'Rác mạng' Trung Quốc cập bến nước Mỹ

'Rác mạng' Trung Quốc cập bến nước Mỹ
2 ngày trướcBài gốc
Theo Bloomberg, các nhà đầu tư mạo hiểm và startup đã tụ họp tại khách sạn Conrad Beijing vào giữa tháng 12/2024, với mục tiêu khai thác hiện tượng mới nhất của mạng xã hội Trung Quốc: Những bộ phim truyền hình thời lượng siêu ngắn. Chúng mang lại doanh thu khổng lồ với chi phí thấp, nhưng đổi lại là chất lượng kịch bản, sản xuất ở mức rất thấp.
Hiện tại, ngày càng có nhiều ông lớn từ Trung Quốc thành lập các cơ sở sản xuất phim tại Mỹ, với hy vọng sẽ lặp lại thành công của TikTok.
Thậm chí, để thu hút sự chú ý của khán giả phương Tây, các nhà sản xuất này không ngần ngại tuyển mộ một đội ngũ sản xuất nhỏ tại Mỹ hoặc hợp tác với các studio địa phương và tận dụng nguồn lực của Hollywood.
Kẻ thay đổi điện ảnh Trung Quốc
Trào lưu này lần đầu xuất hiện tại Trung Quốc vào năm 2018, không lâu sau khi TikTok ra mắt. Các công ty như Kuaishou và Tencent đã thu hút hàng chục triệu khán giả trẻ, những người thường xuyên lướt qua màn hình để cập nhật các câu chuyện mới và video đang thịnh hành.
Phần lớn kịch bản thường lặp đi lặp lại những motif quen thuộc trong giới tiểu thuyết mạngTrung Quốc: "lọ lem" phải lòng tỷ phú, âm mưu trả thù hoặc "xuyên không", "trùng sinh". Thể loại này thịnh hành đến mức buộc những ông lớn trong ngành phim và truyền hình trực tuyến của Trung Quốc phải mắt mục phim cho người dùng smartphone.
Dạng nội dung này đánh vào sở thích "ăn liền" của số đông, tạo những câu chuyện gây khó chịu, tò mò, buộc người dùng phải trả tiền xem tiếp khi lướt phải tập phim.
iQiyi và Tencent, những nền tảng tương đương với Netflix và Hulu ở Trung Quốc, đang bắt đầu mua bản quyền các phim truyền hình thời lượng siêu ngắn này cho để cung cấp cho khách hàng trong nước, khán giả nước ngoài.
Nền tảng Kuaishou tạo nên thành công lớn nhờ những bộ phim truyền hình ngắn được sản xuất phục vụ thị hiếu khán giả trẻ ở thành thị xem khi đi làm hoặc nghỉ trưa. Ảnh: Bloomberg.
“Trung Quốc có chuỗi cung ứng mạnh mẽ cho phim truyền hình thời lượng siêu ngắn mà không nơi nào trên thế giới có thể sánh kịp”, Reeves Deng, một nhà đầu tư mạo hiểm đến từ Thâm Quyến, kiêm sáng lập công ty Luckyshort chia sẻ.
Theo dữ liệu được thống kê vào năm 2022, có tới gần 95% người dùng Internet ở Trung Quốc xem video ngắn. Trong đó, có khoảng 24% khách hàng chọn các ứng dụng video ngắn là điểm truy cập đầu tiên khi mở máy.
Được thúc đẩy bởi doanh thu từ quảng cáo và chi tiêu của người xem, tổng doanh thu năm 2024 của ngành công nghiệp "phim 60 giây" đã tăng đến 35%, đạt mốc 6,91 tỷ USD.
Theo báo cáo của một hiệp hội ngành được chính phủ Trung Quốc bảo trợ, con số này đã vượt qua doanh thu của ngành công nghiệp phòng vé tại Trung Quốc.
Bloomberg cho rằng có đến 50% trong số hơn một tỷ người dùng Internet của Trung Quốc đang xem "phim 60 giây", và hơn 1/3 trong số đó lướt qua các video ngắn hàng ngày.
"Phim truyền hình thời lượng siêu ngắn sẽ trở thành hình thức giải trí chủ đạo, thậm chí có thể vượt qua thị trường điện ảnh truyền thống trong vài năm tới”, Joey Jia, giám đốc điều hành của ReelShort – nhà sản xuất đứng sau thành công vang dội của bộ phim siêu ngắn The Double Life of My Billionaire Husband nhận định.
Rẻ tiền, dễ quay và lợi nhuận lớn
Theo Deng, các nhà sản xuất tại Trung Quốc hiện nay cho ra đời từ 5.000-8.000 series "phim 60 giây" mỗi năm. Con số này gấp 10 lần tổng sản phẩm của phần còn lại của thế giới.
Theo báo cáo, đã có hàng nghìn công ty mới đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực này vào năm 2024. Do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, chi phí sản xuất cũng tăng vọt.
Hậu trường của "phim 60 giây" có tên Resisting Mr. Lloyd phục vụ thị trường Mỹ. Ảnh: Reelshort.
Tuy nhiên, những bộ phim siêu ngắn này vẫn chỉ tốn vài chục nghìn USD để sản xuất, con số thấp hơn rất nhiều so với chi phí trung bình của một chương trình truyền hình. Thông qua sự kết hợp giữa quảng cáo và việc thu phí người dùng để xem tiếp câu chuyện, nhà sản xuất có thể dễ dàng thu về hàng triệu USD.
Phần lớn các chương trình ngắn này được xây dựng với ngân sách chỉ dưới 30.000 USD. Hou Chao, người điều hành một công ty sản xuất phim truyền hình ngắn ở Trịnh Châu tiết lộ tác phẩm thành công nhất của anh là Deflation Made Me a Tycoon, một bộ phim dài 101 tập với chi phí quảng cáo khoảng 5,8 triệu USD.
Theo Hou, bộ phim đã thu về hơn 7 triệu USD phí từ người dùng đăng ký thuê bao, đạt tỷ suất lợi nhuận 20%.
Sau khi “cày” vài tập đầu tiên của một series, người xem phải chi tiền để xem tiếp phần còn lại hoặc chấp nhận xem quảng cáo xen giữa các tập.
Trong khi đó, WeChat tính phí theo từng tập phim dài một phút. Xem một bộ phim dài 100 tập có thể tốn tới 15 USD, con số cao hơn gấp đôi giá vé xem phim trung bình ở Trung Quốc.
Các nhà sản xuất thừa nhận với Rest of World rằng mặc dù chất lượng sản xuất thấp hơn, nhưng các miniseries này mang đến cho người xem cảm giác thú vị bằng cách thoát khỏi thực tế với những tưởng tượng từ nghèo khó trở nên giàu có.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2022, ReelShort, công ty do Crazy Maple Studio vận hành tại Sunnyvale, California, đã thu hút hơn 10 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Một cảnh trong phim truyền hình siêu ngắn Billionaire CEO’s Secret Obsession. Ảnh: Reelshort.
Nhà sản xuất này vẫn đang cố gắng mở rộng tại Mỹ Latin, Châu Âu và khu vực Châu Á Thái Bình Dương với nội dung có hỗ trợ đến 16 ngôn ngữ.
Công ty chuyển thể các câu chuyện có bản quyền từ Trung Quốc sang thị trường Mỹ, với các diễn viên bản xứ đóng vai các nhân vật lãng mạn và có yếu tố giả tưởng. ReelShort đã thu hút được lượng lớn khán giả nữ mong muốn thưởng thức "phim 60 giây" tại đây.
“Mọi người muốn tiêu thụ nội dung này bất cứ lúc nào, không giống như việc phải dành hàng giờ để xem một bộ phim tại rạp. Phim truyền hình siêu ngắn mang lại cho người dùng sự linh hoạt để thưởng thức nội dung trong một khoảng thời gian rất ngắn", Nan Yapeng, phó chủ tịch tại Crazy Maple Studio chia sẻ.
Anh Tuấn
Nguồn Znews : https://znews.vn/rac-mang-trung-quoc-cap-ben-nuoc-my-post1529778.html