Trưởng Công tố dính cáo buộc quấy rối tình dục
Trưởng Công tố của ICC, ông Karim Khan, đã tạm thời tự đình chỉ nhiệm vụ để phục vụ cuộc điều tra của Liên hợp quốc về cáo buộc ông cưỡng ép tình dục một nữ nhân viên. Quyết định kể trên được văn phòng của ông Khan cho biết trong một thông cáo báo chí phát đi vào ngày 16/5.
Theo tờ Wall Street Journal, những cáo buộc nội bộ nhằm vào ông Karim Khan đã xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 5 năm ngoái. Một nữ luật sư 30 tuổi người Malaysia từng là trợ lý thân cận của ông Khan tố cáo nhà lãnh đạo 55 tuổi này cưỡng ép cô quan hệ tình dục nhiều lần tại các địa điểm như CHDC Congo, Chad, New York, Paris và The Hague.
Ông Karim Khan tuyên thệ nhậm chức Trưởng Công tố của ICC năm 2021.
Nữ luật sư kể trên cũng cho biết ông Khan đã gây áp lực buộc cô rút lại các cáo buộc khi nói rằng những lời buộc tội này sẽ gây nguy hiểm cho cuộc điều tra của ICC về hậu quả chiến tranh của Israel tại Gaza. Hai nhân viên ICC tiếp nhận cáo buộc sau đó đã đối chất với ông Khan vào ngày 2/5/2024 và báo cáo sự việc lên bộ phận nhân sự của tòa án. Tuy nhiên, do nạn nhân không nộp đơn khiếu nại chính thức, cuộc điều tra nội bộ đã không được tiến hành đầy đủ.
Sự việc chìm trong im lặng cho đến tháng 10/2024 thì bị rò rỉ ra công chúng khi tờ báo Anh, Daily Mail đưa tin về những cáo buộc của nữ luật sư người Malaysia. Sau đó, một tờ báo Anh khác là The Guardian cho biết thêm, Karim Khan và một quan chức khác thân cận với ông đã nhiều lần thúc giục nữ luật sư này rút lại những cáo buộc của mình.
Ông Khan phủ nhận mọi thông tin mà hai tờ báo Anh kể trên nêu ra. Trưởng Công tố của ICC tuyên bố trên các phương tiện truyền thông xã hội rằng ông đã yêu cầu và sẽ “hợp tác đầy đủ” với một cuộc điều tra để chứng minh sự trong sạch của mình. Đến tháng 11 năm ngoái, ICC thông báo rằng họ đã đề nghị Văn phòng Dịch vụ giám sát nội bộ của Liên hợp quốc (OIOS) tiến hành cuộc điều tra về các cáo buộc này nhằm “đảm bảo một quá trình hoàn toàn độc lập, vô tư và công bằng”.
Hiện tại, OIOS vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng. Nhưng trong tuần qua, những lời kêu gọi ông Khan từ chức đã xuất hiện dày đặc hơn khi một bài báo trên tờ Wall Street Journal đưa ra những chi tiết mới về vụ việc này. Tờ báo Mỹ đưa tin nữ trợ lý của ông Khan đã làm chứng với các nhà điều tra của Liên hợp quốc và xác nhận rằng vị Trưởng Công tố đã cưỡng bức tình dục với cô nhiều lần cũng như đã gây áp lực như thế nào để buộc cô phải im lặng. Bên cạnh đó, hãng tin Reuters hồi tháng 4 cũng cho hay, ông Khan bị tố đã trả đũa ít nhất 4 nhân viên ICC, với những hình thức như giáng chức hoặc điều chuyển công tác, vì đã tố cáo hoặc chỉ trích cách xử lý vụ lùm xùm của ông.
Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu đã bị ICC phát lệnh bắt giữ hồi tháng 11 năm ngoái với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.
Ông Khan, thông qua luật sư của mình, một lần nữa phủ nhận mọi hành vi sai trái, đồng thời tố ngược lại rằng ông là nạn nhân của một chiến dịch bôi nhọ liên quan đến các cuộc điều tra mà ICC đang tiến hành với các nhà lãnh đạo Israel. Vị Trưởng Công tố người Anh hồi tháng 11 năm ngoái từng phát lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu cùng một số lãnh đạo cấp cao khác của Israel vì những hậu quả mà quân đội Israel gây ra đối với người Palestine ở Gaza.
Tuy nhiên, trước áp lực của các tổ chức nhân quyền, ông Khan cuối cùng đã phải tạm thời từ nhiệm như một động thái cần thiết để đảm bảo tính khách quan của cuộc điều tra nhằm vào ông. Trong một tuyên bố bằng văn bản, Công ty luật Carter-Ruck đại diện quyền lợi cho ông Khan khẳng định vị Trưởng Công tố này tạm rời nhiệm sở nhưng không có ý định từ chức. “Khách hàng của chúng tôi vẫn là công tố viên, chưa từ chức và không có ý định làm như vậy”, văn bản của Carter-Ruck cho biết.
ICC quay cuồng trong cơn bão
Việc Trưởng Công tố Karim Khan tạm rời nhiệm sở để phục vụ cuộc điều tra là động thái chưa từng có tiền lệ và hiện ICC cũng không có quy trình rõ ràng nào để thay thế ông Khan. Tình hình này tạo thêm sự bất ổn cho ICC, cơ quan vốn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng do lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến việc tòa án này ban hành lệnh bắt giữ các quan chức Israel.
Hồi tháng 2 năm nay, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp cấm ông Karim Khan và những cá nhân không phải người Mỹ khác trong số 900 nhân viên của ICC nhập cảnh vào Mỹ do các phán quyết của tòa án này nhằm vào Israel, một đồng minh của Washington. Sắc lệnh cũng đe dọa trừng phạt bất kỳ cá nhân, tổ chức hoặc công ty nào bằng tiền phạt và án tù nếu họ cung cấp cho ông Karim Khan “hỗ trợ tài chính, vật chất hoặc công nghệ”.
Trụ sở của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague, hay còn gọi là La Haye, Hà Lan.
Sau lệnh cấm kể trên, một số tổ chức phi chính phủ đã ngừng làm việc với ICC và ông Karim Khan thậm chí mất quyền truy cập vào email của mình trong khi tài khoản ngân hàng của ông bị đóng băng. Trong khi đó, ICC cũng đối mặt với tình trạng thiếu hợp tác từ các nước thường xuyên ủng hộ họ trước đây. Tòa án này vốn không có bộ máy thực thi pháp luật riêng và phụ thuộc vào các quốc gia thành viên nhưng trong năm qua, 3 quốc gia - bao gồm 2 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) - đã từ chối thực hiện lệnh do ICC ban hành.
Tòa án Hình sự quốc tế được thành lập năm 2002 sau khi “Quy chế Rome” - hiệp ước nêu rõ các quy tắc về cách thức hoạt động của tòa án này được thông qua năm 1998. Tính đến tháng 4 năm 2025, có 137 quốc gia đã ký Quy chế Rome - thể hiện ý định tham gia - trong khi 125 quốc gia trong số đó đã chính thức phê chuẩn, trở thành thành viên chính thức của ICC.
Các quốc gia thành viên của ICC được yêu cầu hợp tác đầy đủ với tòa án trong quá trình điều tra và truy tố, bao gồm cả việc bắt giữ nghi phạm, cung cấp bằng chứng và lời khai của nhân chứng, bảo vệ nạn nhân và nhân chứng. Nhưng trên thực tế, các nước thành viên không phải lúc nào cũng tuân thủ điều này. Chẳng hạn như năm 2017, Nam Phi, một thành viên của ICC, đã không bắt giữ nhà lãnh đạo Sudan khi đó là Omar al-Bashir khi ông đến thăm nước này dù có lệnh truy nã từ Tòa án Hình sự quốc tế.
Mỹ và Israel nằm trong số những quốc gia không ký Quy chế Rome, do đó đều không phải thành viên của tòa án này. Năm 2020, chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump cũng đã trừng phạt người tiền nhiệm của ông Khan, bà Fatou Bensouda, và một trong những phó tướng của bà vì họ mở cuộc điều tra nhằm vào những hoạt động của quân đội Mỹ ở Afghanistan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành sắc lệnh trừng phạt ICC vì cơ quan này đe dọa an ninh của Mỹ và các đồng minh, bao gồm cả Israel.
Bây giờ, lệnh trừng phạt hồi tháng 2 của Mỹ cùng với rắc rối liên quan đến Trưởng Công tố Karim Khan sẽ càng khiến khó khăn nhân lên với ICC. Đặc biệt, vụ việc của ông Khan đang làm dấy lên nghi ngờ về tính liêm chính và đạo đức của lãnh đạo tòa án này, có thể khiến suy yếu niềm tin của công chúng và các quốc gia thành viên vào khả năng của ICC trong việc thực thi công lý một cách công bằng và khách quan.
Vụ lùm xùm của ông Khan cũng cung cấp một cái cớ để các bên phản đối ICC, bao gồm Mỹ và Israel, công kích tổ chức này. Trong bối cảnh đang vật lộn nhằm đảm bảo hoạt động tài chính và vận hành sau sắc lệnh trừng phạt từ Washington, những gì xảy ra với vị Trưởng Công tố chẳng khác nào góp thêm gió cho một trận bão lớn đang “quét qua” ICC.
Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Khan sai phạm?
Ông Karim Khan, 55 tuổi, là Trưởng Công tố viên của ICC kể từ năm 2021. Trước đó, vị luật sư người Anh này từng giữ chức Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc, nơi ông tham gia điều tra các tội ác do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây ra.
Sau khi ông Karim Khan tạm rời nhiệm sở, các phó tướng của ông là Nazhat Shameem Khan đến từ Fiji và Mame Mandiaye Niang đến từ Senegal sẽ đảm nhiệm quản lý Văn phòng Công tố của ICC với khoảng 450 nhân viên.
Không rõ ông Khan sẽ vắng mặt trong bao lâu. Nhưng nếu bị phát hiện có “hành vi sai trái nghiêm trọng” hoặc vi phạm nghiêm trọng nhiệm vụ của mình, ông nhiều khả năng phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu kín mà trong đó 125 quốc gia thành viên ICC sẽ quyết định về việc có nên cách chức ông hay không.
Quang Anh