Rà soát, đánh giá cụ thể để xử lý hiệu quả

Rà soát, đánh giá cụ thể để xử lý hiệu quả
12 giờ trướcBài gốc
So với báo cáo của Bộ Tài chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đang tồn đọng diễn ra hồi cuối tháng 3, đã tăng thêm khoảng 1.360 dự án, từ 1.533 lên 2.981 dự án. Trong số 2.981 dự án tồn đọng, kéo dài hiện nay có 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là những dự án rõ sai phạm; nhóm thứ hai là những dự án vướng mắc về thủ tục và nhóm thứ ba là những dự án có dấu hiệu vi phạm.
Để khắc phục, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 77-KL/TW về phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố. Quốc hội cũng đã có Nghị quyết 170/2024/QH15, Chính phủ có các Nghị định 76/2025/NĐ-CP và 91/2025/NĐ-CP để thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị. Đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng.
Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách. Đồng thời là cơ sở để các tỉnh, thành phố rà soát các dự án, áp dụng triển khai các biện pháp xử lý, giải quyết, hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Thực tế, sau hơn một năm triển khai thực hiện Kết luận 77, các nghị quyết của Quốc hội và các nghị định của Chính phủ, việc xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, nhiều vướng mắc đã được xử lý, dự án tiếp tục triển khai mang lại hiệu quả, qua đó giải phóng nguồn lực cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Dù vậy, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để việc xử lý thật sự hiệu quả, cần tiếp tục rà soát, tổng hợp, phân loại, phân tích, đánh giá các dự án, từ đó đề ra hướng xử lý phù hợp quy định, trên nguyên tắc các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp, ngành nào thì cấp, ngành đó xử lý. Đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các trường hợp vượt thẩm quyền, bảo đảm giải quyết đúng người, đúng việc, đúng nội dung, đúng phạm vi, đúng đối tượng.
Các phương án xử lý phải công minh, ngay thẳng, đúng bản chất vấn đề, tính khả thi rõ ràng, hiệu quả cụ thể, rõ nét, có tính nhân văn thực sự, rõ đến đâu làm đến đó. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện phải bài bản, dựa trên các nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bám sát thực tiễn, vừa làm vừa mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội và xem xét đề xuất thận trọng. Trong xử lý không để "sai chồng sai, được việc này mất việc kia"…
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho gần 3.000 dự án này là rất cần thiết, nhằm giải tỏa các nguồn lực đầu tư, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần chống lãng phí. Bởi vậy, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo diễn ra hồi tháng 3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng vì đây chính là nguồn lực của tăng trưởng.
Đến cuộc họp Ban Chỉ đạo diễn ra vừa qua, điều này một lần nữa được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại. Đó là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai là việc khó, nhạy cảm, chưa có tiền lệ song phải quyết tâm thực hiện. Qua đó, chống lãng phí, huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8,3 - 8,5% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực để tăng trưởng 2 con số trong những năm tới, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Ninh Hà
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/ra-soat-danh-gia-cu-the-de-xu-ly-hieu-qua-10380317.html