Định hướng trên được đề cập tại Kết luận 150 của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới, do Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú ký ban hành.
Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND quận Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)
Liên quan đến phương án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp xã sau khi thành lập mới và việc phân công cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp xã (sau khi được chỉ định) đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo của các đơn vị ở cấp xã, Bộ Chính trị yêu cầu ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng nêu tại chỉ thị mới của Bộ Chính trị và các quy định có liên quan.
Đồng thời, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy cần nghiên cứu các nội dung, yêu cầu xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh để cụ thể hóa, chỉ đạo việc xây dựng và thông qua phương án nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp xã và việc phân công cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp xã đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc nhiệm kỳ 2025-2030.
Bộ Chính trị lưu ý, trước khi kết thúc hoạt động của cấp huyện và thành lập đơn vị hành chính cấp xã mới, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy cần chủ động tổng rà soát nguồn cán bộ cấp huyện, cấp xã để có phương án xem xét, điều động, phân công, bố trí, giới thiệu giữ chức vụ lãnh đạo ở cấp xã mới ngay khi được thành lập.
Theo Bộ Chính trị, việc này nhằm bảo đảm kịp thời, không gián đoạn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cấp xã, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Theo Nghị quyết số 60 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương thống nhất chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1/7 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Trung ương thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); tên gọi là trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Chính phủ.
Trung ương đồng ý sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Anh Văn