Trường Sa không còn xa nữa…
Bảo Khánh trở về sau hành trình đến quần đảo Trường Sa trong khuôn khổ hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2025 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức với thông điệp “Tự hào một dải non sông” diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 50 năm giải phóng quần đảo Trường Sa; và 70 năm Ngày truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam. Đó là lần đầu tiên cô gái 21 tuổi đang học tập và làm việc tại Singapore được tận mắt nhìn thấy màu nước xanh biếc của vùng biển đảo phía Đông Nam Tổ quốc. Cô được lắng nghe thanh âm tuyệt đẹp vang lên giữa biển lớn và trò chuyện với những người chiến sĩ trẻ mang nắng gió trên vai.
Bảo Khánh rạng rỡ giữa biển trời Tổ quốc, mang theo niềm tin người trẻ hướng về Trường Sa.
“Lúc tàu chạm đảo, mình nhận ra Trường Sa không còn là khái niệm địa lý nữa. Ở đây có những nụ cười tươi tắn của các em nhỏ, xen lẫn sự bình thản và kiên cường nơi ánh mắt những người chiến sĩ trẻ. Tất cả tạo nên một Trường Sa vừa bình dị, vừa thiêng liêng.” Bảo Khánh kể lại. Cô cũng rất xúc động với những câu chuyện lịch sử hình thành và củng cố chủ quyền biển đảo Việt Nam, những người lính đã ra sức đấu tranh và bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Mỗi điểm đảo đoàn đi qua, từ đảo Đá Thị đến Trường Sa Lớn, đều để lại trong lòng Khánh những mảnh ghép cảm xúc khác nhau, nhưng chung một nhịp đập: lòng yêu nước không phải điều trừu tượng, mà cụ thể hóa trong từng cột mốc, từng lá cờ, từng người đang ngày đêm giữ biển.
Những cuộc gặp truyền cảm hứng sống đẹp
Trên chuyến hải trình ra Trường Sa, Bảo Khánh có dịp gặp gỡ nhiều cán bộ, chiến sĩ trẻ tuổi đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc. Nơi đảo xa, nắng và gió như tô đậm thêm vẻ đẹp của lòng người, cô đặc biệt ấn tượng với một bạn chiến sĩ chỉ mới đôi mươi, với nụ cười rắn rỏi, ánh mắt đầy tự tin và kiên định khi hướng mắt nhìn về phía những con sóng: “Biển của đất nước mình đẹp và thiêng liêng lắm. Mình có mong muốn được tình nguyện ở lại thêm một năm nữa để tiếp tục bảo vệ biển đảo quê hương.” Khánh nhận ra: “Đó là những người trẻ nhưng lý tưởng của họ không trẻ chút nào.”
Nụ cười của người trẻ tại đảo Len Đao, đầy tự hào về màu cờ trên ngực áo.
Không có internet, nhưng niềm vui luôn hiện diện qua tiếng cười, tiếng hát, tình đồng đội gắn bó như gia đình và qua cả thành quả lao động - vườn rau xanh mướt do chính tay các chiến sĩ vun trồng để giữ gìn nhịp sống nơi đảo xa. “Mình đã rất xúc động. Đó là minh chứng cho tinh thần tự lực, lạc quan của cán bộ chiến sĩ Việt Nam.” Khánh tâm sự.
Không chỉ có những người cán bộ, chiến sĩ trẻ, cuộc sống của cư dân trên đảo cũng để lại trong cô nguồn năng lượng tích cực lan tỏa. Nơi đầu sóng ngọn gió ấy, người dân vẫn chọn ở lại, vì họ xem nơi này như một phần máu thịt – một quê hương thứ hai. Những người dân ấy đã cho Khánh thấy một khái niệm thiêng liêng khác: lòng trung thành với đất. Họ chọn sống giữa đại dương không phải để chịu đựng, mà để dựng xây với niềm tin rằng mỗi mái nhà nhỏ trên đảo là một cột mốc sống động của Tổ quốc.
“Mình rất ngạc nhiên và vui mừng khi đến thăm các hộ dân, ai cũng có một khu vườn nhỏ riêng để trồng rau, ăn trái, ươm cây bàng vuông. Có gia đình còn ươm bàng để làm quà gửi về đất liền khi có đoàn ra thăm,” Khánh kể. Đó như những nhịp cầu kết nối, thấm đượm tình cảm giữa đất liền và nơi biển đảo.
Màu xanh của chủ quyền và hy vọng
“Màu xanh của chủ quyền” được Bảo Khánh lưu giữ trong tim
Một trong những hình ảnh khiến Khánh nhớ mãi là khi đặt chân lên đảo Sinh Tồn – nơi cột mốc chủ quyền vững chãi đứng giữa một mảng xanh mướt của rau, cây bàng vuông và giàn mướp đong đưa trong gió. “Giữa nơi tưởng chừng chỉ có đá và cát, những mảnh vườn xanh đã mọc lên, không chỉ để cải thiện bữa ăn, mà còn như một lời khẳng định đầy mạnh mẽ: chủ quyền không chỉ được giữ bằng súng đạn, mà còn bằng cả sự sống, bằng tình yêu và niềm hy vọng,” Khánh chia sẻ.
Cô gọi đó là “màu xanh của chủ quyền”, bởi dù phong ba bão táp, đảo vẫn xanh tươi. Và dù giữa muôn trùng khó khăn, những người chiến sĩ vẫn tích cực học tập, rèn luyện và sẵn sàng chiến đấu bất kể ngày đêm.
Cây bàng vuông – loài cây biểu tượng của Trường Sa – cũng trở thành nhân chứng sống cho sự bền bỉ của con người nơi đây. Gốc bàng già rễ vươn sâu, tán xòe rộng trên nền cát khô, gợi nhớ đến tinh thần đoàn kết và sự trường tồn của Tổ quốc giữa biển Đông cuộn sóng.
Từ xúc cảm thiêng liêng đến trách nhiệm lan tỏa trong cộng đồng
Bảo Khánh cùng đoàn đại biểu dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì biển đảo quê hương (Ảnh: Phan Quốc)
Trong chuyến đi cùng đoàn công tác số 16, Bảo Khánh cùng các đại biểu còn tham gia hoạt động tưởng niệm các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ biển đảo quê hương, thả hoa và hạc giấy, giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ và các em học sinh. “Khi lắng nghe những lời diễn văn trong lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trên Quần đảo Trường Sa khi đoàn công tác khi tới vùng biển đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao mình cảm thấy một nguồn năng lượng rất đặc biệt lan tỏa, như thể tình yêu Tổ quốc không còn là điều ở xa, mà đang sống thật trong chính từng người trẻ chúng mình.” Khánh kể lại.
Những người chiến sĩ tuổi đời mới mười tám, đôi mươi đã mãi mãi nằm lại dưới biển sâu, nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam.
Với cương vị Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore, Khánh luôn trăn trở câu hỏi: “Làm sao để các bạn du học sinh, đang sống xa đất nước, vẫn cảm thấy gắn bó, trách nhiệm và tự hào với quê hương?” Sau chuyến đi, Khánh hiểu rằng: phải chạm thật gần, nhìn thật rõ, thì tình yêu nước mới đủ sâu để biến thành hành động.
Trở về từ Trường Sa, Khánh mong muốn được tuyên truyền những kiến thức lịch sử hình thành và phát triển của biển đảo tới đông đảo các bạn sinh viên, lan tỏa niềm tự hào của mình đến với bạn bè quốc tế. “Mình muốn tình cảm này không bị lãng quên theo thời gian. Một chuyến đi có thể kết thúc, nhưng trách nhiệm thì sẽ được tiếp nối mãi mãi.”
Nhân dịp 30/4, Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore đã long trọng tổ chức lễ dâng hoa tưởng niệm, hướng về ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khánh cũng chia sẻ, Hội Sinh viên tại Singapore thường xuyên tổ chức các ngày lễ kỷ niệm để tưởng nhớ những vị anh hùng của đất nước, với mục tiêu truyền cảm hứng cho các bạn trẻ về lòng yêu nước thời đại số: không cần quá ồn ào, nhưng phải thật bền bỉ.
Ra Trường Sa để soi lại chính mình
“Chuyến đi giúp Khánh đặt lại nhiều câu hỏi: Mình đã sống có trách nhiệm với đất nước chưa? Mình có đang tận dụng tri thức mình học được để đóng góp gì cho cộng đồng không?” – Khánh trầm ngâm.
Cô kể, có những đêm ngủ trên tàu, Khánh nằm thao thức: “Tôi đang ở đâu trong bản đồ Tổ quốc?” Câu hỏi ấy không để day dứt, mà để trưởng thành. Ra Trường Sa để soi mình – để thấy điều gì đáng quý, điều gì cần làm và mình muốn là ai trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lá cờ “Quyết thắng” tung bay giữa Trường Sa – khẳng định ý chí và niềm tin vững vàng của những chiến sĩ biển (Ảnh: Hồ Hiền - Báo Thanh Niên)
Đỗ Xuân Bảo Khánh không sao quên được cảm xúc khi rời Trường Sa Lớn và nhà giàn DK1/14, khi các cán bộ hô to: “Trường Sa vì Tổ Quốc, Trường Sa yêu Tổ quốc” và đáp lại của các đoàn đại biểu trên boong “Tổ Quốc vì Trường Sa, Tổ quốc yêu Trường Sa”.
Ra Trường Sa một lần để yêu Tổ quốc hơn nhiều lần – đó không chỉ là tự sự của Bảo Khánh, mà là tiếng lòng của cả một thế hệ. Ra Trường Sa để trở về với nhiều năng lượng hơn, để tiếp tục sống có ích, sống gắn bó với những giá trị mà đất nước đã bồi đắp cho mình. Trường Sa không chỉ cần người trẻ, mà còn tiếp sức cho người trẻ sống mạnh mẽ hơn.
Ảnh: NVCC
Thiện Nhân