngày mất của cha mình, NSND Đặng Thái Sơn trình diễn lại bản Concerto của Chopin kể từ lần ông tham gia và đoạt giải cao nhất tại Cuộc thi piano quốc tế Chopin ở Ba Lan năm 1980. Điều này chắc hẳn mang một ý nghĩa đặc biệt và thiêng liêng mà ông muốn dành tặng cha mình - nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ Đặng Đình Hưng - người cha mà nghệ sĩ Đặng Thái Sơn "Tuy không có nhiều thời gian sống gần nhưng lại chịu ảnh hưởng rất lớn!".
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy:
"Đặng Đình Hưng yêu sự trôi chảy. Nhịp điệu thơ ông chảy trôi đồng cách với dòng sông Đáy quê hương. Ở "Ô", nó trôi chậm chạp hiền hòa qua những bãi dâu bờ mía thuộc đồng đất Đan Phượng, Quốc Oai... Ở "Bến lạ", nó chảy mạnh hơn, uốn mình quanh chân những quả đồi bát úp vùng Ứng Hòa, Chương Mỹ. Ở "Ô mai", nó trườn uốn qua những dãy núi đá vôi của Mỹ Đức, rồi Kim Bảng (Hà Nam), đến Gia Viễn (Ninh Bình). Sau đó thì từ từ ra biển. Nhịp điệu thủy trình sông Đáy ngược với các dòng sông khác từ miền núi đổ về, bởi sông Đáy chỉ là một phân lưu của sông Hồng. Nhưng, nhịp điệu đó rất phù hợp với nhịp điệu thơ Đặng Đình Hưng. Từ "Ô", qua "Bến lạ", đến "Ô mai", thơ ông ngày càng gia tăng chất văn xuôi, tức từ giảm thiểu đến biến mất vần điệu, nên để lưu giữ chất thơ thì nhịp điệu như dòng sông Đáy phải mạnh mẽ hơn, biến hóa hơn theo phong thổ, xứ sở, trạng huống, tâm cảnh với vô vàn chiều, trục.
Là nghệ thuật thời gian, âm nhạc ảnh hưởng đến Đặng Đình Hưng - nhà thơ ngay cả ở việc chọn và thay đổi thể loại thơ. "Ô" là thơ tự do, "Bến lạ" là thơ văn xuôi, còn "Ô mai" là văn xuôi thơ. Như vậy, làm thơ, Đặng Đình Hưng dường như chú trọng đến chất thơ nhiều hơn là hình thể, thân xác thơ. Hơn nữa, theo thời gian thì chất văn xuôi tăng lên từ tập này đến tập khác. Nhưng, có một điều lạ là, ở Đặng Đình Hưng, chất thơ và chất văn xuôi không tương khắc mà lại tương sinh, tức tỷ lệ thuận với nhau. Chất văn xuôi tăng bao nhiêu thì chất thơ cũng tăng bấy nhiêu. Phải chăng, chỉ có thể lý giải được nghịch lý này bằng việc thi nhân cấu trúc thi phẩm của mình như một nhạc phẩm...".
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên:
"Trên hành trình thơ Việt hiện đại, mỗi sự cách tân, sáng tạo đẩy thơ đi tới cùng dân tộc và nhân loại, dù ở mức độ thành công khác nhau, đều được ghi nhận và trân trọng. Đặng Đình Hưng bằng "Bến lạ" và "Ô mai" hơn 30 năm trước đã hiện diện mình trong thơ một cách gây sốc. Thơ ông từ chỗ bị khó chịu, chê bai, phản bác đã được cảm nhận, tìm hiểu và có một giá trị. Năm 2021, với cuốn sách "Đặng Đình Hưng - Một bến lạ" đưa thêm những cái mới về thơ ông. Và, hôm nay, ra mắt thêm một cuốn sách mới với những di cảo lần đầu được công bố của Đặng Đình Hưng nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, người đọc lại được cùng ôn trải hành trình thể nghiệm sống và thơ. Lại được cầm lên những vali thơ của ông và các bạn thơ "cùng một lứa bên trời lận đận" mà ông ngỡ đã xếp xó, chôn vùi...".
Nguyệt Hà
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ra-mat-di-cao-dang-dinh-hung-tram-nam-nhin-lai-i754693/